Thay đổi cách nhìn với con trẻ

Giadinh.net - Trung tâm Thanh Thiếu niên miền Nam chuẩn bị khai giảng lớp học “Kỹ năng làm cha mẹ” vào ngày 23/3 tại 214 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh.

15.6089

Bà Trần Thị Kim Liên

Phóng viên báo GĐ&XH đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Kim Liên, Phó Giám đốc thường trực đơn vị này về mục tiêu và nội dung hướng tới của lớp học đặc biệt này.
 
Ý tưởng của lớp học “Kỹ năng làm cha mẹ” bắt nguồn từ đâu, thưa bà?

- Sau khi lớp học “Cai nghiện game online” kết thúc, nhiều bậc phụ huynh băn khoăn không biết sẽ dạy bảo con như thế nào để trẻ nghe lời. Họ lo lắng sau khi con trở về nhà sẽ tái nghiện vì không biết cách hòa nhập với con, không hiểu được tâm lý của con. Họ đề xuất với trung tâm nên có những lớp dành cho bậc làm cha mẹ.

Làm cha làm mẹ là một trong những thiên chức quan trọng của con người, tuy nhiên dạy trẻ như thế nào, làm sao định hình nhân cách trẻ... thì cha mẹ chưa hẳn đã được trang bị đầy đủ. Chính vì thế, mục tiêu của lớp học sẽ  trang bị một số kiến thức và kỹ năng cơ bản trong việc giáo dục và giao tiếp với con, đáp ứng nhu cầu của rất nhiều các bậc phụ huynh hiện nay.

Đối tượng học viên của lớp học là những người đã làm cha mẹ hay dành cho cả những người sắp kết hôn?

- Đối tượng chúng tôi muốn hướng đến là những gia đình có con còn nhỏ và các cặp đôi chuẩn bị kết hôn. Trên thế giới đã có rất nhiều lớp học kiểu như thế này, riêng ở Việt Nam thì khá hiếm.

Sở dĩ lớp học hướng tới cả với các học viên chưa có con là vì chúng tôi thấy rằng, kiến thức làm cha mẹ cần phải được trang bị sớm. Vợ chồng trẻ cần biết các kỹ năng nuôi con từ trong bụng mẹ ra sao, chăm con như thế nào, rồi các giai đoạn phát triển tâm sinh lý của một đứa trẻ từ khi lọt lòng đến khi trưởng thành. Nếu không nắm vững các kỹ năng cơ bản làm cha mẹ, khi lập gia đình, mang thai, sinh con, họ luôn cảm thấy bỡ ngỡ về vai trò và trách nhiệm của mình.   
 

Nội dung của những bài học về kỹ năng làm cha mẹ sẽ chú trọng những vấn đề chính nào, thưa bà?

-  Chúng tôi đã mời Tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng, người trước đây cộng tác và tư vấn rất hiệu quả trong lớp cai nghiện game online làm giảng viên của lớp học. Trước khi hình thành giáo án, ngày 25/2 chúng tôi đã tổ chức một buổi tọa đàm “Kỹ năng làm cha mẹ: Có làm thay đổi định mệnh của họ và con họ?”, để tìm hiểu những vướng mắc trong vai trò làm cha mẹ để xây dựng nội dung cho lớp học.

Nội dung đào tạo lần này tập trung vào những yếu tố rất cơ bản trong việc giáo dục con như hình thành nhân cách trẻ, xây dựng nhân cách lành mạnh và cần làm gì với những đứa trẻ chưa ngoan. Trong từng buổi học, giáo án có thể thay đổi theo nhu cầu của các bậc phụ huynh.

Chỉ với thời gian 4 buổi, lớp học liệu có đạt được tiêu chí “thay đổi được định mệnh của trẻ và các bậc cha mẹ” như đã đề ra hay không? 

- Ngoài việc Tiến sỹ tâm lý Trần Thị Giồng là người có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực này, lớp học sẽ tiến hành thăm dò đối tượng, linh động thay đổi giáo án, lồng ghép những bài học dành cho cả ba đối tượng là cha mẹ có con chưa ngoan, cha mẹ có con ngoan và những cặp đôi chuẩn bị kết hôn.

Tại buổi tọa đàm hôm 25/2 vừa qua, một vị phụ huynh chia sẻ: Bà có đứa cháu là học  sinh THPT học rất giỏi. Tuy nhiên, cháu bị nghiện game online nên chơi game thâu đêm suốt sáng, dẫn đến bị chứng rối loạn thần kinh. Mẹ cháu hoảng quá đưa cháu đi bệnh viện tâm thần điều trị. Cháu rất buồn và luôn miệng bảo cháu không bị tâm thần. Nghe xong câu chuyện của vị phụ huynh nọ, TS Giồng rất ngạc nhiên và cho rằng mẹ cháu đã sai, việc đưa cháu đến bệnh viện tâm thần vội vã của bà mẹ vô tình “hằn sâu” vết thương cảm xúc của trẻ, có thể phá hỏng cuộc đời của trẻ. Người mẹ sau đó đã làm theo sự tư vấn của chuyên gia và việc cai nghiện game cho con rất hiệu quả.

Với sự thành công của các khóa học “Cai nghiện game online”, “Học kỳ quân sự”, chúng tôi tin tưởng rằng lớp học “Kỹ năng làm cha mẹ” sẽ có ích cho các học viên.

Lớp đề cập nhiều đến lý thuyết, vậy phần “thực hành” làm cha mẹ liệu có được quan tâm không, thưa bà?

- Chúng tôi sẽ lồng ghép các buổi đối thoại giữa cha mẹ và con xen kẽ trong các buổi học. Các lớp học trước đây cũng đã tổ chức những buổi đối thoại như vậy và hầu như trẻ đều thẳng thắn phát biểu suy nghĩ của mình. Đây là cách để các học viên cha mẹ nhìn ra những vấn đề gì còn khiếm khuyết, biết được con mình đang nghĩ gì, làm gì. Cha mẹ phải hiểu được thế giới cảm xúc của con mình thì mới có cách giáo dục và đối thoại hiệu quả.

Với học phí là 1 triệu đồng/1 học viên, lớp học sẽ diễn ra trong 4 buổi,  từ 17h30 đến 20h các ngày 23, 25, 28 và 29/3.

- Xin cảm ơn bà!

Huyền Trang (thực hiện)
  • 0

Tin cùng mục

GỬI Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Xem thêm
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]