Mong ước của người phụ nữ nuôi chồng bệnh con tật nguyền

Dân trí Chị tưởng chừng như không còn nghị lực sống tiếp khi mọi tai họa ập xuống gia đình. Hai người con của chị mất khả năng đi lại và làm việc khi còn rất nhỏ. Chồng chị bị thần kinh sau vụ tai nạn lao động.

0

Đó là hoàn cảnh trớ trêu của gia đình chị Lê Thị Đúc trú tại thôn 3, xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa.

Bất hạnh đổ dồn

Kể về hoàn cảnh của chị, bà con hàng xóm ai cũng biết, cũng thương cho số phận của người phụ nữ này. Chị lập gia đình với anh Nguyễn Bá Qúy trong cảnh nghèo đói và sinh được 5 người con. Gần 20 năm về trước, sự bất hạnh bắt đầu ập xuống đầu hai người con của chị là Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Bá Chung.

Một mình chị Đúc vất vả nuôi chồng bệnh và hai con tật nguyền

Hằng là người con thứ ba trong gia đình, trên Hằng còn có hai chị gái may mắn hơn nên đã lập gia đình. Đang học ở lớp 2 thì đột nhiên Hằng thấy các ngón tay, ngón chân của mình bị co lại và teo dần. Đưa đi viện khám thì bác sĩ bảo bị khớp nên gia đình chuyển về nhà. Trong một lần sơ suất, Hằng bị ngã và liệt nửa người bên trái, tay phải sưng to rồi cũng teo lại dần. Cả gia đình lo lắng nhưng cũng chỉ biết nuốt nước mắt để Hằng ở nhà cho uống thuốc và nắn bóp. Giờ Hằng chỉ có thể đi lại bằng cách lết đôi chân từng nấc một với chiếc ghế ở phía dưới.

Nhìn đứa con gái ngồi lê trên mặt đất, chị Đúc nghẹn ngào: “Thương con lắm nhưng cũng chỉ biết nhìn con lê lết vậy thôi, vì lúc đó vợ chồng tôi không biết xoay sở đâu ra tiền để đưa cháu nhập viện, nghĩ mà tội cuộc đời của cháu nó quá”.

Không chỉ có Hằng, Chung là con thứ tư trong gia đình, sinh ra vẫn khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác, vẫn đi học với các bạn đồng trang lứa. Cho tới một ngày, ngón tay của Chung sưng lên, co dần rồi teo lại. Các khớp xương bị loãng ra rồi cứng dần khiến em rất khó cử động. Hai mẹ con cõng nhau đi khắp các bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện 108 thì họ bảo bị khớp, bị loãng xương, có nơi lại bảo bị thoái hóa xương, chữa trị được nhưng mất rất nhiều tiền và thời gian dài. Gia đình vay mượn khắp nơi để có tiền chữa trị cho Chung nhưng kết quả vẫn không tiến triển gì.

Khi đó mới học lớp 2, nhưng khát khao được tới trường như các bạn của Chung lại rất lớn nên Chung vẫn cố gắng lê từng bước khó nhọc đến trường. Học đến giữa lớp 12 thì sự cố gắng đã trở nên tuyệt vọng. Tay chân Chung đã teo hoàn toàn và không đi lại, cử động bình thường được nữa, các khớp xương cũng cứng lại. Mọi sinh hoạt của Chung giờ đây đều phụ thuộc vào mẹ.

Hằng phải đi lại bằng tay rất khó khăn

Sự bất hạnh không chỉ dừng lại ở hai người con của chị. Năm 2005, anh Quý bị ngã từ trên cây cao xuống trong một lần hái dừa thuê. Sau khi kiểm tra thì các bác sĩ cho biết anh bị gãy 2 xương sườn, não bị ảnh hưởng, gây ra thần kinh và mất trí nhớ. Thỉnh thoảng bệnh thần kinh tái phát, anh Quý đánh đập vợ con một cách vô thức, đánh xong không nhớ mình vừa làm gì. Nhiều khi còn bị sốt, lên cơn co giật lại phải đưa đi bệnh viện. Từ một trụ cột trong gia đình nhưng giờ đây anh chỉ làm được những việc nhẹ như quét nhà, phơi củi... nhưng phải nói mới biết.

Thương chồng con gánh nặng, gánh lo

Người chồng là trụ cột gia đình không làm được gì, bao nhiêu nỗi vất vả, nhọc nhằn đè lên đôi vai gầy yếu của chị Đúc. Hàng ngày chị phải vật lộn, gồng mình nuôi chồng và những đứa con tật nguyền. Quanh năm chị “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với 4 sào ruộng. Về nhà chị còn nuôi thêm con lợn, con gà để kiếm thêm thu nhập, lấy tiền mua thuốc cho con. Thương mẹ khó nhọc nhưng Chung, Hằng cũng không làm được gì để giúp mẹ.

“Em muốn giúp mẹ đỡ đần gánh nặng trong gia đình nên không muốn đi học nghề nhưng mẹ em cứ bắt đi. Anh Chung học giỏi hơn em nhưng ông trời bất công nên đã cướp mất khả năng đi lại của anh ấy. Em sẽ cố gắng học tốt để sau này kiếm tiền chữa bệnh cho anh chị và bố”, Nam em trai của Chung hiện đang học nghề cơ khí tại trường đại học Công nghiệp Hà Nội bày tỏ.

Mọi sinh hoạt của Chung phải nhờ vào mẹ

Nhà nghèo, nhưng chị đã vay mượn khắp nơi, anh em họ hàng thân thích để có tiền chạy chữa cho con, nhưng tiền nợ ngày càng nhiều, sức cũng đã kiệt mà bệnh tình của hai con vẫn không thuyên giảm mà có xu hướng tăng lên. Chị nghẹn ngào khi nhắc đến nguyện vọng của con: “Cháu Chung nó thông minh lắm nhưng không may mắn bằng các bạn của nó. Cháu chỉ mong sao đôi chân đi lại được như các bạn, để được tiếp tục đi học, tôi cũng chỉ biết an ủi, động viên cháu thôi”.

Chia tay gia đình chị Đúc ra về với bao trăn trở về những số phận và mong ước giản dị của họ. Nó không chỉ là mơ ước mà là khát vọng cháy bỏng của những mảnh đời thiếu may mắn như Chung, Hằng.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Chị Lê Thị Đúc: Thôn 3, xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email:

 

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

SWIFT Code: ICBVVNVX106

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội

 

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269
 
 
Lan Anh - Duy Tuyên
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]