ảnh minh họa
Ông Lê Trung Chinh cho biết:
- Năm học 2015-2016, toàn ngành có 354 trường mầm non, phổ thông, tăng 9 trường so với năm học trước. Đến nay, ngành GD&ĐT thành phố đã cơ bản chuẩn bị đủ số phòng học cần thiết phục vụ năm học 2015-2016 cho tất cả cấp học, ngành học, bậc học trên địa bàn thành phố.
Tổng số công trình trường, lớp học được bố trí nguồn vốn triển khai thi công xây dựng trong năm 2014-2015 là 90 công trình, trong đó 62 công trình hoàn thành đáp ứng yêu cầu học tập năm học 2015-2016; 1 công trình (Trường Ngô Sỹ Liên cơ sở 2, nay là Trường Võ Thị Sáu) khởi công xây dựng trong tháng 8-2015, dự kiến hoàn thành tháng 11-2015; 27 công trình xây dựng nhằm phục vụ cho nhu cầu các năm học sắp đến, trong đó 15 công trình đang triển khai hoàn chỉnh thủ tục xây dựng cơ bản để khởi công xây dựng; 12 công trình đang thi công xây dựng (chủ yếu phục vụ cho các năm học sắp đến).
* Năm học này là năm thứ hai thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT về đổi mới công tác thi cũng như dạy và học ở trường phổ thông. Việc tuyển sinh ĐH, CĐ tiếp tục dựa vào xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Vậy ngành GD&ĐT sẽ có những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả chủ trương trên?
- Thời gian qua, ngành GD&ĐT thành phố đã thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Một trong những biểu hiện rõ nét là kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Để thực hiện hiệu quả hơn nữa chủ trương đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, ngành GD&ĐT thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp mang tính khả thi, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đồng thời, tiếp tục tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế, tính năng động sáng tạo; sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp tục tăng cường công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên. Tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ. Trên cơ sở đó thực hiện tốt công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng các yêu cầu mới.
Song song với việc đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng đội ngũ, ngành sẽ tập trung hơn nữa về đổi mới phương pháp dạy học̣c; tăng cường các giải pháp đồng bộ đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo bậc THPT. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trên cơ sở bảo đảm tối thiểu học vấn phổ thông; tạo môi trường thuận lợi để học sinh phát huy năng lực, sở trường; dạy học, thi, kiểm tra đánh giá môn học theo hướng yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống.
* Trong kỳ thi “2 trong 1” vừa qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT giảm nhiều so với những năm học trước. Vậy ông đánh giá thế nào về hiện tượng này và có giải pháp khắc phục ra sao?
- Mục đích, tính chất, yêu cầu đề thi... của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 không hoàn toàn giống nhau. Vì thế, tỷ lệ tốt nghiệp 90% (thấp hơn 9% so với năm 2014) theo chúng tôi là phù hợp. Tỷ lệ này đã phản ánh chính xác chất lượng học sinh.
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD&ĐT là không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Vì vậy, trong thời gian đến, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT như tôi đã nêu trên.
* Năm 2015 được thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Ngành GD&ĐT sẽ làm gì để góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu trên?
- Bản chất của hoạt động giáo dục, dạy học trong nhà trường là hình thành và phát triển nhân cách, nghĩa là xây dựng trình độ, “phông” văn hóa cho người học trong hai tư cách, đó là con người nhân văn và con người công dân. Vì vậy, tập trung chăm lo cho hoạt động giáo dục, thực hiện tốt chương trình dạy học gắn với các yêu tố liên quan hợp thành là đã góp phần tích cực đào tạo con người văn hóa.
Bám sát các mục tiêu thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, thời gian qua, ngành GD&ĐT thành phố đã thực hiện hiệu quả 7 nội dung lớn và 3 nhiệm vụ trọng tâm của “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên trong toàn ngành.
Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh khai thác có ý thức hơn, hiệu quả hơn thế mạnh của môi trường giáo dục để bồi đắp các giá trị văn hóa, văn minh cho cả người dạy và người học; quán triệt thực hiện hiệu quả hơn nữa việc chấp hành nghiêm pháp luật, quy chế, quy định của thành phố, của ngành trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên toàn ngành; xây dựng và bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường giáo dục, ứng xử văn hóa trong và ngoài nhà trường; đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa, lịch sử dân tộc và địa phương, triển khai giảng dạy hiệu quả 2 cuốn sách Lịch sử Đà Nẵng đối với cấp THCS và THPT.
* Xin cảm ơn ông!