Thức ăn nhanh McDonald’s có sức hấp dẫn của một thương hiệu toàn cầu, khi cái tên đã lừng lẫy, nó có sức quyến rũ hơn chính chất lượng sản phẩm. Đó là cái giỏi, cái tài của người Mỹ trong việc xây dựng một thương hiệu. Qua bao năm tồn tại, nó không đơn giản là một cái tên, mà là một biểu tượng, một “đế chế”.

Vào thời điểm này năm trước, thương hiệu càphê Starbucks đặt chân đến Việt Nam và tất nhiên, bước chân của "người khổng lồ" luôn gây tiếng vang. Dân Sài Gòn cũng xếp hàng rồng rắn để mua cho được một suất Starbucks.

Không ghen tị nổi với McDonald’s hay Starbucks, bởi vì họ không chỉ giành giật thị phần của Việt Nam mà chinh phục cả thị trường toàn cầu. Có điều, doanh nghiệp Việt Nam thử xem lại mình có gì để chinh phục, dù chỉ một phần nho nhỏ so với họ?

Còn nhớ khi Starbucks đặt chân vào Việt Nam, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - chủ thương hiệu Trung Nguyên - đầy tự tin cho rằng, Starbucks là “người khổng lồ không có bản sắc”. Với một doanh nhân tỏ ra nhiều suy tư về “bản sắc” như ông Vũ, mà càphê Trung Nguyên vẫn chưa tranh nổi một mảnh nhỏ thị trường trên đất Mỹ, để cho dân Mỹ biết rằng: Càphê Trung Nguyên không phải là loại “có mùi càphê pha với đường”!

Kẹo dừa Bến Tre đi đến được nơi đâu khỏi xứ sở “ai đứng như bóng dừa”?

Các doanh nghiệp Việt Nam nếu nỗ lực sáng tạo được một thương hiệu thức ăn hay nước uống có thể chinh phục được cái lưỡi của một phần trong số 90 triệu người Việt Nam thì cũng đủ giàu to, khỏi cần cạnh tranh bên ngoài biên giới!

Thực khách Việt đang bị các tên như tuổi KFC, International Dairy Queen Inc; Domino’s Pizza Inc; Dunkin’ Donuts and Baskin Robbins của Dunkin’ Brands Goup Inc; Subway Restaurants; Starbucks; Lotteria… chinh phục. Các tên tuổi này đang lấy tiền trong túi của người tiêu dùng Việt Nam, cho dù các nhà khoa học gắng sức cảnh báo thức ăn nhanh có nguy cơ gây béo phì và các bệnh nguy hiểm khác. Mới nhất là gã không lồ McDonald’s và ấn tượng là hàng ngàn người xếp hàng chờ hàng giờ để được mua một suất ăn nhanh.

Chúng ta cũng có một tên tuổi “thức ăn chậm” trứ danh bắt thực khách phải xếp hàng, đó là phở Bát Đàn. Nhưng thực khách xếp hàng mua phở trông giống cảnh mua thực phẩm theo tem phiếu thời bao cấp và tiếng vang của món "thức ăn chậm" này không vượt qua được nổi một địa phương! Không phải thiếu món ngon vật lạ, mà thiếu một cái đầu kinh doanh, một trí tuệ xây dựng hình ảnh, thương hiệu. Cái thiếu này không chỉ đối với chuyện ăn uống, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.

Theo Lao Động