M&A: quan trọng nhất là năng lực và sự sẵn sàng

"Hiện nay, tại Việt Nam, mua bán - sáp nhập (M&A) được nhiều công ty vận dụng như là chiến lược phát triển hoặc là giải pháp tái cơ cấu, tái tổ chức theo một chiến lược mới. Vì vậy, hoạt động M&A dự báo sẽ tiếp tục sôi động"

0

Đó là nhận định của ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt (VCSC) trước thềm cuộc hội thảo: "Lợi ích trong hoạt động M&A doanh nghiệp và các vấn đề cần quan tâm". Sự kiện diễn ra ngày 29/6 do VCSC, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam tổ chức.

Từ góc độ một công ty tư vấn đã thực hiện nhiều vụ M&A thành công, theo ông, mối quan tâm hàng đầu của những công ty đang hướng tới hoạt động này là gì?

Hoạt động M&A cho phép DN tìm kiếm những cơ hội phát triển phù hợp với chiến lược của từng công ty, nhưng không hạn chế việc tái cấu trúc và tái cơ cấu. Đây là giải pháp tăng quy mô, giảm thiểu chi phí, mở rộng thị trường, "hợp lực" để cạnh tranh tốt hơn. Bởi vậy, M&A được quan tâm do xuất phát từ lợi ích và giá trị cộng hưởng sự hợp nhất các công ty mang lại, nhưng được chú ý nhiều hơn trong thời gian gần đây là do các ách tắc về thủ tục pháp lý phần nào đã được giải quyết. Bên cạnh đó, một số trường hợp M&A trong thực tế thành công đang thúc đẩy các DN đi sau quyết tâm hành động.

Hoạt động M&A đang trở nên nhộn nhịp hơn, nhưng chưa có tổng kết nào về hiệu quả của các thương vụ giai đoạn hậu sáp nhập. Các thương vụ rất mới như HT1 và HT2, KMF và KMR có thể khó có đánh giá lúc này, nhưng với những thương vụ cũ như Holcim mua Cotec, PVD Invest sáp nhập vào PVD…., Bản Việt đánh giá ra sao ở vai trò của nhà tư vấn?

Về thương vụ Holcim - Cotec, thật sự thương vụ đã thành công từ lúc bắt đầu khi cả hai bên đã xác định được nhu cầu phù hợp với chiến lược phát triển. Với Holcim là phát triển thị trường TP. HCM & Đông Nam Bộ; với Cotec tái cấu trúc tài chính & hoạt động. Còn thương vụ PVD & PVD Invest đã thành công về mặt hoạt động và tài chính khi các yếu tố cộng hưởng thực tế sau sáp nhập được chứng minh. Tuy nhiên, thương vụ có điểm chưa trọn vẹn do thời gian thực hiện kéo dài. Điều này xuất phát từ lý do đây là một trong những thương vụ đầu tiên sáp nhập được thực hiện và các bên tham gia cũng chưa thật sự sẵn sàng triển khai.

Ngoài những thương vụ M&A thành công, được biết, Công ty ông cũng từng đối diện với một thương vụ M&A thất bại khi muốn kết nối Nhựa Đà Nẵng với Nhựa Bình Minh. Xin ông chia sẻ những khó khăn dẫn đến điều này?

Thương vụ này được tiến hành vào cuối năm 2006 đầu năm 2007 không thành công do một số lý do. Thứ nhất, trình độ về tài chính không đồng đều của nhà đầu tư và cổ đông với quan điểm tỷ lệ chuyển đổi khi sáp nhập phải là 1:1 (đổi ngang) chứ không phải là một tỷ lệ được xác định trên cơ sở giá trị của hai bên. Thứ hai, thông tin về nghiệp vụ không được bảo mật đúng mức nên dẫn tới những nhận định và suy luận không phù hợp, ảnh hưởng tới quyết định cuối cùng của cả hai phía. Thứ ba, sự can thiệp sâu của giới đầu cơ làm thị giá hai cổ phiếu biến động mạnh không phản ánh giá trị công ty và tỷ lệ chuyển đổi hợp lý.

Nhìn lại những thương vụ M&A mà VCSC đã tham gia tư vấn, ông có lời khuyên nào cho các DN đang có ý tưởng thực hiện hoạt động này?

Điều quan trọng nhất chính là sự sẵn sàng và năng lực của các bên tham gia bao gồm bên mua, bên bán, đơn vị tư vấn và các cơ quan quản lý cấp phép liên quan. Theo tôi, DN có ý tưởng tiến hành động M&A cần lường trước một số vấn đề sau:

Thứ nhất, ở giai đoạn tiền sáp nhập, một số câu hỏi DN nên làm rõ: DN đã có chiến lược phát triển trung và dài hạn hay chưa? Mục đích cuối cùng của việc sáp nhập có nhằm mang lại lợi ích cụ thể cho các cổ đông? DN đã xác định được tất cả các vấn đề liên quan trước, trong và sau nghiệp vụ sáp nhập? Các yếu tố cộng hưởng và các chiến lược mới đã được cân nhắc và tính toán hợp lý?

Thứ hai, ở giai đoạn sáp nhập, DN phải lường trước một số khó khăn có thể sẽ gặp phải như: kỹ năng thương lượng và hòa giải của DN ra sao khi thủ tục thực hiện còn nhiều bất cập? DN có nhận thức được rằng, ký kết hợp đồng chỉ là thời điểm bắt đầu của giai đoạn khó khăn nhất - Giai đoạn tích hợp hậu sáp nhập? DN có sẵn sàng cho các vấn đề phát sinh khi thực hiện thủ tục?

Cuối cùng, ở giai đoạn hậu sáp nhập, các DN sẽ phải giải quyết một số bài toán khó: Ai sẽ tiếp tục là lãnh đạo? DN đã ước tính hợp lý và kiểm soát được các chi phí cho việc tích hợp, hòa nhập? Chính sách đối với các nhân viên chủ chốt? Chính sách chăm sóc và phát triển khách hàng, nhà cung cấp? Việc điều chỉnh, lên kế hoạch và giám sát quá trình tích hợp có được thực hiện liên tục? Vì vậy theo tôi, các DN nên lưu ý rằng kinh nghiệm thực tiễn của đơn vị tư vấn là rất cần thiết để nghiệp vụ được thực hiện thành công và mang lại giá trị cao.
 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]