Tìm cách “quỵt” trợ cấp mất việc của công nhân

Chiều 28-4, khoảng 30 công nhân (CN) của Công ty TNHH Long Phụng Lân (KCN Cát Lái –TPHCM) đã đến LĐLĐ quận 2- TPHCM nhờ bảo vệ quyền lợi. CN phản ánh, công ty thông báo ngừng hoạt động nhưng không giải quyết thỏa đáng các quyền lợi của CN.

15.6009
Trợ cấp mất việc mỗi năm... 200.000 đồng Công ty hiện sử dụng hơn 200 lao động. Đa số người lao động đã làm việc tại đây nhiều năm, nhưng chỉ được giao kết hợp đồng lao động lần đầu tiên từ 3 - 6 tháng, với mức lương 400.000 đồng/tháng. Từ đó đến nay họ không được ký lại hợp đồng lao động theo quy định. Ngày 19-3, đích thân giám đốc công ty, ông Bùi Ngọc Ẩn, xuống xưởng sản xuất thông báo, công ty thay đổi mô hình kinh doanh từ Công ty TNHH Long Phụng Lân thành Công ty Cổ phần Thời trang Long Phụng Lân. CN nào muốn tiếp tục làm việc cho công ty mới thì phải viết đơn xin việc (do công ty phát); ai không muốn làm việc thì được trợ cấp mất việc... 200.000 đồng cho mỗi năm làm việc. Bức xúc trước vụ việc trên, một số CN nghỉ việc, không nhận trợ cấp. Một số khác do quá khó khăn, đã nhận tiền trợ cấp và về quê. Điều khó hiểu là những quy định này chỉ áp dụng đối với 120 CN của 2 chuyền sản xuất. Số còn lại, khoảng 100 nhân viên ở khâu gián tiếp vẫn được tiếp tục tuyển dụng làm việc cho công ty mới. Theo CN, có sự phân biệt đối xử này là vì trước đó, do công ty đột ngột hạ đơn giá sản phẩm nên CN đã ngừng việc yêu cầu phải trả đủ tiền lương, khi hạ đơn giá phải thông báo trước cho CN. Công ty đã phải thực hiện theo yêu cầu của CN. Lấp lửng, qua mặt cơ quan chức năng Nhận được khiếu nại của CN vào ngày 23-3, LĐLĐ và Phòng LĐ-TB-XH quận 2 đã liên hệ với công ty để tìm hiểu vụ việc thì được công ty yêu cầu gặp ông Khanh, cố vấn pháp lý của công ty. Tại cuộc gặp này, ông Khanh hứa sẽ giải quyết trợ cấp mất việc cho CN. Cùng thời gian trên, ông Khanh liên hệ với Phòng Lao động của Ban Quản lý Các KCX-KCN TPHCM (Hepza) trình bày: Công ty chuyển sang hoạt động dịch vụ, muốn giải thể xưởng sản xuất và nhờ tư vấn về chính sách lao động. Phòng Lao động Hepza hướng dẫn: Nếu giải thể công ty thì phải giải quyết trợ cấp mất việc cho CN theo điều 17 - Bộ Luật Lao động. Tuy nhiên, sau khi nhận được tư vấn của các cơ quan chức năng, ngày 21-4, công ty ra thông báo: “Ngày 21 và 22-4 công ty sẽ chi trả trợ cấp thôi việc cho CN đã nghỉ việc”. Không những vậy, công ty còn đổ trách nhiệm cho Phòng Lao động Hepza khi giải thích thêm: “Những CN nào không nhận trợ cấp thôi việc thì trong 2 ngày trên, mọi thắc mắc liên hệ với Phòng Lao động Hepza”. Anh Hồ Quốc Hậu bức xúc: “Phòng Lao động Hepza có liên quan gì đến trợ cấp mà bảo chúng tôi liên hệ với họ?”. Dồn công nhân vào chân tường Khi CN không nhận trợ cấp và tiếp tục khiếu nại thì ngày 23-4, công ty lại tiếp tục ra thông báo: “Toàn thể CN trở lại làm việc bình thường từ đầu tháng 5-2008, công ty sẽ trả lương cho những ngày không làm việc của tháng 4-2008. Sau thời hạn từ ngày 2-5 đến 8-5, nếu CN nào không trở lại làm việc, công ty sẽ áp dụng và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật hiện hành”. Điều đáng nói, chỉ một số rất ít CN biết có thông báo này. Cả tuần qua, họ đã liên hệ, thông báo cho nhau biết để đến công ty giải quyết quyền lợi. Tuy nhiên, một số CN đã về quê, số khác đi tứ tán không liên hệ được. Đến nay, chỉ có khoảng 30 người biết tin; gần 100 người còn lại chưa biết thông báo này. Trong khi đó, công ty lại “dọa”, sau ngày 8-5, nếu ai không trở lại làm việc thì bị sa thải. Chiều 28-4, đại diện Hepza và các cơ quan chức năng quận 2 liên hệ, yêu cầu tiếp xúc với công ty nhưng được thông báo giám đốc đi vắng. Hiện CN đã cử 3 người đại diện cho họ để liên hệ với các cơ quan chức năng nhờ tư vấn để khởi kiện công ty ra tòa.
Bà Tô Thị Chàng, Chủ tịch LĐLĐ quận 2 - TPHCM: Công ty gài bẫy CN

Công ty âm thầm ra thông báo trong khi CN đã tứ tán khắp nơi, làm sao trở lại làm việc được? Còn nếu vắng mặt, công ty sẽ sa thải CN để khỏi giải quyết chế độ mất việc. Với thông báo trên, CN đã bị gài bẫy. Nếu các cơ quan chức năng không can thiệp kịp thời thì quyền lợi của CN sẽ bị xâm hại nghiêm trọng.

Bài và ảnh: Phạm Hồ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]