Những điều nên lưu ý khi viết blog doanh nghiệp
Việc các giám đốc, chuyên gia cao cấp viết blog cho công ty đã trở thành trào lưu trên thế giới và họ đã rút ra những kinh nghiệm quý báu khi làm công việc mang tính "PR" này.
Chọn giao diện hợp lý
Nếu trang blog rườm rà, lòe loẹt, độc giả có thể đánh giá tính cách của người viết cũng như vậy. Do đó, hãy dùng giao diện dễ nhìn nhất.
Viết có mục đích
Nêu rõ bạn đến từ công ty nào và tại sao bạn lại chọn blog để tiếp cận công chúng. Hãy làm rõ mục đích của bài viết ngay từ đầu.
Cần biết độc giả là ai
Độc giả đến với blog của các chuyên gia trong công ty để nắm bắt quan điểm, kiến thức của họ trong lĩnh vực cụ thể. Nếu bạn là một giám đốc điều hành mà viết về kinh nghiệm của giám đốc công nghệ thông tin thì sẽ đặt một dấu hỏi trong đầu người đọc.
Thể hiện cái tôi
Blog là nơi bày tỏ quan điểm nên ngoài những thông tin khách quan, bạn có thể đưa vào các nhận xét, bình luận cá nhân để khẳng định vị trí của mình.
Thể hiện vai trò
Blog của công ty về bản chất là nơi tiếp thị sản phẩm nên hãy viết với lòng nhiệt tình và trách nhiệm trên cương vị của bạn.
Không tâng bốc
Quảng cáo là một nhiệm vụ trên blog nhưng hãy tránh những lời lẽ quá lố và sáo rỗng. Nên đi vào thực chất vấn đề độc giả thấy tin tưởng.
Tôn trọng độc giả
Hãy giả định độc giả thông minh hơn bạn và do đó, viết đúng sự thật, lịch thiệp, điềm đạm.
Lưu ý đến luật pháp
Không nên thể hiện các "ngón nghề" kinh doanh để mong độc giả thấy mình tài giỏi. Trong lúc cao hứng, bạn có thể để lộ "tiểu xảo" lách luật và gây ra những vụ kiện tụng. Tốt hơn hết, hãy tôn trọng luật pháp ở mọi khâu làm việc.
Không ba hoa
Hãy nói những gì cần phải nói. Lời ba hoa, dài dòng, sáo mòn sẽ làm người đọc mệt mỏi và thiếu tin tưởng.
Tiếp nhận ý kiến phản hồi
Blog là nơi người đọc để lại lời bình luận, có xấu, có tốt. Bản lĩnh của người viết sẽ thể hiện ở chỗ tỏ thái độ mềm mỏng và cứng rắn hợp lý với những lời thóa mạ. Nên bày tỏ sự cảm ơn với các ý kiến đồng tình.
Theo Việt Toàn/VnExpress- eWeek