Mẹ đơn thân nuôi dạy con tuổi teen làm sao cho tốt

15.5856

Vợ chồng tôi chung sống được 17 năm thì ly hôn. Tôi có một con trai năm nay chuẩn bị vào lớp 10, con gái chuẩn bị vào lớp 8.

Trên giấy tờ, con trai ở với bố và con gái ở với mẹ. Tuy nhiên bố cháu bảo gửi con cho tôi, từ đó đến nay không có trách nhiệm gì và cũng không đóng góp gì cho tôi. Hai con đều do tôi nuôi dưỡng.

Con còn nhỏ, tôi dạy về cuộc sống và chuyện học hành vẫn đâu vào đấy. Tầm một năm nay, con trai tôi không biết do độ tuổi hay vì hoàn cảnh gia đình mà trở nên quá bướng. Đôi khi tôi nói, con cho là mẹ không hiểu, áp đặt nên phản kháng.

Tôi giải thích "hoàn cảnh một mình mẹ lo nuôi hai con, bố không có trách nhiệm gì đã bỏ rơi các con nên con phải biết thương mẹ và chăm học, như thế thì mẹ vui lắm rồi". Tôi nói "mẹ vừa phải làm mẹ vừa phải làm bố, vừa phải lo kinh tế để nuôi hai con ăn học ở đất Hà Nội này, mẹ đã kiệt sức mất rồi".

Tôi không nói thì con không biết thế nào cho đúng, mà nói thì con lại buồn và có thái độ bất cần. Bình thường các con tự đạp xe đi học, nếu học thêm buổi tối thì tôi vẫn phải đưa rước. Cộng với áp lực công việc, tôi cảm thấy kiệt sức và không còn đủ tinh thần để tiếp tục nuôi dạy con được nữa. Đôi khi con không nghe lời và cứ làm theo cách của mình. Tôi không biết phải dạy con theo cách nào để cho con hiểu và sống tốt, để sau này là những công dân có ích. Xin hãy chỉ bảo cho tôi. Tôi xin cảm ơn. (Dung)

Con tuổi teen bướng bỉnh - Ảnh: tumblr.com

Trả lời

Cuộc sống của người lớntrẻ em hoàn toàn khác nhau. Người lớn nói và luôn suy diễn theo một hệ thống nào đó, trong khi trẻ em hiểu từng việc rất cụ thể. Vì thế người lớn dễ áp đặt lên trẻ em những ý chí của mình, còn trẻ em thì chẳng biết làm thế nào ngoài việc phản ứng bất cần.

Trở lại câu chuyện của bạn, cháu lớp 10 đang ở tuổi muốn khẳng định vai trò của mình trong cuộc sống. Khi bạn nói “hoàn cảnh mình mẹ lo kinh tế để nuôi hai con, bố con không có trách nhiệm gì đã bỏ rơi các con nên con phải biết thương mẹ và chăm học” thì con của bạn hiểu là bạn đang kể công với nó và nói xấu bố của chúng nó. Bạn nói “phải biết thương mẹ”, con xem như nó bị xúc phạm vì nó thương mẹ và mẹ không hiểu. Còn việc chăm học thì phải tùy vào tâm lý cụ thể của cháu. Không phải ta cứ ép trẻ em học là nó học. Có những đứa trẻ xem việc học là thích thú, trong khi có đứa xem việc học như tra tấn. Hai đứa trẻ này phải có hai cách dạy khác nhau. Đứa trẻ chăm học thì phải lo về điều kiện vật chất để nó giữ sức khỏe, còn đứa lười học lại rất cần chăm sóc đời sống tinh thần như vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi... Con của bạn là đứa trẻ nào thì bạn áp dụng theo cách dạy phù hợp.

Đối với cháu học lớp 10, bạn nên cho cháu tự lực đi học bằng xe đạp để cháu cảm thấy được tin tưởng. Với trẻ trai, nếu bạn kiểm soát kỹ quá, cháu cảm thấy mất tự do và cho rằng mẹ nghi ngờ nó, nhất là khi cháu không có cha bên cạnh. Bạn để cháu đi học bằng xe đạp, nếu sợ cháu bỏ học thì nên có số điện thoại của cô giáo để gọi điện cho cô, kết hợp cùng với cô giám sát việc học tập của cháu. Khi cháu có thái độ bướng bỉnh, bạn cần nhẹ nhàng để cháu nói ra những uẩn khúc trong lòng. Ở tuổi này, các cháu đang hình thành cơ chế tự vệ vì thế khi đụng đến những điều cháu giấu thì phải tế nhị để tìm hiểu, đừng áp đặt làm cho cháu phải sử dụng đến cơ chế tự vệ thường xuyên. Lúc đó, trẻ sẽ trở thành khó dạy bởi cơ chế tự vệ được dùng thường xuyên sẽ trở thành tính cách rất bướng bỉnh.

Đối với bố của cháu, bạn đừng nói gì cho các cháu về “việc vô trách nhiệm”. Nếu nói như thế, bạn vô tình xúc phạm đến tình cảm của các cháu. Các cháu luôn thương yêu cả bố lẫn mẹ, và như thế mới đúng cuộc sống trẻ thơ. Mọi việc lớn lên các cháu sẽ hiểu.

Bạn hãy tập cho hai cháu biết làm việc ở nhà và hoạt động lao động xã hội. Nếu các cháu biết lao động và yêu lao động thì mai sau các cháu sẽ là công dân có ích.

Chúc thành công.

GS.TS. Vũ Gia Hiền
Hội Khoa học Tâm lý & Giáo dục TP HCM

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]