Mỹ đang tìm cách làm chủ không gian vũ trụ?

VOV.VN - Cách thức Mỹ triển khai “chính sách vũ trụ quốc gia” khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

15.5711

“Chính sách vũ trụ quốc gia” của Mỹ được xây dựng từ năm 1996. Tuy nhiên, năm 2012 Tổng thống Obama mới chính thức cho công bố chiến lược quân sự mới trong đó có một nội dung quan trọng là làm chủ không gian vũ trụ. Theo đó, các nguyên tắc, mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng hoạt động cơ bản cũng được xác định và yêu cầu giới lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức của Mỹ khi sử dụng không gian vũ trụ phải tuân theo, khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Trạm vũ trụ quốc tế (Ảnh: addins.kttc.com)

Nghiên cứu và chế tạo

Để tiến tới kiểm soát và làm chủ không gian vũ trụ, Mỹ đã tiến hành hàng loạt các chương trình nghiên cứu và chế tạo nhằm tạo ra hệ thống quản lý hữu hiệu, bao gồm ba hệ thống và thiết bị: “Hàng rào vũ trụ”, “Các hệ thống phòng thủ vũ trụ”, “Các hệ thống đánh giá các trạm vũ trụ”…

(1) “Hàng rào vũ trụ” là công trình nghiên cứu thay thế hệ thống radar phát hiện NAVSPASUR của Hải quân Mỹ; chế tạo các hệ thống radar mới, có độ chính xác cao đặt tại các khu vực khác nhau trên trái đất, cho phép nâng cao khả năng phát hiện và giám sát mục tiêu. Để thực hiện nhiệm vụ dự báo về khả năng tấn công bằng tên lửa của đối phương và hỗ trợ cho chương trình Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD), cũng như đánh giá khả năng tác chiến và trinh sát kĩ thuật, năm 2007 Mỹ đã khởi động Dự án A020 về chế tạo hệ thống trinh sát 3GIRS thế hệ thứ 3, trước đó gọi là AIRSS.

Mục tiêu quan trọng nhất của chương trình này nằm ở giai đoạn nghiên cứu các thiết bị mới và thành phần của nó. Mỹ dự định nghiên cứu chế tạo hệ thống định vị toàn cầu (GPS-III) thay thế cho GPS-II hiện nay. Kinh phí dự án được chi cho các cụm quỹ đạo (Dự án A019), cho việc quản lí bề mặt trái đất (Dự án A021 và A022).

Theo kế hoạch, Hãng Lockheed Martin sẽ nghiên cứu và chế tạo hai thiết bị vệ tinh GPS-IIIA thử nghiệm đầu tiên với sự hỗ trợ khuếch đại tín hiệu cho mục đích quân sự (tăng 10 dB so với GSP-IIF), bổ sung tín hiệu kết hợp với các tín hiệu của hệ thống Galile của châu Âu và các thiết bị khác nhằm phát hiện các vụ nổ hạt nhân. Hệ thống GPS-IIIA đầu tiên dự kiến sẽ được phóng vào năm 2014. Mẫu thiết kế GPS-IIIA sẽ được sử dụng để hoàn thiện GPS-IIIB và GPS-IIIC.

(2) “Các hệ thống phòng thủ vũ trụ”, được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu hệ thống kiểm soát không gian vũ trụ thống nhất. Kinh phí cho chương trình này được chia cho các dự án: A00, A003 (RAIDRS) và A005.

(3) “Các hệ thống đánh giá các trạm vũ trụ”, cũng sẽ được thực hiện theo ba dự án: A006 (SBSS), A008 (ISSA) và A009. SBSS là tổ hợp các thiết bị vệ tinh tìm kiếm, phát hiện và giám sát các mục tiêu trong vũ trụ trong tần số quan sát được. Dữ liệu thu được sẽ chuyển về các trung tâm chỉ huy, điều khiển ở mặt đất. Các thiết bị trên quỹ đạo sẽ được hỗ trợ bởi các thiết bị mặt đất để bảo đảm quá trình quan sát thông suốt.

ISSA là dự án xây dựng hệ thống cơ sở lí luận về mục tiêu vũ trụ như là một yếu tố cơ bản để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các hệ thống vũ trụ của Mỹ. Trung tâm vũ trụ SPADOC sẽ cải tiến cơ cấu hệ thống trung tâm mạng để xử lí các dữ liệu thu được từ các thiết bị kiểm soát không gian vũ trụ truyền thống theo cơ chế tự động hóa và trong phạm vi thời gian thực.

Ứng dụng trong quân sự

Mỹ chủ trương triệt để ứng dụng trong một số hoạt động quân sự trên vũ trụ như: thông tin truyền thông, kiểm soát không gian vũ trụ, khả năng giáng đòn tấn công trực tiếp từ vũ trụ và phòng thủ tên lửa. Mỗi lĩnh vực hoạt động được phác thảo các khả năng chiến lược, chiến dịch và chiến thuật khác nhau. Tổ hợp vũ trụ của NMD sẽ bao gồm 2 thành phần: các cảm biến và các tên lửa đánh chặn đặt trên vũ trụ.

NMD hiện tại của Mỹ bao gồm: các cảm biến phát hiện (các thiết bị nhận biết) đặt trên vũ trụ; các hệ thống cảnh báo sớm và theo dõi đặt trên mặt đất và trên biển; các tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa trên mặt đất, đặt tại Alaska và California; các hệ thống di động trên mặt đất RAS-3, cũng như các tổ hợp đánh chặn tên lửa có tầm bắn trung bình và ngắn đặt trên biển. Thời gian tới, Mỹ sẽ bổ sung thêm một số chương trình để mở rộng khả năng của các hệ thống trên mặt đất và trên biển nhằm đánh chặn tất cả các loại tên lửa có tầm bắn khác nhau như hệ thống radar phát hiện tên lửa vừa mới lắp đặt tại Nhật Bản hồi tháng 4.

NMD của Mỹ dựa vào các hệ thống radar di động trên mặt đất và trên biển, được bố trí tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Các hệ thống radar này bao gồm hệ thống radar X-band đặt trên biển; hai hệ thống radar cơ động phía trước AN/TPY-2 đặt tại Nhật Bản và Israel; hệ thống radar S-band - thành phần chính của hệ thống điều khiển thông tin chiến đấu đa năng trên tàu - Aegis; hệ thống radar của tổ hợp phòng thủ tên lửa di động trên mặt đất để đánh chặn các mục tiêu ngoài khí quyển THAAD; hệ thống radar cảnh báo sớm UEWR đặt tại California và Anh cũng như radar của hệ thống Cobra Dane tại Alaska.

Hiện nay, các cảm biến đặt trên vũ trụ được lắp đặt chủ yếu trên hệ thống vệ tinh SBIRS, hệ thống này có khả năng phát hiện tên lửa đang bay bằng tia bức xạ hồng ngoại. Các cảm biến vũ trụ có lợi thế nổi trội hơn nhiều so với các cảm biến đặt trên mặt đất và trên biển thể hiện ở 4 điểm sau:

Một là, các cảm biến trên vũ trụ bảo đảm khả năng cung cấp thông tin tình báo tốt hơn và cho phép theo dõi ý đồ của đối phương trước khi đối phương phóng tên lửa. Hai là, sau khi tên lửa của đối phương được phóng đi, các cảm biến trên vũ trụ liên tục gia tăng tốc độ và hiệu quả truyền tín hiệu tới NMD. Ba là, cải thiện đáng kể sự tương tác giữa các hệ thống cảm biến khác nhau. Bốn là, các cảm biến vũ trụ nâng cao đáng kể độ chính xác khi tiêu diệt mục tiêu.

Như vậy, từ hoạch định chiến lược đến chính sách và các bước nghiên cứu, triển khai… Mỹ đã thể hiện tham vọng chiếm lĩnh và làm chủ không gian vũ trụ trong tương lai, nhất là việc ưu tiên ứng dụng trong lĩnh vực quân sự, khiến cho các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và dư luận quốc tế không khỏi quan ngại về nguy cơ quân sự hóa vũ trụ./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]