Người đang giữ một di sản độc đáo

0
(TT&VH Cuối tuần) - Đôi mắt sáng với cái nhìn tinh nghịch, nụ cười hóm hỉnh luôn thường trực trên môi, thật khó tưởng tượng người đàn ông nhỏ nhắn, lúc nào cũng ăn vận như một viên chức mẫn cán này đã bước vào tuổi 78. Ông là nhiếp ảnh gia, cựu ký giả kịch trường Huỳnh Công Minh, người đang có trong tay khoảng 30.000 tấm ảnh tư liệu về thời hoàng kim của sân khấu cải lương Sài Gòn mà GS.TS Trần Văn Khê đánh giá là “một di sản có một không hai về nghệ thuật dân tộc cần giữ gìn và bảo tồn...”.

“Kho tàng” trong tủ gỗ

Từ năm 2006 đến nay, Huỳnh Công Minh đã cho ra đời 4 tập sách ảnh Vang bóng một thời gồm những bức ảnh quý chọn lọc ra từ những vở tuồng kinh điển: Nửa đời hương phấn, Lan và Điệp, Đời cô Lựu, Mộng hoa vương, Tiếng hạc trong trăng, Thuyền ra cửa biển, Con gái chị Hằng… với các nghệ sĩ tài danh: Phùng Há, Năm Châu, Thanh Nga, Thành Được, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Bích Thuận, Lan Chi, Kim Cương… Một thời hoàng kim của sân khấu cải lương với một phong cách chuyên nghiệp mà ở đó sân khấu lúc nào cũng toát lên vẻ đẹp chân thật và sang trọng. Cảnh trí, phông màn, đạo cụ được chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Chỉ có thể mượn quan điểm về sân khấu của NSND Nguyễn Thành Châu “Thật và Đẹp” để hình dung về sân khấu cải lương xưa. Tất cả sống dậy qua những bức ảnh rõ đẹp, sắc nét, không một vết mờ dù được chụp cách đây nửa thế kỷ đã làm người trong và ngoài giới sân khấu ngỡ ngàng.


Cựu ký giả kịch trường Huỳnh Công Minh bên "kho tàng" của mình
“Số ảnh đã in ra trong Vang bóng một thời chỉ là một phần nhỏ trong “gia tài” của tôi thôi đấy”, ông chỉ cho tôi xem “kho tàng” của mình: một cái tủ gỗ ba tầng đơn sơ, cao không hơn một đứa bé 4 tuổi nhưng chứa trong đó 550 bao phim âm bản các vở tuồng và sự kiện quan trọng của sân khấu cải lương Sài Gòn mà ông đã chụp từ năm 1954 đến 1968. “Trung bình mỗi bao phim có khoảng hơn 40 tấm phim, tính ra số phim cũng tròm trèm 30.000 tấm”, ông nhẩm tính. “Tính tôi vốn tỉ mỉ nên ngâm phim kỹ lắm, để hóa chất ra hết rồi mới tráng nên phim rất bền. Lại giữ phim trong bao giấy hút chất ẩm, tuổi thọ phim lại càng dài”, ông giải thích “bí quyết” bảo quản phim ngần ấy năm trời của mình.

Trong hơn 10 năm, ông đã thâu vào ống kính của mình 550 vở tuồng của hơn 50 đoàn hát từ đại ban đến những đoàn chẳng mấy ai biết chỉ thỉnh thoảng mới dừng chân tại Sài Gòn: Thanh Minh, Kim Chung, Kim Chưởng, Dạ Lý Hương, Hương Mùa Thu, Hoa Sen, Thành Được - Út Bạch Lan, Minh Tơ… cũng như nhiều sự kiện sân khấu như các đêm trao giải Thanh Tâm... Hầu như tất cả nghệ sĩ cải lương miền Nam từ những tên tuổi vượt thời gian đến những người ít ai còn nhớ đều có mặt trong ảnh của ông: Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân, Út Trà Ôn, Thành Được, Út Bạch Lan, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Ngọc Hương, Thanh Nga, Hữu Phước, Thanh Tú, Thanh Sang, Chí Tâm, Hoàng Giang, Lan Chi, Bích Thuận, Bích Sơn, Kim Cương, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Ngọc Giàu…

Chiếm phần lớn trong gia tài đồ sộ này là những bức ảnh chụp cho đoàn Thanh Minh, đoàn hát mà ông thuộc biên chế. Và có giá trị nhất phải là bộ sưu tập khá đầy đủ những bức ảnh trên sân khấu lẫn ngoài đời, từ thuở thiếu niên đến khi trưởng thành của “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga, từ khi cô mới 13 tuổi còn phải tham gia đoàn vũ múa mở màn hoặc minh họa cho vở diễn, đến những vai đào con rồi trở thành một bông hoa rực rỡ sắc hương trên sân khấu. Và ông đã dành riêng tập 4 của Vang bóng một thời (vừa mới ra mắt khán giả vào đầu năm 2010) chỉ để giới thiệu những hình ảnh và nhiều chuyện hậu trường hấp dẫn về NSƯT Thanh Nga.


Bỗng dưng… nổi tiếng

“Cách đây nửa thế kỷ, một ông thầy bói đã phán rằng sau này tôi sẽ nổi danh trong xã hội. Một anh thợ chụp hình mà nổi tiếng thì cũng lạ nhưng đến bây giờ xem ra lời phán đó cũng ứng nghiệm thiệt. Tôi được lên truyền hình, được nhà báo phỏng vấn, lại có người xin chữ ký nữa. Nổi tiếng quá đi chứ!”, ông hóm hỉnh nói. Quả thật trước khi tập sách ảnh Vang bóng một thời ra mắt khán giả thì có mấy ai biết đến Huỳnh Công Minh, họa hoằn lắm cũng chỉ là qua ký ức mờ nhạt của những người từng gắn bó với sân khấu trước năm 1975. Ngay cả bản thân Huỳnh Công Minh cũng thừa nhận rằng cuộc đời mình là một chuỗi những mối “duyên lạ” và việc bỗng dưng nổi danh khi tuổi về chiều giống như… “từ trên trời rơi xuống” vậy.


Những bức ảnh cựu ký giả kịch trường Huỳnh Công Minh chụp trên sân khấu Thanh Minh.
Đầu những năm 1950, Huỳnh Công Minh chỉ là một anh thợ chụp hình dạo trong thảo cầm viên. Một lần, khi đến đoàn Thanh Minh để đưa ảnh cho khách hàng là cặp nghệ sĩ Việt Hùng - Ngọc Nuôi thì được ông bầu Năm Nghĩa nhờ chụp một số kiểu ảnh cho đoàn. Hôm sau mang ảnh đến, được ông bầu khen ảnh đẹp, anh thợ mạnh dạn góp ý kiến: “Ông bầu cho phóng to mấy tấm ảnh này treo ngoài cổng thế nào khán giả cũng tò mò, vé bán đắt hơn”. Anh thợ chụp hình không ngờ ý tưởng của mình lại hiệu quả đến vậy khi khán giả ùn ùn kéo đến rạp, lại càng không thể ngờ rằng mình đã “phát minh” ra kiểu quảng cáo bằng poster hình ảnh (thay vì hình vẽ) cho sân khấu cải lương. Từ đó, anh thợ chụp hình dạo trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh sân khấu. Không lâu sau, nhờ có điều kiện theo sát các đoàn hát, nắm được không ít chuyện “thâm cung bí sử”, Huỳnh Công Minh được ký giả nổi tiếng Trần Tấn Quốc, người sáng lập trang kịch trường trên các báo và giải Thanh Tâm danh giá của sân khấu cải lương Sài Gòn trước 1975, nhận làm đệ tử, dìu dắt vào làng báo. Thế là Huỳnh Công Minh trở thành ký giả kịch trường. Ngẫm lại, nếu ngày ấy Việt Hùng - Ngọc Nuôi cứ trả tiền trước như bao khách hàng khác, Huỳnh Công Minh không phải đến rạp hát lấy tiền ảnh thì không biết cuộc đời ông đã xoay vần ra sao?


Cuối những năm 1960, sân khấu cải lương dần có nhiều biến động, Huỳnh Công Minh cũng chuyển sang viết mảng đời sống xã hội. 30.000 tấm phim quý giá cũng nằm im ỉm trong chiếc tủ gỗ suốt hàng chục năm trời mà bản thân ông cũng không biết phải làm gì với chúng. Ông bộc bạch thẳng thắn: “Thú thật tôi chụp hình cũng thực dụng lắm. Chụp hình đẹp, giữ phim kỹ để nghệ sĩ thấy quảng cáo treo đẹp mà rửa thêm hình để có thêm thu nhập. Nhưng có mấy ai dòm tới đâu. Có những bao phim không hề được đụng tới lần nào. Cứ tích lũy như thế thành ra nhiều quá mà bỏ đi thì không nỡ vì thấy sân khấu, cảnh trí, nghệ sĩ ngày xưa đẹp quá đi. Những năm gần đây đời sống khó khăn mới có ý định nhờ số ảnh này để đỡ đần gia đình”. Được sự khuyến khích của GS.TS Trần Văn Khê, ông quyết định “làm liều”: cầm cố căn nhà lấy 50 triệu đồng để in sách. Vận may lại mỉm cười với ông khi sách bán quá chạy liên tục được tái bản, ông không những chuộc lại được căn nhà mà còn dư ra một khoản kha khá để tự tin làm tiếp những quyển sau. Và thế là với tư cách tác giả của 4 tập sách ảnh quý giá Vang bóng một thời, Huỳnh Công Minh bỗng dưng… nổi tiếng.

Hiện nay, bước vào tuổi 78, ông đã thấy lo, một nỗi lo không còn… thực dụng nữa, cho “kho tàng” của mình có nguy cơ trở thành vô giá trị vì: “Hiện nay chỉ mình tôi là có thể nhận ra được nghệ sĩ nào trong hình, đóng vai gì, trong vở tuồng nào. Nếu chẳng may tôi “tắt thở” thì cả đống hình này sẽ trở thành một mớ lộn xộn với những chú thích đại loại như “cảnh trên sân khấu cải lương xưa” vậy thôi. Đâu còn ý nghĩa nữa”. “Tôi sẵn sàng tặng cho nhà nước toàn bộ “gia tài” này nhưng tôi cần có tài chính để rửa ảnh, scan ảnh ra đĩa vi tính và chú thích cụ thể rõ ràng cho mọi người hiểu. Tôi hy vọng được hỗ trợ lập một website để đưa số ảnh này đến với rộng rãi công chúng để thế hệ hôm nay và mai sau hiểu được phần nào về thời kỳ hưng thịnh của sân khấu cải lương, biết được cải lương thời đỉnh cao đẹp và sang trọng, đáng để say mê như thế nào…”, ông khẽ nói.

Ngọc Tuyết
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]