“Nếu thấy đúng cứ làm, sẽ thành công”

Sau mấy chục năm lăn lộn trên thương trường, điều mà Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn, ước ao cho riêng mình chỉ vỏn vẹn 2 chữbình an

15.5995

Bình an? Phải chăng Cao Tiến Vị đã chán nghiệp kinh doanh mà một số người đang theo đuổi? Trả lời cho ánh mắt ngạc nhiên của tôi là tiếng cười hào sảng của anh: “Điều ước chỉ mãi là điều ước. Nhưng trong bộn bề lo toan thế này, bình an với tôi là mong mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của mình, chứ làm sao nghỉ ngơi bây giờ được. Tôi là con người của công việc mà”.

Chọn ngành sản xuất giấy, cái ngành mà Cao Tiến Vị ví như nuôi con mọn này cũng chẳng phải sở trường của anh. Anh quan niệm, cái gì cũng cần chữ duyên, mà đã bén duyên nhau, chỉ còn cách phấn đấu hết mình chứ khó bỏ ngang được. Và ngay từ những ngày đầu năm 2009, Cao Tiến Vị đã tất bật khi bắt đầu đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM.

Sống với nghiệp “nuôi con mọn”

Cơn bão tài chính năm qua đã khiến không ít doanh nghiệp lao đao, Giấy Sài Gòn cũng không ngoại lệ. Mặc dù là một tên tuổi có chỗ đứng trong thị trường Việt Nam với hơn 45.000 điểm bán hàng và hơn 100 nhà phân phối từ Bắc chí Nam, nhưng năm 2008 Giấy Sài Gòn cũng phải gồng mình chèo chống một dự án trong bão tố. Bởi theo Cao Tiến Vị: “Trong kinh doanh, mạnh yếu chỉ là trừu tượng. Hôm nay mạnh đấy, nhưng mai sụp đổ mấy hồi, vì vậy đừng bao giờ chủ quan. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.

Như anh đã chia sẻ, ngành giấy không phải là sở trường, nhưng khi đã bén duyên, anh sẵn sàng sống với nghiệp “nuôi con mọn”. Mười hai năm lèo lái, anh đã đưa con thuyền Giấy Sài Gòn vượt qua nhiều sóng gió. Hôm nay, khi nhắc lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc hành trình ấy, anh có vẻ rất thản nhiên, xem đó như là điều tất yếu một doanh nghiệp phải vượt qua để phát triển. Nhưng tận sâu bên trong, một số người hiểu rằng, anh đã trải qua nhiều đắng cay, đôi khi tưởng như phải bỏ dở cuộc chơi.

Đó là năm 1999, khi Cao Tiến Vị tham quan một nhà máy sản xuất giấy có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Lúc ấy, anh tưởng như “đứa con” mới tròn 2 tuổi của mình sẽ chết non vì máy móc, trang thiết bị của đối thủ quá hiện đại, mẫu mã sản phẩm đẹp mà giá thành lại rẻ. Mất mấy ngày ăn không ngon, ngủ không yên, anh mới lấy lại bình tĩnh. “Họ có thế mạnh của họ, mình cũng có thế mạnh của mình. Không ai hiểu thị trường nội địa bằng chính doanh nghiệp trong nước”, anh tự tin nói. Thực tế kinh doanh đã chứng minh, Giấy Sài Gòn không chết mà còn phát triển mạnh mẽ cho đến hôm nay.

Giai đoạn 2004-2006, Giấy Sài Gòn xây dựng nhà máy mới, cơ cấu lại toàn bộ hệ thống, nâng tầm Công ty. Các hoạt động này cũng khiến anh lao đao. “Khi ấy, tôi đã phải đập bỏ những gì thân yêu nhất để Giấy Sài Gòn có thể đi tiếp”, giọng anh hơi chậm lại: “Đến hôm nay, Công ty không còn ai là người thân trong gia đình tôi”.

Tất cả những thử thách ấy chỉ là bước đệm cho sự phát triển như vũ bão của Công ty trong năm 2007. Và đây cũng là thời điểm anh cùng một số nhà đầu tư quyết định thực hiện dự án xây dựng nhà máy giấy Tissue lớn nhất Việt Nam với số vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD.

“Lúc đó, tôi cũng cảm nhận được một số rủi ro, nhưng thị trường phát triển quá tốt nên không thể lường trước tình hình”, anh nói. Những bất ngờ xảy đến ngoài tầm kiểm soát trong năm 2008 đã khiến dự án bị chậm lại. Tuy thế, với bản tính điềm đạm, bình tĩnh, anh đã cùng cộng sự chia nhỏ dự án, thực hiện “chậm mà chắc” những hạng mục ưu tiên trước. Anh hy vọng cuối năm 2009 các sản phẩm giấy tiêu dùng đầu tiên của nhà máy sẽ được tung ra thị trường.

Chơi cũng phải biết cách

Không còn cảnh hàng ngày tất tả đi về giữa TP.HCM và Vũng Tàu để trực tiếp điều hành Nhà máy như trước, Cao Tiến Vị giờ đang từng bước chuyển giao công việc cho những người kế nhiệm, nhưng anh thừa nhận vẫn không có nhiều thời gian cho gia đình. “Con người không ai có tất cả. Tôi đã dành nhiều thời gian cho công việc, chắc chắn gia đình sẽ chịu thiệt thòi, đặc biệt là bà xã. Những lúc Công ty gặp khó khăn, tôi đã nhờ người nhà giúp đỡ để rồi bây giờ vợ tôi cũng “nhiễm” máu kinh doanh. Làm chủ một spa nhỏ khiến vợ tôi rất vui, nhưng cũng khá vất vả”, anh bộc bạch.

Nói là thế, nhưng có thời gian là Cao Tiến Vị đưa gia đình đến những nơi thật xa, thoát khỏi cái ồn ào, xô bồ của phố thị, của môi trường kinh doanh khốc liệt. Hoặc có đôi khi, anh cùng bạn bè thả hồn theo những bản tình ca, chẳng nghĩ đến chuyện làm ăn gì cả. Không thừa nhận mình thuộc típ người lãng mạn, nhưng anh khẳng định, đã là doanh nhân, ít nhiều trong người phải có chút gì đó phiêu lưu. “Doanh nhân luôn kỳ vọng những việc lớn cho tương lai. Tuy nhiên, khi làm việc, họ nhất định phải biến những lãng mạn đó thành hiện thực”, anh cho biết.

Cái vẻ xuề xòa và nụ cười luôn thường trực của anh trong suốt buổi trò chuyện đôi lúc làm anh mất đi “vẻ doanh nhân”. Anh thừa nhận đó cũng là điểm yếu nhưng chưa muốn khắc phục.

Gác lại câu chuyện kinh doanh, tạm quên đi những thiếu sót với gia đình, anh hồ hởi chia sẻ về nhiệm vụ mới tại Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM. Tham gia Hội hơn 10 năm nay, điều mà anh đúc rút được và cũng muốn gửi gắm đến các hội viên là: “Với 750 thành viên, Hội thực sự là một sân chơi lớn. Vì vậy, phải biết cách chơi, mọi người mới có thể tận dụng được những cơ hội từ sân chơi này”. “Vậy anh đã chơi như thế nào?”. “Tôi quan sát mọi người trong Hội, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm kinh doanh. Xem công tác Hội như công việc xã hội, cộng đồng, tôi cũng tìm được những giây phút thoải mái trong công việc và cuộc sống”.

Anh hiểu rằng, nhận chức Chủ tịch Hội thời điểm này, anh sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng trên tất cả đó là niềm vui, trách nhiệm, sự tin tưởng mà mọi người đã trao cho mình. Anh cho biết: “Các thành viên trong ban chấp hành đều còn rất trẻ và rất tâm huyết, đó chính là một lợi thế. Tuy nhiên, giống như các hội viên, ban chấp hành cũng có những khó khăn nhất định. Vì vậy, bài toán đầu tiên tôi phải giải là cân bằng mong muốn của ban chấp hành và các thành viên. Ngoài ra, việc không ngừng khơi gợi ý tưởng sáng tạo nơi các hội viên, liên kết, gắn bó, giúp mọi người thấy được hiệu quả khi tham gia Hội cũng là một trong những tham vọng của tôi”.

Anh khẳng định: “Thử thách chính là thước đo của những bước phát triển. Trong mọi trường hợp, nếu thấy đúng cứ làm, sẽ thành công”.

CÔNG TY GIẤY SÀI GÒN

Năm 1997, thành lập cơ sở sản xuất Giấy Sài Gòn.

Tháng 12.1998, chuyển đổi thành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Giấy Sài Gòn.

Tháng 6.2003, chuyển từ Công ty Trách nhiệm Hữu hạn thành Công ty Cổ Phần Giấy Sài Gòn, vốn điều lệ 204 tỉ đồng, vốn đầu tư 900 tỉ đồng.

Tháng 4.2004, xây dựng Nhà máy Giấy Mỹ Xuân tại Bà Rịa - Vũng Tàu trên diện tích 4,5 ha, tổng vốn đầu tư 392 tỉ đồng.

Tháng 7.2007, Nhà máy Giấy Mỹ Xuân chuyển đổi thành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Giấy Sài Gòn - Mỹ Xuân, với 100% vốn góp của Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn.

Các sản phẩm của Giấy Sài Gòn:

Giấy công nghiệp: Medium, Testline, White Top.

Giấy tiêu dùng: Tissue, Napkin, ly giấy, khăn giấy các loại và giấy cuộn vệ sinh.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]