Nhưng để giữ lời hứa với vợ và cũng vì khoảng cách tuổi tác quá lớn, tình yêu đó mãi mãi chỉ là tình đơn phương. Khao khát được yêu ở tuổi lục tuần
Sau nỗi đau mất vợ, nhạc sĩ Thanh Tùng hoàn toàn bị trượt dốc. Từ đời tư đến phong cách sáng tác của ông đều bị thay đổi khiến không ai có thể nhận ra được. Những ngày ấy, đồng nghiệp, bạn bè của ông hết sức lo lắng bởi Thanh Tùng đã quá quen với những buổi tụ tập bạn bè, những buổi ăn chơi không điểm dừng. 
Lúc nào Thanh Tùng cũng cười sảng khoái, như quên hết mọi nỗi buồn xung quanh. Cho đến khi bà Minh qua đời thì con người ông hoàn toàn thay đổi. Ông luôn chọn một mình, chìm đắm trong men rượu, tự đối diện với sự mất mát quá lớn, tự dày vò mình trong nỗi ân hận. Cảnh gà trống nuôi ba con của nhạc sĩ Thanh Tùng khi ấy khiến ai nấy biết chuyện đều cảm thấy ái ngại.
Luôn trong tình trạng buồn bã và say khướt, nhưng thời gian ấy, ông vẫn để lại nhiều ca khúc để đời. Tuy nhiên, những bài hát ấy không còn vui nhộn, trẻ trung và căng tràn sức sống như "Giọt sương trên mí mắt", "Hát với chú ve con", "Lời tỏ tình mùa xuân"... Từ chối sự động viên, chia sẻ của bạn bè, nhạc sĩ đưa những lời tâm sự của mình vào trong các tác phẩm, vì thế bài hát nào cũng buồn, dù có mang giai điệu trẻ trung thì cũng không thể nào giấu được những nỗi buồn, nỗi cô đơn sâu sắc, làm ai nghe cũng phải xao lòng.
Đã có lúc, tưởng chừng như nhạc sĩ Thanh Tùng không thể nào thoát khỏi nỗi sầu thảm và cứ thế chết dần chết mòn trong đó. Những hãng băng đĩa, những nhà sản xuất gửi yêu cầu về những tác phẩm vui tươi, lãng mạn hơn để phù hợp với sở thích của giới trẻ khi ấy. Nhạc sĩ đưa con mắt buồn đi tìm nguồn vui nhưng thật khó khăn.
Nhớ lại khoảng thời gian ấy, ông chia sẻ, chỉ có những người phụ nữ đẹp khiến ông thật sự rung động mới giúp ông có cảm hứng sáng tác, như ngày xưa. Vậy nhưng từ ngày vợ mất, ông không làm được điều này. Ông nhìn về phía cô con gái út, cô bé giống y hệt mẹ thời thiếu nữ. Vậy nhưng nó lại nhắc ông nhớ đến sự mất mát mình vừa trải qua. Cứ thế, thay vì chìm đắm trong bóng tối và men rượu, ông bắt đầu đi tản bộ, tìm kiếm những điều hay ho, mới mẻ trong cuộc đời đã rời xa rất lâu.
Tuy vậy, trái tim nhạy cảm với cái đẹp của nhạc sĩ đã thay đổi. Ông thấy sao tâm hồn lại khó rung động đến thế. Những người phụ nữ đon đả với ông, cố tìm cách mua vui cho ông, ông thấy họ đẹp thật đấy nhưng không để lại cho ông bất kỳ một cảm xúc nào nữa. Trong thâm tâm nhạc sĩ Thanh Tùng luôn có một nỗi day dứt khôn nguôi: "Ai mang cho tôi một tình yêu? / Một tình yêu thật là nhỏ thôi/ Như ban mai trên đầu ngọn cỏ/ Long lanh, long lanh một giọt sương rơi". Chỉ cho đến một ngày, ông bất ngờ cảm thấy xao xuyến sau lần gặp gỡ một thiếu nữ 20 tuổi. Cô gái đó trong cảm quan của ông thật đặc biệt. Đôi mắt ngây thơ, gương mặt thanh thoát, khiến người nhạc sĩ tuổi lục tuần không thể nào rời mắt. Trái tim ông mừng rỡ nhảy nhót, sau bao nhiêu ngày tháng, ông đã tìm ra "nàng thơ" của mình. Cho dù cuộc tình đó chỉ có thể giúp ông viết lên những ca khúc hay, trả hàng theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất nhưng lại vô cùng có ý nghĩa với tâm hồn ông khi ấy. Một cuộc tình không có kết cục như mong đợi, lại khiến ông nhớ mãi. "Tôi đã hứa với vợ là sẽ không đi bước nữa với người phụ nữ nào khác. Đúng vậy. Sau khi vợ mất thật khó để tôi có thể yêu thêm một người khác. Bất cứ ai thân thiết với tôi cũng hiểu điều đó. Cuộc gặp gỡ với cô gái 20 tuổi ấy đã làm tôi thay đổi định kiến. Có những điều tôi không thể nào diễn đạt được bằng lời, nhưng cô gái ấy đặc biệt, vô cùng đặc biệt, hoàn toàn khác với tất cả những người con gái khác trên đời này. Mọi người đều biết, trước đây tôi là một người rất đa tình, có thể dễ dàng "cặp kè" với các cô gái trẻ đẹp, chân dài và khéo ăn khéo nói. Tưởng chừng như tôi không thể có cảm xúc với người phụ nữ nào khác khi vợ mất đi, nhưng cô gái 20 tuổi kia đã làm thay đổi trái tim vô cảm của tôi", nhạc sĩ chia sẻ. Mãi mãi chỉ là đơn phương
"Giờ ta biết yêu em/ Ta vẫn biết không là lần đầu tiên/ Lòng như vẫn mong một tình yêu vô cùng". Những câu hát trong bài "Lời chim đỗ quyên" khiến khán giả nghe là thấy vui vì tâm hồn người nhạc sĩ già phần nào đã tìm thấy sự bình yên trong cuộc đời nhiều nỗi buồn và sự mất mát.
"Tôi tình cờ gặp cô bé trong một bữa tiệc. Tôi vô cùng ấn tượng khi nhìn vào mắt cô bé. Nó làm tới nhớ đến ánh mắt của vợ tôi, của con gái tôi, của những cô gái tuổi đôi mươi ngây thơ đã làm tôi ngây ngất thời trai trẻ. Tôi quên mất mình là một ông già gần 60 tuổi, ngỡ mình là một chàng trai lần đầu biết yêu", người nhạc sĩ già cười nói, đôi mắt ông ánh lên niềm vui hiếm có.
Có lẽ người ta sẽ nghĩ rằng, một nhạc sĩ trải qua không biết bao nhiêu mối tình, khi gặp thiếu nữ đôi mươi, ắt hẳn xao lòng là điều đương nhiên. Nhưng nhạc sĩ cho biết, cảm xúc của ông khi gặp cô gái ấy sao mà xa lạ, mới mẻ, như thể trái tim lần đầu biết rung động. Nghe thì thật vô lý nhưng có lẽ vì ông đã vùi mình vào sự cô đơn quá lâu rồi.
"Nàng thơ" đã xuất hiện, nhạc sĩ Thanh Tùng liên tục sáng tác những bài hát để đời, nhận được sự ủng hộ lớn của khán giả, các hãng băng đĩa tiếp tục liên hệ cộng tác. Sau những nhạc phẩm ấy, tình yêu của người nhạc sĩ già cứ lớn dần lên. Hoàn toàn khác so với những cuộc tình khác, với người thiếu nữ ấy, nhạc sĩ chưa bao giờ có cảm giác muốn chiếm hữu cho riêng mình.
"Tình yêu nào chẳng có sự ích kỷ của nó. Nhưng với cô bé ấy, tôi không thể giữ lại cho riêng mình. Thật ra tôi chưa bao giờ tỏ tình trực tiếp với cô ấy, tất cả những gì muốn nói tôi đều nhờ các tác phẩm của mình. Vì thế mà không chỉ riêng cô ấy mà ai cũng biết tôi yêu cô ấy đến nhường nào. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Lý do lớn nhất, đó là vì cô ấy còn quá trẻ", nhạc sĩ Thanh Tùng không khỏi xúc động. "Thời trai trẻ hào hoa đã qua từ lâu rồi", ông tự nhắc mình như vậy. Còn cô bé kia thật trẻ trung và tràn đầy sức sống. Khoảng cách tuổi tác khiến nhạc sĩ Thanh Tùng giữ mối tình ấy ở thật sâu trong trái tim.
Giờ đây khi đã xấp xỉ 70 tuổi, bị nhiều căn bệnh hành hạ, nhạc sĩ già vẫn không thể nào quên được mối tình ấy và khẳng định rằng vẫn có thể nhớ lại hình ảnh cô gái ấy để cho ra đời nhiều bài hát hay hơn nữa. Tuy nhiên, ông không thể nào giấu được nỗi cô đơn hiện hữu trong đôi mắt hoen mờ. Không cô đơn sao được khi ông vốn dĩ là một người đàn ông đa tình, nhưng lại phải một mình đối chọi với nỗi mất mát, cô đơn quá sớm.
Ngồi cạnh cửa sổ, hướng mắt nhìn ra con phố nhỏ, ông trầm ngâm: "Hạnh phúc hay cô đơn, đều là quy luật của cuộc đời, không thể tránh được.Trước đây, tôi đã luôn đòi hỏi mọi quyền lợi, mọi sự ưu tiên, nhưng khi đã đi đến gần cuối con đường đời, tôi nhận ra, chính nhờ những cảm xúc mà tôi phải trải qua thì mới có được những bản nhạc hay cho khán giả. Theo tôi đó là sự hy sinh đáng tự hào và tôi đã được đền bù xứng đáng".   
Theo Đường Thảo (Đời sống & Hôn nhân)