Những bệnh kinh niên 'ma mới' nào cũng mắc

Tiin.vn - Ai là tân sinh viên thì mau mau "bắt bệnh" xem sao nhé!

15.6523

Khó hòa nhập

Giảng đường mới, những người bạn chưa từng gặp mặt, môi trường ĐH khác rất nhiều so với thời phổ thông. Không ít tân sinh viên cảm thấy khó hòa nhập, kết bạn khi mới chân ướt chân ráo bước vào giảng đường. Duy Hùng (19 tuổi, ĐH Giao Thông Vận Tải) nhớ lại quãng thời gian mình nhập học cách đây 1 năm: “Tính mình vốn ít nói, bạn bè trong lớp thì đến từ mọi miền đất nước, nên thời gian đầu, mình khá cô đơn, đi đâu cũng chỉ một mình. Chủ động làm quen cũng khó vì sợ người ta nghĩ là mình có ý đồ gì, thành ra cứ im lặng hoài thôi”.

Đúng là không dễ để có bạn thân hoặc một nhóm hợp cạ thời sinh viên nhưng cũng không đến nỗi bạn tự biến mình thành “người già cô đơn” ở giảng đường đâu. Chủ động tham gia các CLB, hoạt động ngoại khóa, tình bạn được hình thành một cách rất tự nhiên, bạn sẽ có rất nhiều chiến hữu mới cho mà xem  Vì thế, hãy tự tin lên nhé!

Chậm thích nghi

Do quá quen với phương pháp học có phần bị động ở trường phổ thông, nên nhiều "ma mới" không kịp thích nghi với cách nạp kiến thức ở giảng đường. Đặc biệt với chương trình học tín chỉ, thể dục là điều kiện bắt buộc để lấy được bằng, nhiều tân sinh viên lười biếng, không chịu điều chỉnh cho phù hợp. Kết quả là trong khi bạn bè phăng phăng tiến về phía trước, họ vẫn mãi loay hoay với tấm bằng bị treo.

Khối lượng bài vở tuy không nặng như thời cấp III, song bậc ĐH đòi hỏi cao hơn về tính chủ động, linh hoạt. Vì thế, bạn nên siêng đến thư viện, tích lũy kiến thức từ các kênh, nguồn thông tin khác nhau. Dần dần những môn “khô như ngói” sẽ không làm bạn cảm thấy chán nản và có hứng học hơn đấy.

Vỡ mộng

Học ĐH, nhiều teen cứ “mơ” đến những giờ giảng tuyệt vời (khác hẳn với lối thầy đọc trò chép như thời cấp III), những môn học đầy tính thực tiễn…Tuy nhiên, thực tế không như những gì bạn hình dung. Việt Anh (ĐH Công Đoàn) chia sẻ: Ban đầu, nhìn thời khóa biểu đầy ắp những môn hay và lạ, tớ háo hức, mong chờ ghê lắm. Nhưng cảm giác ấy đã sớm bị dập tắt ngay từ buổi học đầu tiên. Phần vì môn học có quá nhiều khái niệm mới mẻ, khó hiểu, nên tớ “nuốt” không trôi. Phần vì điệp khúc “thầy giảng, trò chép” khiến tớ có cảm giác mình như đang học lại cấp III. Thậm chí, thầy cũng chẳng buồn khuyến khích tinh phần xung phong của các em năm nhất bằng cách đưa ra những câu hỏi. Đó là chưa kể, diện tích phòng chật, lại gần trăm con người cùng học, nên tớ không tài nào tập trung nổi”. Thậm chí, nhiều bạn sau 3 tháng học, mới lờ mờ nhận ra ngành mình đăng ký chẳng hề hợp với bản thân tẹo nào, nhưng vì “đâm lao nên rốt cuộc phải theo lao".

Trong trường hợp, ngành học không thực sự phù hợp với bạn, hãy can đảm quay về vạch xuất phát ban đầu. Càng để lâu, bạn càng khó dứt ra và lúc quay lại, có khi mọi thứ đã trở nên muộn màng.

Tiêu hoang

Lần đầu tiên được bố mẹ gửi tiền hàng tháng, lại chẳng có ai kiểm soát mình, nên các tân sinh viên dễ mềm lòng “rút ví” cho những khoản không đâu. Vì thế,  đầu tháng “ăn rất sang” nhưng cuối tháng lại “mì gói trường kỳ” đã trở thành chuyện thường ở huyện. Ngửa tay xin tiền phụ huynh, thì thế nào cũng bị nghe mắng, thậm chí còn bị "mama" cắt bớt viện trợ chì vì thói “thích là chi” của mình.

Điều bạn cần làm lúc này là update các kiến thức IQ tài chính như download những phần mềm kiểm soát chi tiêu về máy để thực hành dần. Ngoài ra, mở tài khoản tiết kiệm bên cạnh tài khoản gửi tiền hàng tháng cũng giúp bạn có thêm lãi suất nho nhỏ phòng những khi cần đến.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]