Người đàn bà cụt chân bị bệnh hiểm

15.6107

Cụt cả hai chân do tai nạn chiến tranh, không chồng con, đi gần hết cuộc đời trong sự cô đơn, bất hạnh, bà Hảo lại bị giáng thêm căn bệnh ung thư.

Người đàn bà mang chồng chất nỗi khổ này bà Trương Thị Hảo, 57 tuổi, ở phố Đại Từ, phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội.

Ngôi nhà của bà Hảo giống một cái lều ở tạm. Nó rộng tầm 15m2, ẩm thấp, tối tăm, mái thấp lè tè, lọt thỏm giữa những ngôi nhà khác. Trong nhà không có tivi, đài hay vật dụng gì đáng giá, chỉ có hai tấm gỗ kê sát nhau làm chỗ ngủ, thêm chiếc gối và chiếc chăn chiên cũ rách. Quần áo của bà chỉ có mấy bộ để trong chiếc hộp bìa cattong, lèo tèo vài chiếc. Phía ngoài là một chiếc bếp than tổ ong, mấy chiếc bát, rổ rá đơn sơ, tạm bợ gọi là góc bếp.

Bà Hảo kể, cuối năm 1972, khi Mỹ ném bom khu Hoàng Mai, Thanh Trì, bà cùng 3 người thân xuống hầm trú nhưng quả B52 đã đánh sập hầm. 3 người kia đều chết, bà Hảo được cứu lên nhưng đôi chân đã nát. Dù được đưa đến Bệnh viện Việt Đức ngay, nhưng đôi chân của bà không thể cứu được, phải cưa đi. Khi ấy, nhìn đôi chân không còn lành lặn, người con gái 18 tuổi chỉ biết khóc đau đớn. Về sau, bố mẹ bà có làm đơn xin trợ cấp nhưng không được chấp nhận do bà bị tai nạn chiến tranh chứ không trực tiếp tham gia quân đội.

Bà Hảo vất vả trong sinh hoạt hằng ngày vì đôi chân tàn tật. Ảnh: Hồng Cảnh.

Nhà nghèo, để nuôi 8 miệng ăn, bố mẹ bà Hảo lam lũ, làm lụng đủ thứ việc kiếm sống. Rồi bố mẹ mất, các em đi xây dựng gia đình, một mình bà sống thui thủi ở góc phố nhỏ, không chồng, không con. Hàng ngày, bà ngồi nhà đan khăn, đan áo thuê lấy tiền kiếm sống. Mọi sinh hoạt đều khó khăn với đôi nạng.

Thương cho hoàn cảnh của bà, hàng xóm thường xuyên sang thăm hỏi, trò chuyện, giúp đỡ mỗi khi bà trái gió, trở trời. Bà còn mấy người em, nhưng ai cũng đã có gia đình riêng, không mấy quan tâm đến chị. Chỉ có vợ chồng người em trai út là Trương Hải Sinh và Lê Thị Thắm thường xuyên qua lại, hỏi han, giặt cho bà bộ quần áo, đưa vài đồng thêm thắt chi tiêu. Dù vậy, bà Hảo luôn cố gắng tự làm mọi việc. Bà không muốn dựa dẫm vào ai vì vẫn còn đôi tay và đôi mắt. Thế nhưng, thêm một lần, số phận lại đùa cợt với bà.

Tháng 10/2010 thấy trong người mệt mỏi, đầy bụng, bà nghĩ thời tiết nên mua thuốc cảm cúm và thuốc tiêu hóa về uống. Thế nhưng bệnh không khỏi mà càng nặng thêm. Lo lắng, bà nhờ người em dâu út đưa đi khám ở một phòng khám tư thì bác sĩ kết luận có khối u. Kết quả khám lại ở Bệnh viện Ung bướu, cơ sở 2 Tam Hiệp cũng khẳng định bà bị ung thư buồng trứng.

Bà Hảo choáng váng, ngày đêm khóc vì số phận bạc bẽo của mình. Nỗi đau thể xác không đau bằng nỗi đau tận trong tâm can. Cuộc đời của bà sống lay lắt từng ngày, không muốn làm phiền người khác vậy mà bây giờ bệnh tật lại ập xuống.

Chị Thắm lại gom tiền chắt chiu trong gia đình và vay mượn thêm bà con cùng khu phố lấy chi phí chữa bệnh cho chị chồng. “Em làm công nhân ở Công ty may 19-5, còn chồng em làm bảo vệ. Lương hai vợ chồng thấp, lại nuôi hai đứa con ăn học. Giờ bác Hảo bị bệnh, vợ chồng em ở gần, không thể bỏ bác được. Sau khi mổ phải điều trị hóa chất theo đợt, mỗi đợt ngót nghét hai chục triệu, vợ chồng em phải đi vay mượn chỗ này chỗ nọ, thật khổ quá...”, chị Thắm tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, khoa Nội, Bệnh viện Ung bướu K2 , người trực tiếp điều trị cho bà Hảo, cho biết, bệnh nhân Hảo bị ung thư buồng trứng, sau mổ phải điều trị và truyền hóa chất theo từng phác đồ. Phác đồ 1 gồm 6 đợt, sau đó, nếu không khỏi phải điều trị theo phác đồ 2.

"Đây là bệnh nhân có hoàn cảnh rất đặc biệt, lại không có khoản trợ cấp xã hội nào nên vô cùng khó khăn.”, bác sĩ Thúy xót xa.

Độc giả có tấm lòng hảo tâm, muốn giúp đỡ bà Hảo chữa bệnh, có thể tới gặp bà trực tiếp tại: Buồng 5, khoa Nội, Bệnh viện Ung bướu K2, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội hoặc số nhà 16, tổ 11, phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Số điện thoại chị Thắm (em dâu út bà Hảo): 01684 006 629.

 Cao Thị Hồng Cảnh

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]