Ngày xưa các cụ đói cơm ăn, thiếu áo mặc lại chẳng bao giờ cảm thấy stress, ấy thế mà chúng ta, những con người đầy sinh lực và mạnh mẽ, được làm việc trong các văn phòng máy lạnh, những cao ốc đẹp ngời ngời thì lại luôn cảm thấy thật nhức nhối và ngột ngạt. Logic chỉ ra rằng khi cuộc sống nâng cao thì nhu cầu của chúng ta chuyển đến một cấp độ cao hơn là đơn thuần chỉ cơm ăn, áo mặc.

Và áp lực công việc, cơm áo gạo tiền, các mối quan… hệ đè nặng lên vai chúng ta. Vậy làm sao để giải tỏa căng thẳng để có sức sáng tạo trong công việc cũng như tận hưởng cuộc sống còn nhiều màu sắc thú vị này? Có nhiều cách thức để stress bay ngay tức khắc, nhưng nhiều người đang đi vào những cách thức tiêu cực như ăn thả ga, chơi thả giàn, say men rượu bia để tìm quên, chơi điện tử hay sống ảo trên các trang mạng xã hội… Những cách này có thể giúp bạn tạm quên vấn đề mình đang phải đối mặt nhưng nó không giúp bạn giải quyết nó mà ngày càng bào mòn sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Điều này hết sức nguy hại!

Stress có phải là căn bệnh xã hội, làm sao để khôi phục niềm vui, đi cùng với nó là làm mới sức sáng tạo? Không cần những khóa trị liệu phức tạp và hàng đống thuốc viên phải nuốt vào mỗi ngày, chỉ cần khi bạn cảm thấy: “Không ổn rồi, mình cảm thấy mệt mỏi rồi!”… thì tìm ngay tới những cách thức đơn giản và thú vị sau: Đi du lịch, vận động bằng môn thể thao yêu thích, nấu ăn… Và trong đó tám chuyện cũng là một cách đơn giản và cực kỳ hiệu quả.

"Hãy thả lỏng bản thân". Những ý tưởng tốt nhất thường đến khi chúng ta ở một nơi xa rời... stress: trong phòng tắm, dưới bếp ăn, trên giường ngủ, trong kỳ nghỉ... Những sáng tạo bất chợt đến khi ta thư thái và không bị gò bó bởi các nguyên tắc điều lệ.

Tám chuyện vui, chớ tám chuyện buồn

Tám chuyện thực chất là một liệu pháp tâm lý để giải tỏa stress. Khi bạn tập trung vào câu chuyện, ý nghĩ của bạn bị phân tán, thoát khỏi những vấn đề đang làm bạn đau đầu. Nói chuyện khiến bạn linh hoạt suy nghĩ, nói nhiều cười nhiều khiến cơ mặt vận động nhiều, tự nhiên bạn thấy thoải mái và thư giãn hơn. Được chia sẻ và giao tiếp bạn sẽ không còn cảm giác cô đơn, điều này hạn chế được những tác động tiêu cực như trầm cảm và muốn tự tử.
Khi bạn có chuyện buồn, bạn hoàn toàn nên chia sẻ với ai đó, điều đó có thể giúp bạn có được những lời khuyên hay những lời động viên khiến bạn vững vàng vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, người ngoài thường có cái nhìn sáng suốt hơn so với bạn. Tuy nhiên các nhà khoa học cũng cho biết, chia sẻ cũng có giới hạn, đừng lạm dụng nói chuyện để chăm chăm than thở, bạn sẽ chỉ làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn mà thôi.
 "Tám" chuyện cũng là một cách giải tỏa stress hiệu quả

Bởi nói chuyện với người khác cũng là một cách ám thị mạnh mẽ. Khi bạn và đối tác chỉ chăm chăm vào vấn đề đang làm bạn mệt mỏi, nó có thể biến thành một nỗi ám ảnh hằn sâu vào tâm trí, khiến cho chúng ta trở nên bế tắc, và mất phương hướng, càng không thể tìm được ý tưởng giải quyết. Nguy hiểm hơn, các cảm xúc tiêu cực đó sẽ còn "lây nhiễm" cho người khác.

Bởi vậy thay vì chỉ nói tới vấn đề còn khúc mắc, sự mệt mỏi hay buồn chán, hãy thoải mái làm quen một người bạn mới, hay gọi cho một người bạn thân, tám những chuyện trên trời dưới đất, thỏa sức huyên thuyên hoặc bàn về một câu chuyện khiến bạn cười nắc nẻ, món ăn, quyển sách nào đó mà bạn thích… Hãy yên tâm, cảm giác “stress” nặng nề trên vai bạn đã bay biến tự lúc nào.

Hải Vân