NS Phó Đức Phương: Truyền hình trả tiền “phớt lờ” trả tác quyền âm nhạc

ictnews Nhiều doanh nghiệp cung cấp truyền hình trả tiền, bao gồm cả các “ông lớn” như SCTV, VTVcab, HTCV nhiều năm nay chưa chấp hành nghĩa vụ, luật pháp về bản quyền âm nhạc, chưa trả tiền tác quyền âm nhạc trên nội dung các kênh truyền hình do các đơn vị này trực tiếp sản xuất.

0

SCTV bị nhạc sĩ Phó Đức Phương tố vi phạm bản quyền âm nhạc trên truyền hình.

Trao đổi với ICTnews mới đây về vấn đề thực thi bản quyền âm nhạc trên truyền hình, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, tính đến nay tình hình thực thi bản quyền trên lĩnh vực truyền hình trả tiền vẫn rất kém. Hiện mới có 3 đơn vị truyền hình trả tiền đạt được thỏa thuận sử dụng các tác phẩm âm nhạc là K+, HCATV (Hanoicab) và Viettel (trên kênh QPTV). Còn lại các nhà cung cấp truyền hình trả tiền khác, bao gồm cả các "ông lớn" như SCTV, VTVcab, HTCV đều chưa chấp hành nghĩa vụ, luật pháp về bản quyền âm nhạc.

Trong một số hội thảo về truyền hình trả tiền trước đây, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này. “7-8 năm nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đã năm lần, bảy lượt gửi công văn tới các đơn vị truyền hình trả tiền, đề nghị hai bên cùng làm việc để bàn bạc phương án hợp tác, thế nhưng họ vẫn phớt lờ, không hồi âm, cũng không phản hồi với Trung tâm trong vấn đề thỏa thuận để sử dụng các tác phẩm âm nhạc trên các kênh truyền hình trả tiền”, nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.

Trong khi đó, một số kênh truyền hình được sản xuất theo hình thức xã hội hóa đang phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền như SNTV, TodayTV, YouTV, YanTV, Yeah1, VietTV… nhà sản xuất nội dung những kênh này đều có thỏa thuận thanh toán tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc cho các tác giả. Còn chính các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trực tiếp thu phí xem truyền hình của khách hàng thì lại chưa trả tiền tác quyền âm nhạc trên các nội dung do các doanh nghiệp này trực tiếp sản xuất.

Cũng theo ông Phó Đức Phương, mặc dù luật pháp quy định về bản quyền âm nhạc đã có từ nhiều năm nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc nỗ lực hết sức để triển khai tới các đài truyền hình nói chung và truyền hình trả tiền nói riêng để thu tiền bản quyền cho các nhạc sĩ nhưng thực tế thì nhạc sĩ vẫn chịu thiệt thòi rất lớn.

Điều bất cập lớn nhất chính là do luật pháp quy định các đơn vị truyền hình được phép phát sóng các tác phẩm âm nhạc mà không phải xin phép trước, đồng thời quy định các hãng truyền hình phải trả tiền bản quyền âm nhạc. Chính vì nhà nước quy định như vậy, nên trong quá trình thương thảo về mức tiền chi trả cho nhạc sĩ bị lệ thuộc rất lớn vào thiện chí của các đài truyền hình. Trong trường hợp hai bên chưa thống nhất, chưa đạt được thỏa thuận thì truyền hình vẫn được quyền sử dụng các tác phẩm âm nhạc. Có khi 5-10 năm mà chưa đạt được thỏa thuận thì các nhạc sĩ không thu được tiền, mà truyền hình vẫn được phép sử dụng tác phẩm âm nhạc.

Chính vì điều này nên số tiền thu về cho các nhạc sĩ phụ thuộc vào sự tự giác của các đài truyền hình, phần thiệt thòi vẫn thuộc về phía các tác giả.

Theo ông Phó Đức Phương, hầu hết các đài truyền hình địa phương đều thực hiện nghĩa vụ bản quyền âm nhạc nhưng theo hình thức trả tiền trọn gói, dựa trên quy mô về dân số và độ phát triển của địa phương chứ không theo số lượng bài hát và số lần phát sóng của các đài. Số tiền bản quyền trọn gói với các đài truyền hình địa phương rất khiêm tốn, dao động từ 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm. Đối với các kênh VTV, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc và VTV cũng đạt được thỏa thuận với số tiền thu về được tính theo số lượng bản nhạc và tần suất sử dụng.

Tuy nhiên, trên thực tế các đài truyền hình sử dụng bản nhạc với tần suất thế nào, sử dụng có đúng với thỏa thuận giữa hai bên hay không thì Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc lại không có công cụ để kiểm soát.

Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, chính vì một số khó khăn nói trên nên tỷ trọng số tiền tác quyền âm nhạc trên truyền hình thu về rất nhỏ so với một số nước. Ví dụ, ở nhiều nước số tiền bản quyền âm nhạc trên truyền hình chiếm từ 40-50%, còn ở Việt Nam chỉ đạt được 10-15%.

Và các nhạc sĩ Việt Nam vẫn chịu thua thiệt khi nhiều tác phẩm âm nhạc vẫn bị “dùng chùa” trên sóng truyền hình.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]