Cần khoan dung với người lầm lạc nhưng phải ngăn chặn mầm mống tái phạm.

Theo luật hình sự, người có tiền án, tái phạm sẽ chịu hình phạt nặng hơn người phạm tội lần đầu. Trong hôn nhân lại có chuyện ngược đời, lần đầu tiên bị bắt ngoại tình thì người ta bị quy “tội” rất nặng là “tội” phản bội. Nhưng nếu tái phạm nhiều lần thì lại được chuyển thành “tội” lăng nhăng. Phạm lần đầu thì “người bị hại” đồng thời chính là quan tòa làm ầm ĩ, ghen tuông, dằn vặt và quyết không đội trời chung. Nhưng nếu “xử không tới” thì những lần sau “tòa” lại buông xuôi và “sống chung với lũ”.

Căng quá mất chồng

Chị Hà, một cô giáo tiểu học ở quận Thủ Đức ấm ức: “Giá như cho làm lại từ đầu, chắc em sẽ không vội vã nộp đơn ly dị để rồi trở thành người phụ nữ độc thân. Hồi đó, khi biết anh ấy có quan hệ với một người phụ nữ khác, em cảm thấy trời đất như sụp đổ. Em đã cố tìm hiểu và thu gom đủ bằng chứng để chứng minh sự thật đau lòng và chính em cũng không muốn tin. Em đã làm đủ mọi cách để anh ấy phải nhận tội của mình. Chồng em thú nhận và xin em tha thứ. Em bắt anh ấy phải chịu trách nhiệm về tội phản bội. Em đã quyết tâm ly hôn. Em không cho anh ấy một cơ hội. Ly hôn xong em cũng có nhiều người săn đón. Nhưng em cảm thấy không có người đàn ông nào mang lại cho em sự an toàn và yên tâm nữa. Thậm chí có nhiều người mới quen được vài tuần đã thổ lộ ý định sẽ bỏ vợ để tính chuyện lâu dài với em. Em không biết có phải mình quá khắc nghiệt khi không cho chồng mình cơ hội để chuộc lỗi và bây giờ em mất niềm tin vào hôn nhân như thế”.

Nhẹ tay lờn thuốc

Chị Mai ở quận Bình Thạnh thì ứng xử ngược lại và mang nỗi khổ khác. Lấy chồng hơn 10 năm nhưng chị đã phải bốn lần đích thân đi điều tra và lần nào chồng chị cũng năn nỉ, thề thốt và xin được khoan hồng. Lần đầu chị cũng đòi ly hôn, chia con, chia tài sản và thậm chí còn đòi tự tử để cho anh ấy chừa cái tính lăng nhăng. Nhưng về sau chị thấy chán nản và thôi không đủ sức để phá cho tanh bành nữa. Chị cứ lặng lẽ trong ngôi nhà của mình, chán nản và cô đơn, rơi vào trạng thái trầm cảm. Nhưng bỏ chồng thì chị không đủ quyết tâm. Chị bảo biết thế ngay từ đầu cứ làm quyết liệt để cho chồng khiếp, sợ, bây giờ “lờn thuốc” rồi, không còn hy vọng thay đổi được nữa.

Chị Thanh ở quận Tân Bình bắt đầu cuộc hôn nhân với bối cảnh thật u ám. Chồng chị đã có hai người vợ và bốn đứa con riêng. Chị đồng ý lấy anh vì anh nói cả hai người vợ đều không chung thủy nên không thể tiếp tục sống chung nữa. Về sống với anh một thời gian, chị mới phát hiện ra rằng anh vẫn qua lại với những người vợ cũ. Anh lấy cớ sang thăm lũ trẻ nhưng có trời mới biết là anh có thăm mẹ chúng nó hay không. Chị đã làm mình làm mẩy, đòi ly hôn, đòi anh cho sang nhà họ để ba mặt một lời, để cho họ biết chị hiện là vợ chính thức của anh. Anh hứa là sẽ gọi con ra ngoài gặp để khỏi liên quan đến mẹ chúng nó. Thời gian đầu anh cũng làm như thế. Nhưng cho đến khi chị nghe đứa con riêng của anh khoe là “con sắp được làm chị” thì chị mới tá hỏa. Cùng lúc đó chị cũng mang bầu đứa con đầu lòng với anh. Chị vẫn còn yêu anh, cần anh nên lại đành im lặng và chấp nhận anh một chốn đôi ba nơi. Chị tự an ủi: “Tuy anh tham đĩa mà không chịu bỏ mâm nhưng là người cha có trách nhiệm”. Từ một người đàn ông phản bội vợ, anh được chuyển tội danh trở thành người đa đoan “được mới mà không chịu nới cũ”.

Làm sao để vượt qua được cú sốc khi biết người ta đã phản bội mình? Làm sao để “diệt cỏ là phải diệt tận gốc”?

Phải khéo léo xử “tội” lần đầu

Phiên tòa xử tội phản bội lần đầu là một phiên tòa khó khăn và “kịch tính”. Người phán xử lại chính là người bị hại. Cần tỉnh táo và cương quyết nén nỗi đau đang bị xúc phạm, bị tổn thương để làm “tới bến”, để giữ cho mình những gì mình đang cần, đang muốn.

Phần đầu tiên, cần cho “bị cáo” tự trình bày. Phần tự bạch, tự bào chữa này có thể giúp tòa hiểu thêm về khó khăn, nhu cầu của họ và biết thêm hình ảnh mình trong mắt bị cáo. Cho phép “bị cáo” đề xuất mức án và những điều kiện để thi hành án. Đừng quá đi sâu vào nguyên nhân và động cơ “gây án”. Đôi khi “bị cáo” luống cuống, vụng về nên nói ra những vấn đề rất dễ tổn thương mình. Trong lúc xử, “tòa” nên nghĩ tới những yếu tố tích cực mà “bị cáo” vẫn dành cho mình và mình cũng rất cần. Ví dụ như “anh ấy có tội nhưng vẫn biết ăn năn hối cải và có trách nhiệm với gia đình”. Yếu tố bao dung, khoan hồng rất cần được cân nhắc và coi trọng. Cần khoan dung với phương châm: “Mỗi lần vấp là một lần biết dại, ai trong đời mà chẳng dại đôi lần”.

Khi đã tuyên án, cần mềm mỏng để cách ly những nguy cơ tái phạm và động viên người ta yên tâm. Đừng nhắc đi nhắc lại nhiều lần, không kiếm cớ để kể tội khi đã xử xong. Cần tôn trọng bản án, không phúc thẩm đi phúc thẩm lại, đặc biệt không mời phụ huynh tham gia vào việc giám đốc thẩm. Làm như thế “bị cáo” sẽ cảm thấy bị coi thường và nhiều khi chán nản cô đơn và có khi “lối cũ ta lại về”.

Ngoại tình là một lần vấp ngã, một lần lầm lối. Cần khoan dung, cho cơ hội để người phạm tội sửa sai và chữa lỗi. Nhớ đừng qua loa, bất lực, chặc lưỡi, buông xuôi để “sống chung với lũ” rồi lại bị lũ dập vùi. Nhiều khi chỉ vì mình không cương quyết nên người ta hết sai rồi lại đến lầm. Nếu cứ khoan hồng, ân xá nhiều lần thì có khi người ta lại coi thường. Họ không còn thấy mình có tội mà tự coi đó chỉ là thói hư, tật xấu.

VÕ THỊ MINH HUỆ, chuyên viên tâm lý

Sẽ có chế tài hành vi ngoại tình

Tại phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo Luật Hôn nhân và Gia đình  vừa qua, ông Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế - Bộ Tư pháp) cho biết dự kiến sẽ bổ sung chế tài xử lý hành vi ngoại tình. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy, thương yêu nhau nhưng khi một bên vợ hoặc chồng vi phạm nghĩa vụ này (như ngoại tình, ngược đãi, hành hạ…) thì lại không quy định chế tài xử lý.

Quá trình ly hôn, các hành vi trên được xác định là nguyên nhân ly hôn chứ chưa phải là căn cứ để xác định trách nhiệm về nhân thân, tài sản và con cái trong giải quyết ly hôn.

HÀN AN GIANG


Video đang được xem nhiều