Tối nay ăn gì?

Cuối ngày, lúc mà cả vợ và chồng đều mệt thì câu “tối nay ăn gì?” có thể châm ngòi cho một cuộc cãi vã. Khi ấy, người đàn bà cố dồn chút “hơi tàn”.

15.5808


ảnh minh họa

TỰ DƯNG… GÂY

- Vợ: (Gọi điện thoại cho chồng) Em đây, giờ em từ công ty về. Tối nay anh muốn ăn gì, em nấu?

- Chồng: Anh định làm vài chai. À mà thôi, về nhà ăn cơm cũng được.

- Vợ: Nhưng anh muốn ăn món gì? Tủ lạnh còn đồ để nấu lòng gà xào mướp, thịt kho tàu, cá ngừ kho, bò xào cần…

- Chồng: Gì cũng được.

- Vợ: Anh cứ cái kiểu “gì cũng được” như vậy thì em biết nấu món gì.

- Chồng: Ăn uống thôi mà, sao phải phức tạp vậy. Anh đang làm dở tay, em cứ nấu đi, xong việc anh về ăn.

- Vợ: Anh nói chuyện kiểu gì vậy? Bộ anh tưởng em muốn mọi thứ phức tạp lên lắm hả? Không ăn thì thôi, đây khỏi nấu cho mệt xác.

- Chồng: Sao tự dưng... Anh có nói gì em đâu?

- Vợ: Đó, em bực là bực cái kiểu không nói gì của anh đó. Thà anh nói gì đó đi cho đỡ tức.

- Chồng: Thôi, hôm nay không cần em cơm nước gì cả. Hai mẹ con đi ăn với nhau, anh đi uống bia.

- Vợ: Anh ngon lắm, thích làm gì thì làm, đây không thèm quan tâm.

- Chồng: Tóm lại là sao, anh đi nhậu được không?

- Vợ: Anh đi nhậu hay không, không liên quan đến tôi nữa, đi cho khuất mắt mẹ con tôi.

(Vợ cúp máy cái rụp. Chồng đành về nhà, vì biết, nếu cứ đi nhậu là to chuyện).

KHÔNG CHIỀU NỔI

- Chồng: (Cố gắng cười cầu tài) Hôm nay khỏi nấu nướng gì, cả nhà mình ra ngoài ăn một bữa hoành tráng nha.

- Vợ: Tưởng đi mất xác luôn rồi, về làm gì.

- Chồng: Anh có ăn gan trời cũng không dám. Thôi, hai mẹ con chuẩn bị, anh chở đi ăn.

- Vợ: Nhưng mà ăn gì?

- Chồng: Thì em chọn đi, ăn gì cũng được.

- Vợ: Chẳng nghĩ ra được món gì.

- Chồng: Hay là ăn cơm gà xối mỡ?

- Vợ: Em chưa đủ béo hay sao mà bắt em ăn món đó.

- Chồng: Thì có ai bắt đâu, chỉ là gợi ý thôi mà. Hay ăn mì vịt tiềm?

- Vợ: Thôi thôi thôi, món đó ngán lắm.

- Chồng: Hay ra quán hải sản? Hoặc lẩu mắm?

- Vợ: Hải sản mới ăn tuần trước, anh không thấy chán à.

- Chồng: Bò bít-tết vậy?

- Vợ: Thôi, món đó sống sít lắm. Mà thôi, hai cha con anh thích ăn gì thì dẫn nhau đi ăn đi, em mệt lắm, em không hứng thú.

- Chồng: (Dù rất bực, nhưng cố nén) Em làm sao vậy? Em không phải nấu nướng là khỏe hơn bình thường rồi. Anh cũng để em chọn món, em không chọn được món nào. Những món anh gợi ý, em đều chê. Nhà có ba người, không lẽ hai người đi ăn, một người ở nhà. Mà em ở nhà, đói thì sao?

- Vợ: Anh nhiều lời quá. Tóm lại là em mệt, em muốn nghỉ, đừng làm phiền em.

- Chồng: Biết vậy anh đi nhậu quách cho xong chuyện. Vì em, anh phải về nhà. Thật không thể chiều em nổi.

- Vợ: Ờ, tôi khó chiều vậy đó, ra ngoài kiếm con khác mà chiều.

(Chồng hậm hực bỏ lên lầu xem ti vi, vợ lấy cớ đi gội đầu ngoài tiệm, con tự pha mì gói).

KHÔNG ĐỂ SỰ MỆT MỎI LÀM CHỦ

Cuộc sống công nghiệp, trong một ngày, thời điểm dễ sinh ức chế cho vợ chồng nhất là sau giờ tan ca (khi người vợ - dù đang rất đuối nhưng phải lo bữa tối, chồng thì muốn uống vài ly bia giải stress nhưng phải về ăn cơm với gia đình). Ở thời điểm “nhạy cảm” này, trong đối thoại vợ chồng, phải chủ động tạo ra kịch bản theo hướng tích cực, không thể hồn nhiên “nghĩ gì nói nấy” như những thời điểm khác trong ngày.

Với đàn ông, vấn đề “tối nay ăn gì” là quá đơn giản. Họ thường cài đặt “phím tắt” trong đầu câu trả lời “ăn gì cũng được”. Nhưng, một khi người vợ đang cảm thấy uất ức (vì mệt mỏi, lại phải về đón con và nấu cơm), sẽ cảm thấy bất công khi mình bỏ công sức ra nấu mà “đối tác” lại thờ ơ.

Đồng thời, người chồng cũng đòi hỏi (một cách vô lý) rằng, chồng người ta đi nhậu, chồng mình về ăn cơm với vợ đã là may cho vợ rồi. Thế nên, vợ phải vui vẻ, tươi cười với chồng mới đúng.

Trong trường hợp này, người vợ nhìn vấn đề khách quan hơn chồng: Cùng đi làm kiếm tiền như nhau, cả hai phải làm việc nhà như nhau chứ? Điều người vợ mong muốn là chồng về, cùng đâu lưng với nhau, nói cười trong gian bếp. Không được như vậy, ít ra chồng cũng phải tỏ ra hào hứng khi được vợ hỏi “tối nay anh muốn ăn gì”. Với đòi hỏi đó, nếu người chồng lại đáp bằng câu “vô cảm” kiểu “ăn gì cũng được”, “lãnh đạn” của vợ là hoàn toàn dễ hiểu.

Phụ nữ cũng dễ vướng vào thói quen nói năng ẩu tả mỗi khi mệt mỏi. Nhưng cứ theo cách như vậy, không khí nặng nề sẽ nhanh chóng bao trùm cả nhà. Nếu người vợ đánh giá được đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề, mềm mỏng hơn với chồng sẽ dễ thống nhất nội dung “tối nay ăn gì” và có khi nhiều nội dung khác.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]