Theo Mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán động vật hoang dã (TRAFFIC) và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), sừng tê giác không hề có công dụng như thần dược mà mọi người lầm tưởng. Mà theo những nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc thì sừng tê giác chỉ có tác dụng hạ sốt.
Thông tin trên được công bố tại buổi họp báo về chiến dịch tuyên truyền nhằm giảm nhu cầu sử dụng cũng như tố giác việc buôn bán sừng tê giác được TRAFFIC, WWF và Tổ chức Dịch vụ Dân số Quốc tế (PSI) phối hợp tổ chức phát động tại Hà Nội vào ngày 22.9.
Chiến dịch tuyên truyền sẽ được triển khai để tiếp cận tối đa các đối tượng là đàn ông thành thị trong độ tuổi 35-50 tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM từ tháng 10 tới. Chiến dịch sử dụng các kênh truyền thông đa phương tiện gồm: bảng quảng cáo ngoài trời, áp phích trong cửa hàng, biển báo ký thuật số, các đội truyền thông trực tiếp, tin nhắn...
Chiến dịch truyền thông này nhằm tuyên truyền để thay đổi nhận thức sai lầm về công dụng của sừng tê giác, coi nó như một thứ thần dược có thể chữa bách bệnh. Thực chất, sản phẩm này chỉ có tác dụng hạ sốt, trong khi nhiều loại thuốc rẻ tiền được bán ở các hiệu thuốc lại có công dụng này. Ngoài ra, phải kể đến rất nhiều sản phẩm sừng tê giác bày bán trên thị trường là đồ giả...
Sừng tê giác buôn lậu được tịch thu tại hải quan - Ảnh: Kienthuc.net
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) từng nói trong một buổi tọa đàm hồi tháng 9 năm ngoái rằng: Việt Nam đang là điểm trung chuyển những mẫu loài động vật hoang dã trái phép như sừng tê giác, ngà voi lớn nhất thế giới.
Từ năm 2004, vận chuyển trái phép mẫu vật hoang dã về Việt Nam với số lượng gần 150 kg sừng tê giác và trên 25 tấn ngà voi bị bắt giữ. 
Nếu so với các nước khác thì số người Việt Nam bị bắt giữ vì liên quan đến săn bắn, vận chuyển sừng tê giác, ngà voi ở Nam Phi cũng thuộc diện lớn nhất. Thậm chí, có thời kỳ cao điểm đã có khoảng 30 người Việt Nam bị bắt và phạt tù vì săn bắn, buôn bán sừng tê giác, ngà voi ở Nam Phi.
Mỗi năm có khoảng 400-500 con tê giác ở Nam Phi được săn bắn trái phép và phần nhiều trong số đó được trung chuyển qua Việt Nam. 
Lý do dẫn đến tình trạng trên là do là pháp luật của Việt Nam còn lỏng lẻo, chỉ phạt hành chính rồi thả ra nên không có tính răn đe. Khó khăn hiện nay của pháp luật Việt Nam là vẫn chưa phân rõ ràng thế nào về xử phạt hành chính hay hình sự đối tội phạm vận chuyển sừng tê giác, ngà voi…
Vào thời điểm tháng 9.2013, mức giá trên thị trường thế giới là 25.000 USD/kg sừng tê giác, 4.000 USD/kg ngà voi. Còn trên thị trường TP.HCM thì vào khoảng 130 triệu đồng/100 gram. Mức giá cao là do tâm lý người dân cho rằng sừng tê giác có thể chữa được bệnh hiểm nghèo như ung thư, rối loạn cương dương.
Cũng tại buổi tọa đàm đó, GS. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam đã trích dẫn những bằng chứng khoa khọc chỉ ra rằng: "Sừng tê giác không có tác dụng cương dương mà nó có tác dụng ngược lại là liệt dương nếu uống nhiều. Bên cạnh đó, sừng tê giác có thể bị nhiễm độc nên có thể gây ra nhiễm độc gan. Tôi cũng xin khẳng định một lần nữa sừng tê giác không có khả năng chữa được bệnh ung thư như người dân đồn đại”.
A.T tổng hợp từ TBKTSG Online