Sữa siêu sạch có khả thi?

Kế hoạch sản xuất sữa siêu sạch của Công ty Mộc Châu có thể mang đến một sản phẩm chất lượng nữa cho người tiêu dùng, nhưng việc thực hiện không dễ.

15.5706

Sữa siêu sạch có tên gọi chính xác là sữa hữu cơ (organic milk), thuộc nhóm thực phẩm hữu cơ và hiện được ưa chuộng tại hơn 120 quốc gia trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thực phẩm hữu cơ phải được hình thành từ hệ thống canh tác và chăn nuôi tự nhiên, không dùng bất kỳ hóa chất, kháng sinh nào để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, Công ty Giống bò sữa Mộc Châu cho biết sẽ tăng cường đầu tư sản xuất sữa siêu sạch. Để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh, Công ty phải tuân thủ quy trình tiêu chuẩn của các tổ chức chứng nhận chất lượng thực phẩm hữu cơ uy tín trong thời gian từ 3-5 năm.

Việc xuất hiện thêm sản phẩm chất lượng cao có làm tăng giá trị cho thị trường sữa tươi Việt Nam, đồng thời có cạnh tranh được với các loại sữa tươi đang phổ biến khác?

Từ thanh trùng đến siêu sạch

Sữa tiệt trùng và sữa thanh trùng là 2 loại sữa tươi đã rất quen thuộc đối với người tiêu dùng Việt Nam. Công nghệ tiệt trùng cho phép bảo quản sữa ở nhiệt độ bình thường trong thời gian khoảng 6 tháng. Còn sữa qua công nghệ thanh trùng chỉ sử dụng trong 7 ngày (chưa mở bao bì), bảo quản trong điều kiện từ 5-70C, nhưng lại giữ được nguyên chất dinh dưỡng và hương vị của sữa bò tươi.

Vinamilk, Izzi, Vixumilk, Lothamilk là các nhãn hiệu sữa tươi Việt Nam được sử dụng rộng rãi hiện nay với nhiều loại hương vị và dung tích. Đặc biệt, doanh thu năm 2009 của Vinamilk tăng chủ yếu nhờ nhóm sữa tươi và sữa chua với hơn 10.000 tỉ đồng, tăng 29% so với năm 2008 (theo Báo cáo Thường niên của Công ty). Công ty đặt mục tiêu sau 3-5 năm nữa sẽ chiếm hơn 50% thị phần sữa thanh trùng tại Việt Nam.

Mặt khác, nếu kế hoạch của Mộc Châu diễn ra đúng dự định thì người tiêu dùng Việt Nam sắp được tiếp cận thêm một loại sữa chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Thuận lợi lớn của Mộc Châu là môi trường sinh thái lý tưởng chốn cao nguyên Sơn La. Hiện nông trường ở Mộc Châu của Công ty có khoảng 500 hộ chăn nuôi với gần 7.000 con bò sữa. Trong đó, hơn 90% hộ dùng máy vắt sữa, 100% hộ đầu tư các máy tưới cỏ, cắt cỏ và tắm cỏ.

Ông Trần Công Chiến, Tổng Giám đốc Mộc Châu, cho biết việc sản xuất sản phẩm 100% sữa tươi nguyên chất đạt chuẩn hữu cơ nằm trong chiến lược phát triển trung và dài hạn về sản phẩm cao cấp của Công ty. Mục tiêu của Mộc Châu là tất cả sản phẩm sữa đều được các tổ chức kiểm định chất lượng uy tín của châu Âu chứng nhận hữu cơ.

Việc cho vận hành Trung tâm Bò giống và Chuyển giao Kỹ thuật trong tháng 12, với tổng vốn đầu tư 40 tỉ đồng và gần 300 con bò sinh sản, cũng là một phần trong mục tiêu trên của Công ty. Trung tâm sẽ cung cấp giống bò sữa chất lượng cho toàn vùng Mộc Châu; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ cho nông dân.

 

Thị trường có đón nhận?

Theo Hiệp hội Thương mại Hữu cơ (Organic Trade Association - OTA), người tiêu dùng đang đào thải dần những thực phẩm có chứa nhiều chất bảo quản. Do đó, thực phẩm hữu cơ, bao gồm cả sữa siêu sạch, chắc chắn là xu hướng tiêu dùng mới mà các nhà sản xuất Việt Nam nên phát triển.

Ngoài ra, Công ty Nghiên cứu Thị trường Euromonitor International (Anh) dự báo nhu cầu tiêu thụ sữa của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, khi thu nhập đầu người giai đoạn 2008-2012 tăng 125% (đạt 1.854 USD/người/năm).

Đại diện Hiệp hội Thương mại Hữu cơ, ông Holly Givens cho biết, khi một sản phẩm sữa được chứng nhận là thực phẩm hữu cơ (organic food), nó sẽ có giá cao hơn gấp 3 lần so với sản phẩm sữa thông thường, do quy trình sản xuất nghiêm ngặt, cần đầu tư nhiều vốn và nhân lực. Hơn nữa, đàn bò nuôi phải được tuyển chọn kỹ và nuôi dưỡng hoàn toàn tự nhiên (ăn cỏ sạch, không dùng thuốc kháng sinh...). Và một khi đã làm cho khách hàng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm thì giá cao không là trở ngại lớn.

Vấn đề các công ty sữa Việt Nam sẽ phải đối mặt là tuân thủ hoàn toàn tiêu chuẩn của thế giới, luôn bảo đảm và chủ động nguồn nguyên liệu. Ông Holly Givens cho rằng ở Việt Nam, sự liên kết trong các khâu từ mua nguyên liệu, bảo quản, chế biến đến phân phối còn rời rạc, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ chiếm 28%, còn lại là được nhập khẩu.

Đặc biệt, tương tự như sữa thanh trùng, sản phẩm này sẽ dễ bị hỏng nếu không bảo quản đúng cách, gây bị động cho doanh nghiệp trong sản xuất và phân phối sản phẩm.

Trường hợp Công ty Sữa Quốc tế là một ví dụ. Ông Nguyễn Minh Thực, Phòng Chất lượng Sản phẩm Công ty, cho biết tham gia vào mảng sữa thanh trùng với nhãn hiệu Ba Vì nhưng Công ty đã lỗ 3,5 tỉ đồng sau một thời gian ngắn và chỉ sản xuất được 1 mẻ/ngày (1.000-1.200 lít sữa). Hiện nay, dù đã đầu tư đồng bộ tủ lạnh bảo quản hàng cho hệ thống đại lý chủ yếu ở miền Bắc, chọn những con bò tốt, ăn cỏ tự nhiên để đảm bảo sữa tươi ngon, Công ty vẫn gặp khó khăn bởi điều kiện bảo quản đặc trưng của sữa thanh trùng chưa được nhiều người tiêu dùng chấp nhận.

Đó cũng là lý do vì sao hiện nay sữa tiệt trùng được bán chạy hơn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]