Phá cách ăn Tết xứ người

15.6005

Vài năm nay, cứ mùng 1-2 Tết, khi nhà nhà náo nức đi chúc Tết thì vợ chồng chị Hà cùng các con xách vali lên máy bay, ra nước ngoài du ngoạn.

Năm nay, cả gia đình chị sẽ sang Samui (Thái Lan) du lịch từ mùng 2 tới mùng 6 Tết. 

Chị Thanh Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, trước đây, chị rất sợ Tết vì đó là những ngày mệt nhất trong năm. "Osin nghỉ, một mình lo chăm hai con, lại thêm nấu nướng cho gia đình, đãi khách, đi chúc Tết... khiến mình thấy hụt hơi. Thêm khoản nếu quên đến nhà ai đó thì thể nào cũng bị trách móc, mặc dù hôm trước vừa gặp tại nhà mình", chị Hà kể. 

Vợ chồng chị đều kinh doanh, ngày thường bận rộn với công việc, vợ chồng con cái hầu như chỉ gặp nhau một chút vào buổi tối, mà có lúc cũng không cùng ăn với nhau được. "Đến Tết muốn nghỉ ngơi, dành thời gian cho con, nhưng ai cũng vội vội vàng vàng, nào sắm đồ, đi biếu quà... Bọn trẻ nghỉ học được vài hôm chôn chân ở nhà làm bài tập, xem TV phát chán, bố mẹ bận bịu có khi còn về muộn hơn", chị Hà nói. 

7-8 năm trước, chị bắt đầu đề xuất ý tưởng đi nghỉ để tận hưởng khoảng thời gian thật sự dành cho gia đình vào đầu năm. Điểm đến là một khu nghỉ dưỡng tại Hòa Bình. Chị thấy thích hơn ở nhà vì được giải phóng khỏi khoản nấu nướng, dọn dẹp. Năm thứ hai gia đình đi biển miền Trung, thích hơn một chút vì thoát khỏi cái lạnh cắt da của Hà Nội nhưng chưa "đã" vì quán xá dịp Tết ít ỏi, quá đông, lại chặt chém, trẻ con vẫn chưa dám xuống nước vì chưa đủ ấm. Năm kế tiếp, cả gia đình Nam tiến nhưng vẫn chưa thỏa và lên kế hoạch ra nước ngoài du xuân vào mùa sau.

Các thành viên nhí trong đoàn gia đình nhà chị Hà du xuân tại Thái Lan Tết năm ngoái. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Từ đó tới nay, Thái Lan là địa điểm được gia đình chị lựa chọn, mỗi năm đến một nơi, từ Phuket, Ayuthaya tới Railay... Chị Hà cho biết, Thái Lan không ăn Tết âm lịch như Việt Nam nên khi tới đây, cả gia đình không hề có ý niệm về Tết mà tận hưởng đúng nghĩa một kỳ nghỉ sum họp, cùng hòa lẫn vào dòng người Thái và khách du lịch. 

"Bọn trẻ vô cùng thích thú vì tha hồ được vui chơi, chạy nhảy, lại được ở bên bố mẹ. Mình khoái vì được ăn những món mình thích, tận hưởng khoảng thời gian dành hoàn toàn cho bản thân và chồng con", chị Hà chia sẻ. 

Vì không ăn Tết ở nhà nên chị cũng không sắm sửa gì nhiều, thường chỉ là một cây giò và 1-2 chiếc bánh chưng để thắp hương. "Ăn Tất niên nhà nội, mùng 1 tới chúc Tết nhà ngoại, mùng 2 là xách vali lên đường rồi", chị chia sẻ. 

Mấy năm gần đây, gia đình chị thường rủ thêm vài người bạn cùng đi và ai cũng rất hứng thú. Bố mẹ hai bên đều ủng hộ vì muốn các con được tận hưởng cuộc sống riêng thoải mái. 

Cũng chán cảnh Tết quanh quẩn với điệp khúc nấu - ăn - dọn, gần chục năm nay gia đình chị Ngọc Mỹ (Tây Hồ, Hà Nội) đến Bắc Kinh (Trung Quốc) đón Tết.

Là người thông thạo tiếng Trung, chị tìm hiểu kỹ về văn hóa, khí hậu, điều kiện ăn ở của điểm đến nên gia đình có khoảng thời gian lý tưởng tại đây. "Đi bao lần rồi nhưng mình vẫn mê mỗi lần đến Vạn Lý Trường Thành, Di Hòa Viên, Vương Phủ Tỉnh, khu băng đăng... ", chị nói.

Chị Mỹ kể, người dân Bắc Kinh cũng đón tết Âm lịch giống như người Việt nên khi đến đây vào dịp này, gia đình chị có thể tận hưởng cảm giác mới lạ ở một nơi khác và hòa mình vào không khí đón xuân của người dân bản địa. Dịp này, đường phố được trang hoàng lộng lẫy, các trung tâm mua bán tấp nập, nhưng không quá đông đúc vì cũng như Hà Nội, cuối năm, dân tỉnh lẻ tới thủ đô làm ăn về quê đón Tết. 

Gia đình chị Mỹ đặc biệt ấn tượng với thời khắc giao thừa khi hàng loạt pháo hoa đủ màu sắc được bắn lên, cùng với tiếng pháp nổ giòn giã vang khắp nơi.

"Vẫn là đón Tết nhưng ở một miền đất mới, giữa những người xứ khác, cảm giác của mình rất lạ. Những lúc ấy cũng thấy nhớ quê nhà, nhớ người thân và thấy gia đình nhỏ của mình quý giá, gắn bó hơn  bao giờ hết. Đây là thời điểm cả nhà mình dành hoàn toàn cho nhau, cùng chia sẻ những trải nghiệm đặc biệt", chị Mỹ bộc bạch.

Theo chị, vì Bắc Kinh tháng Tết thường rất lạnh và phải đi bộ nhiều nên những gia đình có con nhỏ cần cân nhắc hoặc có sự chuẩn bị kỹ càng khi lựa chọn đến đây. 

Khi mọi nhà đang tất bật sắm Tết thì chị Liên (Hoàng Cầu, Hà Nội) lại lo chuẩn bị mọi thứ cho hai bé (một 4 tuổi, một 3,5 tháng) để  vài hôm nữa sang Campuchia du xuân cùng cả nhà.

"Con còn bé quá nên đi chơi xa cũng hơi lo, nhưng Tết cứ quanh quẩn nấu - ăn - ngủ thì cũng chán", chị Liên nói. Chị cho biết, gia đình chị từng du lịch nước ngoài nhưng chưa bao giờ đi vào dịp Tết.

Năm ngoái, mẹ đẻ chị được một nhóm bạn rủ sang Thái Lan chơi từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, dù không thực sự thích thú cảnh sắc ở đó nhưng bà cũng rất vui. "Bà nghe mấy người cùng đi kể sang Campuchia dịp đầu năm rất thích nên năm nay lại rủ cả nhà lên đường", chị kể.

Xấp xỉ 60 tuổi, bố mẹ chị Liên đều mê du lịch, giờ lại không vướng bận gì nên muốn đi nhiều nơi trước khi mỏi gối chùn chân không thể đi được. Vì thế, năm ngoái, bà thì theo bạn sang Thái Lan, ông cũng vào Phú Quốc du xuân. Năm nay, hai ông bà rủ thêm nhà thông gia cùng vợ chồng con cái chị Liên sang đón Tết tại nước láng giềng.

"Nghe nói bên đó mùa này khô ráo, ấm áp, lại có nhiều đền, chùa, cảnh đẹp, con người thì hiền lành nên cả nhà rất hào hứng muốn đến 'đổi gió'. Đi trong nước mãi cũng chán, mà sợ lạnh con ốm, mà sang Singapore hay Thái Lan, Malaysia thì đi lúc nào trong năm cũng được", chị Liên bộc bạch.

Chị vừa sắm đủ mâm ngũ quả cúng tất niên. Vé máy bay đã đặt sẵn cho 8 người gồm ông bà nội ngoại hai bên và gia đình chị.

"Bé út còn ti mẹ hoàn toàn nên không phải lo khoản ăn uống của con nhưng cũng hơi hồi hộp khi đón Tết lần đầu ở xứ khác. Dẫu sao với mình, được đón xuân với những người thân yêu nhất, ở một miền đất mới, chắc chắn là một điều tuyệt vời và mang lại nhiều cảm xúc đẹp", chị Liên chia sẻ.

Vương Linh
 
 
Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]