Mẹo hạn chế tác hại của máy tính đối với mắt

Không thể phủ nhận những điều mà máy tính mang lại cho cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, việc thường xuyên ngồi bên máy tính cũng mang lại những tác hại không nhỏ đối với sức khỏe, đặc biệt là đôi mắt.

0

Khi thường xuyên sử dụng máy tính, bạn có thể gặp phải một số vấn đề bất ổn về thị giác gọi là hội chứng về mắt do sử dụng máy tính (Computer Vision Syndrome). Hội chứng này bao gồm các biểu hiện: mỏi mắt, khô mắt, cộm chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhìn mờ, đau đầu, mỏi vai, cổ…

Nguyên nhân của tình trạng trên do tập trung quá mức vào màn hình máy tính trong thời gian dài làm ta quên chớp mắt. Con người thường chớp mắt trung bình khoảng 20 lần/phút. Thế nhưng, khi tập trung cao độ trước màn hình máy tính hoặc trong thời gian dài, số lần chớp mắt giảm xuống chỉ còn 1/3 hoặc 1/2. Chính điều này khiến cho mắt bị khô, dẫn tới cộm, rát, đỏ. Triệu chứng càng nặng hơn ở những người bị khô mắt, tật khúc xạ, người cao tuổi…

Việc các cơ điều tiết của mắt phải gắng sức trong điều kiện nhìn gần kéo dài tạo ra sự mệt mỏi cho mắt. Ngoài ra, ánh sáng phản xạ từ màn hình quá nhiều hoặc có cường độ cao, vị trí đặt màn hình chưa đúng… đều làm mắt thêm mỏi mệt, khó chịu.

Mắt có tật khúc xạ không được điều chỉnh kính hoặc chỉnh kính không phù hợp, cộng với thời gian làm việc bên máy kéo dài cũng làm cho mắt thêm mỏi mệt, khó chịu.

Do đó, để hạn chế tác hại của máy tính bạn nên:

1. Sử dụng máy tính xách tay
 
Nếu có điều kiện, nên thay thế chiếc máy tính để bàn bằng một máy tính xách tay bởi bức xạ của máy xách tay nhỏ hơn rất nhiều so với máy để bàn. Tuy nhiên, không nên sử dụng các thiết bị này trong khi đang sạc điện (sạc pin) vì khi ấy thiết bị có sự bức xạ cao hơn. Bức xạ ion hoá từ máy tính dễ dẫn tới các tác hại cho sức khỏe như: gây đẻ non, sảy thai, rối loạn về da (làn da xạm, lỗ chân lông không thoáng...), giảm thị lực mắt, rối loạn sinh lý và tâm lý… Cách sử dụng hợp lý nhất là dùng máy sau khi đã sạc đầy điện (pin) và rút phích cắm ra.

2. Thường xuyên vận động

Sau một khoảng thời gian ngồi trước máy tính, bạn nên đứng lên đi lại vài vòng để thư giãn cho mắt. Trong trường hợp không tiện đứng lên ra ngoài, bạn có thể làm một số chuyển động của mắt như: Đảo mắt sang xung quanh, đảo mắt thành vòng tròn từ trái qua phải, nhìn từ trên xuống dưới…. Lặp đi lặp lại như vậy ba lần làm ngược lại thêm vài lần nữa.

3. Thư giãn cho mắt

Thư giãn mắt là một kỹ thuật yoga giúp thư giãn hệ thần kinh và bảo vệ thị lực. Xoa lòng bàn tay vào nhau cho đến khi bạn cảm thấy ấm, sau đó áp lên mắt. Hãy đặt các ngón tay lên trán và thư giãn; giữ động tác tối thiểu trong vòng 30 giây và tối đa khoảng 4 phút. Bạn có thể thực hiện động tác này lâu hơn nếu muốn mà không gây tổn thương cho mắt và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp.

4. Sử dụng thuốc nhỏ mắt

Hãy dùng thuốc nhỏ mắt để cung cấp độ ẩm cho mắt nếu mắt bị khô hoặc bạn quên chớp mắt. Bạn có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt nếu mắt bạn bị đỏ và tham khảo ý kiến bác sỹ để tìm được loại thuốc mắt phù hợp.

5. Ăn nhiều cá và các loại củ, quả

Một số loại cá ở sâu dưới biển có nhiều DHA rất tốt cho võng mạc của mắt, ngăn ngừa các tổn thương và đục thủy tinh thể. Ngoài ra, cà rốt, chanh và các loại quả màu xanh, rau xanh cũng được khuyến khích ăn nhiều vì nó giúp mắt sáng hơn. Uống nhiều nước cũng giúp làm giảm khô mắt.

6. Đi khám bác sỹ: Khi thấy mắt có dấu hiệu gì đó bất thường, hãy nhanh chóng đi khám bác sỹ để có lời khuyên tốt nhất.

Ngoài ra, để giảm tác hại của máy tính bạn cần:

Đặt vị trí màn hình về một bên cửa sổ, ánh nắng mặt trời không được chiếu vào màn hình hoặc mắt. Màn hình cần đặt cách mắt 50-60 cm, tâm của màn hình nên đặt thấp hơn tầm mắt 10-20 cm vì mắt sẽ làm việc thoải mái hơn khi ta liếc nhẹ xuống đọc sách hoặc làm việc gần, bàn phím nên đặt cách mắt 30-40 cm.


Để giảm lượng bức xạ từ màn hình đến mắt, nên đặt kính lọc cho màn hình hoặc dùng màn hình tinh thể lỏng. Đồng thời cần thường xuyên lau bụi vì bụi nhiều sẽ làm giảm độ tương phản của màn bình.

Ánh sáng ở nơi đặt máy tính cần vừa đủ. Hãy tắt bớt đèn trên trần nhà nếu quá sáng và dùng thêm đèn bàn có chụp nếu ánh sáng không đủ. Chú ý nên đặt đèn tại vị trí sao cho ánh đèn không phản chiếu lên màn hình.

Chỉnh cỡ chữ của trang văn bản về cỡ chữ lý tưởng: gấp 3 lần cỡ chữ nhỏ nhất mà ta có thể đọc được. Chọn chữ đen trên nền trắng, hoặc chữ đậm trên nền sáng.

Một việc nữa, bạn cũng đừng quên đó là phải thường xuyên vệ sinh máy tính. Việc làm sạch màn hình máy tính (đặc biệt là màn hình LCD) thường xuyên sẽ giúp loại bỏ các bụi bám trên màn hình. Đây được xem là nguyên nhân làm gia tăng lượng bức xạ, đe dọa thị lực và sức khỏe tâm-sinh lý của bạn.


Thu Thủy (Tổng hợp)


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]