Trẻ em không phải lúc nào cũng biết lắng nghe người khác. Lắng nghe là một kỹ năng bình thường ở một số trẻ, nhưng đa phần bạn sẽ phải dạy điều này cho bé từ từ. Rất nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy rất bực mình khi họ nói một vấn đề đến hàng chục lần nhưng con không bao giờ chú ý và để tâm.
Một số trẻ cho rằng khi chúng không thèm nghe người lớn, chúng sẽ được chú ý hơn. Bạn nên dạy con điều này là sai bởi vì lắng nghe giúp cho con có được sự yêu quý và tôn trọng từ người khác, kể cả là bố mẹ hay người ngoài. Kỹ năng lắng nghe cũng giúp bè học tập hiệu quả hơn khi đến trường và tỉnh táo hơn trước những nguy hiểm thường gặp trong cuộc sống. Về lâu dài, kỹ năng này sẽ giúp bé có được sự yêu quý từ mọi người xung quanh, đặc biệt là bạn bè ở trường lớp. 
 
Để dạy con biết chú ý và lắng nghe, bạn có thể làm một số việc như sau:
Đọc sách cho con nghe
Đọc sách cho con ngay từ khi bé mới biết đi là một cách tuyệt vời để dạy cho bé kỹ năng lắng nghe ngay từ khi còn rất nhỏ. Trong khi đọc, bạn hãy thay đổi ngữ điệu liên tục, truyền cảm xúc, dùng giọng nhấn mạnh những cụm từ quan trọng hoặc các đoạn đối thoại của nhân vật để thu hút sự chú ý của bé. Không nên đọc với một giọng đều đều và nhàm chán như thể bạn đang bị bắt buộc phải đọc sách cho bé. Hãy làm mới tủ sách thường xuyên bằng cách mua thêm sách hoặc cùng bé trao đổi sách với những gia đình có con cùng trang lứa khác. Khi bé nghe một câu chuyện hoàn toàn mới, bé sẽ phải tập trung hơn để biết điều gì sắp xảy ra trong truyện.
Cúi xuống thấp khi nói chuyện với bé 
Cúi xuống thấp khi nói chuyện với bé
Nếu bạn thường xuyên gọi bé từ khoảng cách xa, hét to, lớn tiếng để bé biết bạn đang cần gì thì đây là điều hoàn toàn không nên. Thay vào đó, hãy đền gần bên con, ngồi thấp xuống sao cho gương mặt bạn ngang với mặt bé để bạn có thể nhìn thẳng vào mắt và thu hút sự chú ý của con. Khi đó, bé sẽ dễ dàng lắng nghe bạn hơn và cảm thấy được tôn trọng. Tương tự, khi chúc bé ngủ ngon, hãy cúi xuống sát giường bé thay vì đứng ở một khoảng cách xa và nói vọng vào.
Ăn cùng gia đình
Thời đại bận rộn cộng với lịch trình ăn uống thất thường của mỗi thành viên trong gia đình khiến cho việc quây quần dùng bữa cùng nhau trở nên ngày càng xa xỉ. Bữa ăn gia đình là thời điểm hoàn hảo để mọi người có thể trò chuyện với nhau. Điều này cũng rất quan trọng trong việc phát triển kỹ năng lắng nghe của bé. Nếu gia đình bạn không thể cùng ăn với nhau mỗi ngày, hãy cố gắng sắp xếp một ngày cuối tuần để có bữa ăn với đông đủ thành viên nhất. Trong bữa ăn, hãy tranh thủ dạy con về các món ăn, hỏi han con về những hoạt động diễn ra trong ngày và kể câu chuyện của chính bạn cho bé nghe. Việc tương tác như vậy rất có ích trong chuyện phát triển kỹ năng nghe nói và cảm xúc của bé.
Luôn nói rõ ràng, mạch lạc
Nếu thông điệp bạn truyền đến bé thể hiện sự rõ ràng, dễ hiểu, bé sẽ dễ tiếp nhận hơn rất nhiều. Bạn không cần phải to tiếng khiến bé hoảng sợ, nhưng mỗi câu nói phải thể hiện sự nghiêm nghị và rành mạch. Khi bắt bé làm điều gì đó, hãy đi kèm với sự giải thích. Ví dụ thay vì nói "Con mặc áo khoác vào", hãy nói "Trời đang rất lạnh, sẽ làm con bị ốm và mệt, vì vậy hãy mặc áo khoác vào".
Củng cố thông điệp của bạn bằng hành động
Điều này giúp bé nhận thức tốt hơn những gì bạn nói, đặc biệt nếu bé đang mải mê với một hoạt động hấp dẫn. Ví dụ, khi bắt con đi ngủ nhưng bé đang mải chơi hoặc xem TV, bên cạnh câu nói "Đến giờ đi ngủ rồi con", bạn có thể thêm các hành động như giảm độ sáng của đen, đặt tay lên vai bé trong khi nhắc nhở, hoặc chỉ về phía giường của con. Hành động đi kèm với lời nói sẽ giúp bé chú ý hơn rất nhiều.
Đưa ra lời nhắc nhở dễ hiểu 
Đưa ra lời nhắc nhở dễ hiểu
Thông báo trước cho trẻ khi một sự thay đổi lớn sắp xảy ra, đặc biệt là nếu bé đang mải vui chơi với bạn bè. Bạn không nên nói "Còn 5 phút nữa chúng ta phải về" vì thông thường các bé chưa có khái niệm về mặt thời gian. Thay vào đó, hãy nói "Khi nào con mặc xong áo cho búp bê, chúng ta sẽ đứng dậy và đi về". 
Hướng dẫn thực tế
Nếu bạn nói với bé hai tuổi rằng hãy dọn dẹp đồ chơi, bé có thể cảm thấy lúng túng và không thực hiện. Thay vào đó hãy chia việc dọn đồ chơi thành những hành động cụ thể hơn, ví dụ "Con hãy lấy những khối màu vàng để vào rổ". Khi bé hoàn thành công việc này, hãy tiếp tục cho bé thấy việc dọn dẹp cũng giống như một trò chơi "Tốt lắm, bây giờ con hãy lấy búp bê và đặt lên kệ".
Làm gương tốt
Trẻ sẽ biết lắng nghe nếu bé thấy bạn cũng là một người biết lắng nghe. Hãy lắng nghe con một cách tôn trọng như người lớn. Nhìn con trong khi bé trò chuyện với bạn, trả lời con rành mạch và lịch sự, cố gắng không quay lưng về phía con khi trò truyện.
Theo phunuvagiadinh.com.vn