Tập trung về một đầu mối để nâng cao hiệu quả

GiadinhNet - Cà Mau là địa phương có sáng kiến nhân rộng mô hình lồng ghép công tác quản lý DS-KHHGĐ với việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

15.6341

Thực tế đã khẳng định tính hiệu quả của mô hình này. PV Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với BS Huỳnh Quốc Việt - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau.

Xuất phát từ đâu Cà Mau có ý tưởng nhân rộng mô hình này, thưa ông?
 

BS Huỳnh Quốc Việt.

- Ý tưởng xây dựng mô hình lồng ghép giữa dân số với sức khoẻ sinh sản ở tuyến huyện xuất phát từ những năm tôi công tác ở ngành y tế. Lúc đó, tôi phụ trách công tác thông tin-giáo dục- truyền thông, được Sở Y tế giao cho phụ trách thường trực Uỷ ban Phòng chống HIV/AIDS, thường trực Ban chỉ đạo y tế cơ sở. Tôi thấy để giải quyết tốt bài toán dân số thì tốt nhất là phải thực hiện mô hình lồng ghép, "nói đi đôi với làm".

Chúng tôi thực hiện lồng ghép hai mô hình công tác dân số và công tác chăm sóc SKSS thành một Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện gồm có 3 bộ phận rõ ràng: Một bộ phận làm công tác truyền thông, một bộ phận làm công tác quản lí hành chính và một bộ phận làm công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

Việc đưa bộ phận DS-KHHGĐ về ngành y tế cũng đồng nghĩa với chuyện đưa những bộ phận thuộc lĩnh vực y tế trong dân số về y tế. Trước đây, cùng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành y tế nhưng lại có sự phân biệt giữa dân số, y tế, sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ khiến cho tuyến cơ sở phát sinh quá nhiều vấn đề phức tạp, chồng chéo. Việc kết hợp hai mảng này lại với nhau sẽ tạo ra hiệu quả cao hơn. Công vệc tập trung về một đầu mối sẽ dễ dàng quản lý, đi vào nề nếp.

Mô hình lồng ghép này có phải là "một mũi tên nhằm vào hai mục tiêu" chiến lược y tế  - dân số?

- Khi đưa dân số về y tế có nghĩa là chúng ta đã ghép dân số trở lại với y tế rồi. Giai đoạn trước, khi thực hiện chiến lược về dân số, chúng ta mới chú trọng vào việc vận động giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; Hay nói cách khác là nặng về quy mô dân số, nặng về công tác vận động.
 
Còn bây giờ, khi tập trung vào việc nâng cao chất lượng dân số thì có nghĩa đòi hỏi làm sao để người dân sinh ra được những em bé khỏe mạnh, góp phần cải thiện chất lượng giống nòi-Vấn đề này không phải chỉ vận động là đủ mà đòi hỏi phải có sự  đóng góp, can thiệp của y tế. Đây là giai đoạn dân số và y tế trở thành một. Những người làm y tế cũng như dân số đều cần phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn.
 

Tiêm vaccine miễn phí cho trẻ em tại Trung tâm y tế huyện Cái Nước - Cà Mau. Ảnh: Kim Há

Cà Mau có "bí quyết" gì để giữ chân và khuyến khích đội ngũ cán bộ, CTV DS cơ sở, thưa ông?

- Ở Cà Mau, công tác DS luôn nhận được sự quan tâm sâu sát.  Điều đó thể hiện bằng những nghị quyết, bằng những công văn chỉ đạo rõ ràng và chính xác, bằng những đợt kiểm tra giám sát đánh giá định kỳ hàng năm của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đối với công tác DS- KHHGĐ cũng như với lĩnh vực y tế, giáo dục. Sự quan tâm còn thể hiện qua việc đầu tư kinh phí cho Chương trình là mục tiêu DS-KHHGĐ.

Mặc dù Cà Mau là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều năm qua HĐND và UBND tỉnh đã xuất kinh phí địa phương hỗ trợ, khuyến khích cho những người tự nguyện thực hiện KHHGĐ. Ví dụ như Trung ương hỗ trợ 100-200 ngàn đồng/ca đình sản thì địa phương hỗ trợ số tiền tương ứng để nâng mức hỗ trợ đình sản cho những đối tượng đó. Ngoài ra tuyến huyện và tuyến xã còn hỗ trợ thêm kinh phí. Như vậy, tối thiểu một ca đình sản ở Cà Mau mức tiền hỗ trợ cao gấp hai, gấp ba lần so với định mức của Trung ương.
 
Ngoài ra, với vai trò tham ưu tích cực của Uỷ ban DS,GĐ&TE (trước đây) và của Sở Y tế, UBND tỉnh cũng nâng mức trợ cấp cho hoạt động hàng tháng cộng tác viên từ 20 ngàn đồng nâng lên 100 ngàn đồng/tháng. Kể cả định mức của Trung ương thì mỗi cộng tác viên được hưởng số tiền 150 ngàn đồng/tháng. Cộng tác viên DS cấp huyện và  xã còn được hỗ trợ thêm kinh phí, xăng dầu, phương tiện xuồng máy để phục vụ công tác truyền thông.

Vận động truyền thông, tư vấn nhằm chuyển đổi nhận thức, hành vi của người dân có vai trò rất quan trọng. Chúng ta không thể "ép" họ thực hiện chính sách DS-KHHGĐ mà chính họ phải tự giác hợp tác- đó mới là điều thuận tiện nhất. Kinh nghiệm thực tế là tích cực vận động, lấy những mô hình sống trong cộng đồng thực hiện tốt KHHGĐ làm điểm để nhân rộng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Kim Há (thực hiện)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]