Nghệ thuật Chèo vẫn bền bỉ vượt thời gian

SKĐS - Là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chèo đã có một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

15.6065

Là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chèo đã có một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Sân khấu chèo được sáng tạo ra từ tâm hồn trí tuệ người dân lao động, là nơi gắn kết tình cảm cộng đồng, làng xã. Nhưng cách đây hơn 1 thập kỷ, trong một cuộc bàn tròn, các nhà nghiên cứu văn hóa đã phải đối mặt với câu hỏi: “Nghệ thuật chèo sẽ cầm cự được đến bao giờ trước sự xoay chuyển của xã hội?”.

Chèo cổ vẫn “sống khỏe” trong cộng đồng

Không thể kể hết chèo cổ xuất hiện và tồn tại ở bao nhiêu địa phương, nhưng chèo Bắc Giang là một trong những “đặc sản” văn hóa được nhiều người biết đến. Ngày nay, hát chèo gắn với nhiều sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật dân gian ở các làng xã như tế lễ, hội lệ, đình đám... Nhiều đội chèo đã hoạt động dưới dạng chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Đây cũng được xem như một hình thức gìn giữ nghệ thuật truyền thống vô cùng hiệu quả. Bắc Giang có tới trên 500 lễ hội, hội làng, hội vùng và liền vùng. Loại hình văn hóa phi vật thể này đều gắn với văn hóa vật thể là đền, đình, chùa, am miếu... Ngoài phần lễ, phần hội bao giờ cũng có các trò chơi dân tộc và bao giờ cũng có hát chèo. Những phường chèo này hầu hết đều do quần chúng nhân dân tự lập nên. Những diễn viên hầu hết là bán chuyên, vừa làm ruộng, vừa tham gia vào các phường chèo. Thường thì sau vụ gặt, công việc đồng áng nông nhàn, những người yêu thích chèo họ tụ tập nhau lại thành phường.

Gìn giữ nghệ thuật chèo cổ bằng cách tái hiện nó trong các lễ hội...

Những phường chèo như Bắc Lý (Hiệp Hòa), làng Mai (Việt Yên), làng Hạ (Tân Yên), Đồng Quan (Yên Dũng)...được tổ chức theo cùng một phương thức. Phường đi diễn lưu động ở các làng xóm, thôn ấp, đâu có hội là xin đến hát, có khi vượt ra cả tỉnh ngoài, huyện ngoài. Sân khấu là sân đình, trải cặp chiếu, căng dây thừng để ngăn sân khấu diễn làm hai bên, trong là buồng trò, ngoài là sân khấu. Khán giả có thể đứng xem cả ba mặt.

Nam Định cũng là nơi không thể thiếu vắng chiếu chèo sân đình. Ngày xưa, vào những ngày xuân hay nông nhàn, những phường chèo (gồm từ 10 đến 15 người) như những khách chơi xuân gánh hòm đồ trên vai đi xin đám ở các làng. Nơi diễn là một tấm chiếu hoa trải ở sân đình, một tấm màn nhỏ ngăn nơi diễn với hậu trường. Trang trí khu vực diễn là khung cảnh ngày hội: cây nêu, những lá cờ ngũ sắc, những bức cửa vòm sơn son thiếp vàng... Mở đầu buổi diễn bao giờ cũng là “thi nhịp” - một hình thức đồng tấu của các loại nhạc cụ gõ từ trống cái, trống đế, trống cơm, trống bộc, sanh tiền, mõ, thanh la... Nghe những âm thanh rộn rã, sôi động ấy, nghệ sĩ cất bài ca “vỡ nước”, nội dung chúc dân làng một năm làm ăn thịnh vượng, đồng thời cũng là hình thức khai giọng của diễn viên trước khi vào trò. Dân làng thi nhau xúm quanh ba mặt chiếu chèo, lúc này một chú hề ra múa “dẹp đám” để đám đông khỏi lấn vào nơi diễn, hoặc một lớp “giáo đầu” giới thiệu nội dung trò diễn và sân khấu dần thu hút sự chú ý của khán giả. Hiện nay, hình thức chèo sân đình vẫn được người dân Nam Đình gìn giữ, nâng niu, đặc biệt là trong những dịp vui chơi, hội hè.

Đến sân khấu phục vụ khán giả

Nếu như các địa phương gìn giữ nghệ thuật chèo cổ bằng cách tái hiện nó trong các lễ hội, thì đối với các nhà hát chèo chuyên nghiệp, thúc đẩy sự tương tác với khán giả là một yếu tố vô cùng quan trọng để chèo không bị mai một. NSƯT Thúy Mùi cho biết, chèo là bộ môn nghệ thuật có sự tương tác giữa các khán giả. Ngày xưa những câu như: “Này chị em ơi...”, sau đó có tiếng đế: “Ơi!”... chính là câu đế dành cho khán giả, khán giả có thể tung hứng với các nghệ sĩ, tiết mục biểu diễn sẽ hay hơn. Thấy những cái ác, khán giả phản ứng, thấy cái thiện khán giả vỗ tay... Vì thế, đề án đưa chèo vào trường học, để môn nghệ thuật này đến gần với các bạn trẻ là một đề án mà Thúy Mùi tâm huyết.

Nhà hát Chèo Hà Nội hiện nay có hai rạp là Đại Nam trên phố Huế và rạp trên đường Nguyễn Đình Chiểu thường xuyên đỏ đèn, các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Hà Nội cũng rất chịu khó đi diễn các tỉnh. Có lẽ chưa nơi nào trên cả nước không có bước chân của họ. Đặc biệt, các nghệ sĩ đã từng đến biểu diễn phục vụ hầu hết các trại giam từ miền núi Tây Bắc tới mũi Cà Mau. Ngoài ra, các diễn viên của nhà hát chèo cũng đi lưu diễn nước ngoài theo đơn đặt hàng của Sở Văn hóa Hà Nội. Hiện nay, Nhà hát Chèo Hà Nội rất vinh dự khi sở hữu rất nhiều ngôi sao như: NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Xuân Hanh, NSƯT Quốc Anh, NSƯT Thu Huyền...

Ba năm trở lại đây, Nhà hát Chèo Hà Nội đã xây dựng chương trình dành cho các em thiếu nhi. Để thu hút các em thiếu nhi tới rạp, họ đã mời những ngôi sao như NSƯT Minh Vượng, NSƯT Tấn Minh, nghệ sĩ cải lương Thanh Thanh Hiền... sang biểu diễn để làm chương trình hấp dẫn hơn. Có thể nói, để nhà hát chèo luôn sáng đèn, nỗ lực của người làm nghề là điều không thể phủ nhận.

Chiếu chèo sân đình giữa lòng Thủ đô

Năm 2015, những nỗ lực trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ di sản chèo cổ được nâng lên một tầm cao mới, trong đó phải kể đến sự kiện Nhà hát Chèo Việt Nam phối hợp dự án “Tôi xê dịch” thực hiện tour diễn Tiếng trống chèo, với nhiều trích đoạn xuất sắc trong 3 vở chèo cổ kinh điển được biểu diễn ngay trên chính các sân đình giữa lòng Thủ đô vào tháng 9 năm nay. Dự kiến, tour diễn Tiếng trống chèo sẽ có 3 đêm, với các vở diễn: Quan Âm Thị Kính (ngày 5/9, tại đình Tháp, Dịch Vọng, Cầu Giấy); Lưu Bình Dương Lễ (12/9, tại đình Tứ Liên, Tây Hồ) và Kim Nham (19/9, tại đình Xuân Đỉnh, Từ Liêm). Điều đáng chú ý tại tour diễn Tiếng trống chèo 2015, bên cạnh việc bảo vệ trọn vẹn lối dẫn trò truyền thống thì cũng sẽ có những sáng tạo mới hòa hợp với chèo cổ.

NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: Trong 3 đêm diễn, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ sử dụng lối dẫn trò đúng theo lối cổ để chuyển tiếp giữa những trích đoạn, những làn điệu hát. Đây sẽ là cơ hội để người dân Thủ đô có thể ôn lại không khí tưng bừng rộn rã mỗi lần “ra đình xem hội”; còn người trẻ thì có cơ hội quần tụ và say sưa với những tinh hoa của linh hồn dân tộc trong chèo. Tour diễn Tiếng trống chèo 2015 không chỉ là một buổi biểu diễn đơn thuần mà được thiết kế đặc biệt, nhằm giúp khán giả tìm lại được vẹn nguyên một chiếu chèo sân đình giữa lòng Thủ đô, và từng bước “học” cách thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Trải qua biết bao thế hệ, giới làm nghề nói riêng, khán giả Việt nói chung luôn coi nghệ thuật chèo là một “viên ngọc long lanh sắc màu” trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam. Hy vọng, với những nỗ lực không biết mệt mỏi, “viên ngọc” ấy sẽ sáng mãi.

Hưng Vũ

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]