Tìm cách tồn tại qua… mùa khô hạn

Các hệ thống bán lẻ hàng điện máy đầu năm đang rơi vào tình trạng vắng khách. Nhiều cơ ngơi bán lẻ đồ sộ mà chỉ có nhân viên bán hàng. Khách đã ít, lại chủ yếu xem hàng. Với các trung tâm lớn, đầu năm vắng khách là chuyện trở thành phổ biến, nhưng với các nhà bán lẻ nhỏ, mỗi ngày không bán được hàng là mỗi ngày gần đến thời điểm đóng cửa.

15.6

Một khách hàng ở Gò Vấp ghé qua trung tâm điện máy Tú Trinh trên đường Quang Trung (Gò Vấp). Hàng hoá ê chề nhưng chỉ có hai nhân viên bán hàng. “Cả trung tâm rộng lớn như vậy mà chỉ có một mình tôi mua hàng. Không hiểu họ lấy gì mà trả lương, điện nước…”, vị khách này kể.

Khó dồn dập

Ế ẩm đầu năm không là câu chuyện riêng của Tú Trinh, mà là tình cảnh chung của những trung tâm bán lẻ điện máy nhỏ hiện nay. Cơ ngơi đồ sộ, lại nằm ở vị trí khá đẹp, ngay “mũi tàu” của hai con đường Phan Văn Trị và Nguyễn Oanh (Gò Vấp, TP.HCM) nhưng lượng khách đến HomeOne lưa thưa, ước chừng chục người khách, còn lại là nhân viên.

Từ ba tầng kinh doanh, nay HomeOne chỉ còn hai tầng, tầng một kinh doanh các mặt hàng điện tử, tầng hai trước đây kinh doanh ăn uống nay được làm nơi bán hàng điện gia dụng vốn được dời từ tầng 3 xuống.

Trên con đường Hoàng Văn Thụ (Tân Bình, TP.HCM) hàng chục trung tâm bán lẻ hàng điện máy có thâm niên trên chục năm như: Hoàng Đính, Hoàng Vinh, Vương Quỳnh Trinh, Trần Thế, Mạnh Hùng, Ngọc Hưng… cũng trong tình cảnh ế ẩm từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác, kể cả những ngày cuối tuần. Hàng hoá trưng bày hàng hàng lớp lớp, vẫn sáng đèn, nhưng chỉ có nhân viên bán hàng, thỉnh thoảng mới có dăm ba người khách đến rồi đi.

Dù lượng khách ít, chịu nhiều sức ép từ các nhà bán lẻ lớn bằng những cú đạp giá thông qua các chương trình khuyến mãi nhưng từ 2 – 3 năm trở lại đây, các nhà bán lẻ nhỏ vẫn tồn tại. Không chỉ bán lẻ, những nhà bán lẻ nhỏ còn tìm kênh bán lẻ ở các tỉnh để bán sỉ. Nhưng sức mua ở các tỉnh hiện nay cũng khó, đã làm các trung tâm này rơi vào tình trạng khốn đốn.

Ngày 15/2/2013, trung tâm điện máy Đinh Huy Hoàng trên đường Quang Trung (Gò Vấp, TP.HCM) đã chính thức đóng cửa để chuyển về hai cơ sở mới đặt tại quận 12 và Bình Tân. Bác xe ôm trước đây thường xuyên nhận được những đơn hàng giao hàng tận nhà cho khách của trung tâm Đinh Huy Hoàng, nhận xét: “Họ chuyển đi là đúng rồi. Vài năm trước còn có khách hàng lai rai, có thuê tôi giao hàng. Gần đây làm sao cạnh tranh nổi với các trung tâm như Thiên Hoà hay Dienmay.com”.

Đại diện của Đinh Huy Hoàng không bình luận gì về việc chuyển về vùng ngoại ô, chỉ cho biết là sẽ thực hiện các quy định về việc bảo hành sản phẩm nếu còn trong thời gian bảo hành. Không quá khó để nhận biết bài tính của trung tâm này, vì giá thuê mặt bằng ở các quận ngoại thành sẽ rẻ hơn.

Nhiều nhà bán lẻ chia sẻ: từ tháng 3 – 6 là mùa kinh doanh khó khăn của các nhà bán lẻ hàng điện máy, công nghệ thông tin nói chung. “Nhưng ở năm nay, tình hình sẽ khó khăn hơn vì kinh tế trong nước chưa có dấu hiệu tăng trưởng, người tiêu dùng còn phải tiết kiệm để phòng thủ nên sức mua chưa có dấu hiệu lạc quan. Nhà bán lẻ lớn sẽ giảm lợi nhuận. Còn nhà bán lẻ nhỏ sẽ có nguy cơ phá sản vì mấy năm nay đã làm họ mệt mỏi”, một nhà bán lẻ bình luận về sức mua năm nay.

Tìm cách vượt hạn

Cùng với các chương trình khuyến mãi (tặng quà, giảm giá…) theo từng thời điểm, hiện các nhà bán lẻ hàng điện máy còn tổ chức hình thức bán hàng qua mạng (online) – kênh bán hàng hiện đại để gia tăng giao tiếp với khách hàng. Ông Võ Ngọc Tài, giám đốc công ty Hay Và Đẹp (quận 3, TP.HCM) chia sẻ, bán hàng online đóng góp vào doanh thu của công ty khoảng 30%.

“Sở dĩ online có tỷ lệ đóng góp cao vì phụ thuộc vào từng nhóm hàng và đối tượng sử dụng. Thông số kỹ thuật đã có sẵn, giá cả niêm yết công khai. Còn người mua là những người am hiểu về sản phẩm nên thuận lợi trong việc giao dịch. Mặt khác, khách hàng ở tỉnh chọn phương thức mua bán qua mạng sẽ tiện lợi hơn”.

Không phủ nhận vai trò của online nhưng sức mua đang giảm nên giá trị kinh doanh trên online cũng giảm theo, đó là nhận định của bà Hoàng Ngọc Vy, tổng giám đốc hệ thống bán lẻ Viễn Thông A. Theo bà Vy, đóng góp trực tiếp của việc bán hàng online khoảng 5% vào doanh thu, nhưng vai trò của online là “dẫn dắt khách hàng đến các cửa hàng của hệ thống Viễn Thông A sau khi họ tham khảo, đối chiếu giá trên nhiều trang web khác nhau”.

Thế Giới Di Động là hệ thống bán lẻ phát triển mạnh hệ thống bán lẻ online nhưng từ năm 2013, theo ông Nguyễn Đức Tài, tổng giám đốc Thế Giới Di Động, hệ thống này tập trung nhiều hơn đến việc cung cấp thông tin và những giá trị dịch vụ nhanh nhất và đầy đủ trên trang web để khách hàng tham khảo trước khi quyết định mua hàng. Tất nhiên, Thế Giới Di Động không bỏ qua hình thức bán hàng online.

Trang web của hệ thống điện máy Chợ Lớn đang được nhiều khách hàng lựa chọn vì có giá rẻ hơn nhiều website khác. Ông Liên An Thạch, giám đốc kinh doanh của Chợ Lớn cho biết, đóng góp của online trong năm 2012 vào doanh thu của hệ thống gần 10%.

“Nhìn thấy được tính hiệu quả của việc bán hàng online nên năm nay sẽ đầu tư mạnh hơn cho bán hàng online với những tiêu chí: rẻ hơn, nhanh hơn vì đây là nhóm khách hàng am hiểu về kỹ thuật. Năm nay doanh thu của online phải trên 10%”, ông Thạch cho biết.

Nguồn: SGTT
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]