>>
TP - Sát ngày thi tốt nghiệp THPT, thầy, cô giáo đưa ra gợi ý cho thí sinh phương pháp làm bài để đạt điểm cao.
|
Trước giờ làm bài thi tốt nghiệp THPT 2009 . Ảnh: Phạm Yên |
MÔN VĂN: Tránh lan man, vòng vo
Cô Nguyễn Như Hương, Tổ trưởng Tổ Văn, trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội:
Cấu trúc đề thi môn Văn có ba câu. Câu 1 là tái hiện kiến thức, sẽ hỏi về tác giả, về tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, khái quát giá trị về nội dung và nghệ thuật. Câu này chỉ có 2 điểm nên cách trả lời hết sức ngắn gọn, không cần dài dòng.
Theo đáp án của những năm trước, giám khảo chấp nhận cả những câu trả lời thể hiện các gạch đầu dòng. Do đó nếu diễn đạt lưu loát, có chất văn với thí sinh là điều khó khăn thì các em nên sử dụng các gạch đầu dòng cũng đã có điểm.
Đây là câu chỉ có 2 điểm nên các em đừng quá mất thời gian cho nó. Nhiều khi phần trả lời chỉ cần vài dòng là đủ, đừng nghĩ chẳng lẽ chỉ ngắn thế hay sao rồi cố viết cho dài ra.
Câu 2 (3 điểm) là câu nghị luận xã hội với một trong hai chủ đề: Nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lý, nghị luận về một hiện tượng đời sống. Dù tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống thì nội dung được hỏi sẽ là những vấn đề đang diễn ra hằng ngày xung quanh ta và được dư luận xã hội quan tâm.
Với câu hỏi này người ra đề thường giới hạn về lượng kiến thức như viết một đoạn văn 400 từ hoặc 500 từ... Trước khi làm bài các em cần xác định từng ấy từ là bao nhiêu trang giấy thi.
Tôi thường tính giúp học sinh của mình như thế này: bình quân mỗi trang giấy thi có khoảng 30 dòng. Mỗi dòng áng chừng 10 từ. Một trang sẽ viết được 300 - 350 từ. Nếu 500 từ thì sẽ vào khoảng 1 trang rưỡi tờ giấy thi. Phải định lượng như thế để xác định trình bày sao cho ý vẫn đủ mà không phải viết quá số lượng chữ đề ra cho phép.
Đây là một dạng đề tưởng như khó nhưng kỳ thực là dễ có điểm. Học sinh nào hiểu biết một chút thực tế cuộc sống, hay đọc báo, quan tâm tin tức thời sự, những vấn đề đạo đức, lối sống... thì dễ đạt điểm cao ở câu này.
Câu 3 (5 điểm) là câu nghị luận văn học. Đọc kỹ đề là lời khuyên muôn thuở nhưng thực tế cho thấy các em vẫn thường xem nhẹ lưu ý này. Một lưu ý khác là các em nên lập ý trên giấy nháp trước khi làm bài. Không cần cầu kỳ, chỉ cần phác ra những ý cần phân tích, cần thể hiện trong bài làm, ghi nhanh những ý, dẫn chứng nảy sinh trong quá trình suy nghĩ và lập ý, dù lộn xộn.
Trong quá trình làm bài, các em tránh lan man, vòng vo, tránh sử dụng những cấu trúc câu, hình ảnh, so sánh quá nhàm.
Nếu đề ra yêu cầu giới thiệu tác giả, các em nhất thiết giới thiệu được vị trí của tác giả trong nền văn học, nét khái quát về phong cách của tác giả.
Điểm lưu ý cuối cùng, các em cần chú ý đến cách trình bày đoạn văn, trình bày ý sao cho sáng sủa mạch lạc. Người chấm chỉ cần nhìn vào bài làm là có thể đoán được thí sinh này có kỹ năng làm bài hay không. Nếu một bài văn trình bày sáng sủa mạch lạc sẽ tạo thiện cảm với giám khảo dù họ chưa đọc bài.
Môn Địa lý: Lưu ý một số kỹ năng thực hành
Thạc sĩ Võ Thị Thu Hà, Tổ trưởng Tổ Xã hội trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, Hà Nội
Về kiến thức cơ bản, môn Địa lý lớp 12 có 3 nội dung chính: Địa lý tự nhiên - dân cư; địa lý kinh tế ngành và địa lý kinh tế vùng và mối liên hệ giữa các kiến thức. Đặc biệt, ở phần vùng kinh tế các em không được lơ là bởi theo cấu trúc đề thi có một câu 3 điểm về nội dung này.
Theo quan sát của tôi từ đề thi năm ngoái, phần lý thuyết có 3 điểm, phần thực hành có tới 7 điểm. Do đó, trước khi vào phòng thi, các em cần có sự chuẩn bị chu đáo để nắm chắc các kỹ năng, như: Khai thác Atlat Địa lý Việt Nam, xử lý số liệu, vẽ biểu đồ, phân tích bảng số liệu thống kê...
Có 5 dạng biểu đồ cơ bản các em cần nhớ: Biểu đồ hình cột, biểu đồ đường (hay còn gọi là biểu đồ đồ thị), biểu đồ kết hợp, biểu đồ tròn và biểu đồ miền.
Trước hết, các em phải xác định đúng mục đích của đề bài để lựa chọn dạng biểu đồ thích hợp nhất.
Ví dụ đề bài yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện diễn biến, hay tốc độ phát triển... thì chọn vẽ biểu đồ đường. Nếu yêu cầu so sánh hoặc thể hiện được sự thay đổi... thì vẽ biểu đồ hình cột. Nếu có hai đối tượng thì vẽ biểu đồ cột ghép.
Nếu chung đơn vị và các đối tượng có mối quan hệ thì vẽ biểu đồ cột chồng (Ví dụ: Tổng giá trị XNK = Giá trị XK + Giá trị NK; Dân số cả nước = dân số thành thị + dân số nông thôn; Tổng diện tích cây công nghiệp = Diện tích cây lâu năm + Diện tích cây hàng năm...).
Nếu biểu đồ kết hợp thì vẽ biểu đồ cột và đường. Còn khi thể hiện cơ cấu nếu số năm bằng hoặc nhỏ hơn 3 thì vẽ biểu đồ hình tròn, nếu số năm bằng hoặc lớn hơn 4 thì vẽ biểu đồ miền, nếu thể hiện cả quy mô và cơ cấu thì vẽ hình tròn và phải tính R...
Các em cần lưu ý: Nếu vẽ biểu đồ hình cột thì cột đầu tiên không bao giờ được trùng với trục tung, còn biểu đồ đường thì điểm đầu tiên phải xuất phát từ trục tung (năm gốc phải nằm tại tọa độ gốc).
Nếu biểu đồ kết hợp thì phải vẽ biểu đồ cột trước theo các bước tiến hành của biểu đồ cột, sau đó mới vẽ biểu đồ đường (điểm của đường phải xác định giữa của cột mà không được xuất phát từ trục tung, trừ biểu đồ kết hợp nhiệt độ và lượng mưa).
Còn với biểu đồ tròn được vẽ bằng compa và đây là biểu đồ duy nhất được sử dụng bút chì (để vẽ đường tròn). Tất cả các biểu đồ khác học sinh nhất thiết phải vẽ bút mực cùng màu với chữ viết trong bài thi.
Các em cần nhớ, sau khi vẽ biểu đồ phải điền số liệu lên biểu đồ, viết bảng chú thích và tên biểu đồ... Nếu thiếu bất kỳ một trong các chi tiết đó các em sẽ bị mất điểm (khoảng 0,25 điểm cho mỗi chi tiết).
Ngoài ra các em cần nắm vững một số công thức để tính toán theo yêu cầu của đề bài và phân tích mối quan hệ địa lý giữa các đối tượng như: Năng suất = Sản lượng: Diện tích; Bình quân lương thực/đầu người = Sản lượng lương thực: Số dân; Độ che phủ rừng = Diện tích rừng: Diện tích lãnh thổ; Sản lượng lương thực = Năng suất x Diện tích...
Để phân tích tốt bảng số liệu thống kê các em phải đi từ khái quát đến cụ thể, ví dụ phân tích sản lượng lúa của cả nước trong 2 năm thì nguyên tắc là phân tính cả nước trước các vùng sau, phân tích theo hàng dọc, hàng ngang, chọn vùng có số liệu lớn nhất, thấp nhất để so sánh...
Quý Hiên ghi