Nhạc sĩ Thanh Tùng
Nhắc đến Thanh Tùng, bạn bè nhớ đến một nhạc sĩ với những câu chuyện dí dỏm, hài hước; và ẩn chứa phía sau là nỗi đau.

Thanh Tùng trò chuyện nhân dịp ông trở lại với Con đường âm nhạc số 4 do Đài Truyền hình VN thực hiện.

Cảm xúc của anh khi trở về với âm nhạc lần này?

Cách đây 2 tháng, phòng trà Tiếng Tơ Đồng có mời tôi cộng tác một chương trình, có thể xem đó là lời nhắc nhở "trở lại đi, Thanh Tùng". Sự trở lại của tôi, sau 6 năm "im hơi lặng tiếng", không quá sớm và cũng chưa phải muộn.

Trong đêm nhạc sắp tới, tôi muốn chia sẻ cảm xúc của mình cho những người quan tâm đến âm nhạc của tôi. Còn lúc này, tôi cảm thấy xấu hổ khi đã xa rời khán giả của mình quá lâu.

Anh nói, nếu chương trình của anh được làm muộn hơn thì chắc chắn sẽ hay hơn nhiều. Vậy, anh đã chuẩn bị như thế nào để sự xuất hiện "sớm" này vẫn hấp dẫn?

Âm nhạc của tôi đã được trải nghiệm trong đời sống âm nhạc của TPHCM, một thị trường âm nhạc khó tính nhất. Một chương trình kéo dài hơn 2 giờ với 23 ca khúc, và làm sao để tất cả đều thuyết phục người nghe, không phải dễ. Nhưng, tôi hoàn toàn tự tin.

Tôi sẽ kể em nghe - chương trình Con đường âm nhạc số 4 (do Đài Truyền hình VN tổ chức) về nhạc sĩ Thanh Tùng sẽ diễn ra lúc 20h ngày 14/8/2005 trong sân Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (số 1 Lê Thị Hồng Gấm, Q.1, TP.HCM).

Ngoài 3 giọng ca: Mỹ Hạnh (giọng hát quen thuộc với nhạc sĩ Thanh Tùng từ thời chị còn tham gia Đoàn ca nhạc Hải Đăng - Khánh Hòa), Mỹ Linh (giọng hát VN hay nhất, hiếm có trong vòng 30 năm trở lại đây - theo nhạc sĩ Thanh Tùng), Mỹ Tâm (sự tiếp cận mới với những tác phẩm tình ca trẻ trung của Thanh Tùng), chương trình còn có sự tham gia của các ca sĩ: Hiền Thục, Minh Quân, Đức Tuấn, Nghi Văn, Minh Thư.

Với anh, "phải yêu mới có cảm xúc để viết, dù tình yêu đó bị từ chối, hay đơn phương". 3 sáng tác mới của anh (Lời chim đỗ quyên, Đếm lá ngoài sân, Cơn bão nghiêng đêm) phải chăng cũng ra đời từ tình yêu "mới" đó?

Tình yêu mới, đơn giản là sự phục sinh của một con người, một tâm hồn. Và đây là tâm trạng mới của tôi: "Giờ ta biết yêu em, dẫu vẫn biết không là lần đầu tiên, lòng như vẫn mong một tình yêu cuối cùng", "Từ ngày quen em, tôi thật là vui, tôi vui như thể tôi chẳng là tôi. Từ ngày xa em, tôi thật là buồn, tôi buồn như thể tôi chính là tôi...".

Với Tôi sẽ kể em nghe, tôi muốn gửi một thông điệp đến những người có hoàn cảnh như tôi: dù thành công hay thất bại, dù hạnh phúc hay bất hạnh, thì tình yêu vẫn cần thiết cho con người.

Số phận, cuộc đời anh gắn liền với sự nghiệt ngã, nhưng sáng tác của anh đa phần lại lạc quan. Anh có mượn những ca khúc ấy để tìm sự bình yên ?

Có thể! Nhưng tôi cũng muốn nói thêm rằng, nếu mình là kẻ kém may mắn thì đừng nên đem điều đó áp đặt cho người khác.

Đã có phần "Tôi sẽ kể em nghe", anh có thể tiết lộ một chút gì đó nơi sâu thẳm của "không thể kể"?

Trong âm nhạc, không có gì là không thể kể được!

Anh từng tuyên bố "Trịnh Công Sơn là người viết tình ca hay nhất thế kỷ". Vậy anh có ngại khi đặt bút viết về đề tài tình yêu?

Có chứ! Nhưng tôi muốn tìm trong công viên âm nhạc và tình yêu của Trịnh Công Sơn một chỗ nào đó để có thể trồng một bụi cỏ nhỏ mang tên Thanh Tùng. Một bụi cỏ nhỏ mà thôi...

Trở lại với thị trường âm nhạc, anh có thấy băn khoăn điều gì?

Thị trường âm nhạc hiện nay đang "bán" những món hàng chợ. Nên biết rằng, chất lượng mới là quan trọng và vẫn mãi là tôn chỉ của chúng ta. Đừng bao giờ để mình phải xấu hổ khi nghe lại những tác phẩm của chính mình.