Trải nghiệm ở khu “an dưỡng” linh trưởng

Dân trí Không chỉ là nơi bảo tồn và nghiên cứu khoa học, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương còn là điểm đến của những người yêu thích thiên nhiên. Du khách đến đây sẽ có dịp tìm hiểu đời sống hoang dã của các loài linh trưởng quý hiếm.

0

Nhiệm vụ chính của trung tâm là chăm sóc, cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm của Việt nam, bước đầu nghiên cứu các đặc điểm sinh thái học của chúng để làm cơ sở cho việc thả chúng trở lại môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, ngay sau khi được thành lập, hàng năm trung tâm đã đón hàng trăm lượt khách tham quan.

Nhiều loại linh trưởng quý hiếm đã được trung tâm chăm sóc, cứu hộ 

Anh Đinh Văn Vinh, đội trưởng đội chăm sóc cho biết; đến nay trung tâm đã cứu hộ khoảng 150 cá thể, thuộc đủ 9 dòng linh trưởng quý hiếm trong đó có loài voọc quần đùi trắng. Loài thú này hiện được xem là biểu tượng của rừng quốc gia Cúc Phương.

Voọc mông trắng - một loài linh trưởng độc đáo đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Đây là một loài quý hiếm, chỉ phân bố ở Việt Nam và được bảo vệ trên toàn cầu. Chúng có bộ lông đen nhưng ở phần mông và lưng gần mông, lông lại có màu trắng nổi bật như mặc quần đùi, vì thế chúng còn được gọi là voọc quần đùi trắng.

Hiện đang có hơn ba chục chuồng thú quây lưới, mỗi cái rộng năm sáu chục mét vuông dưới những tán rừng Cúc Phương đại ngàn. Chuồng có nhiều tay đòn bằng tre, bắc như khung ô bàn cờ giúp voọc di chuyển, đùa nghịch. Mỗi chuồng đều treo bảng ghi rõ lý lịch, giới tính của những chú linh trưởng. Với những con sắp sinh sản, còn có thêm chuồng gỗ làm buồng “hộ sinh”. Đã có tới hơn 50 con được chào đời từ ngôi nhà đặc biệt này

Những chú voọc này được chăm sóc rất cẩn thận
Anh Đinh Văn Vinh, đội trưởng đội chăm sóc cho biết; đến nay trung tâm đã cứu hộ khoảng 150 cá thể, thuộc đủ 9 dòng linh trưởng quý hiếm

Tổng diện tích của trung tâm 3,5ha, trong đó nơi chăm sóc các loài linh trưởng là những chuồng thép rộng rãi, thoáng mát và gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh đó trung tâm còn có 2ha rừng để các loài linh trưởng tái hòa nhập với môi trường tự nhiên.

Toàn bộ số voọc trong trại đến từ các hạt kiểm lâm thu giữ của kẻ săn bắt, mua bán thú. Một số voọc và thú khác được người nước ngoài có ý thức, khi du lịch, mua tại các chợ, rải rác khắp nước mang tới nộp.

Cũng theo anh Vinh; đa phần khi tới đây, những con voọc đều mang thương tích. Có con trong tình trạng suy kiệt, sắp chết. Có những con khi trạm nhận về, do trúng thương phải điều trị tới cả năm trời, có những con phải phẫu thuật cưa bớt tay hoặc chân, thậm chí bỏ cả đôi mắt các chuyên gia ở trạm mới cứu được.

Cho đến nay trung tâm đã nuôi sinh sản thành công nhiều loài linh trưởng quý hiếm, ví dụ như voọc ngũ sắc - một loài linh trưởng phân bố ở miền Trung Việt Nam và đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Không giống với những vườn thú, quy định tham quan ở trung tâm khá ngặt ngèo. Không được đến gần chuồng và trêu chọc chúng. Không cho chúng ăn bất kỳ một thứ gì. Không gây ồn, không hút thuốc lá, không vứt rác bừa bãi. Số lượng người vào thăm Trung tâm không quá 20 người cho mỗi đoàn và nhất thiết phải có hướng dẫn viên của Vườn, là những điều kiện bắt buộc đối với người tham quan.

Đến với Trung tâm ngoài việc được quan sát vẻ đẹp và sự tinh nghịch đáng yêu của các loài linh trưởng, du khách còn có thêm nhiều thông tin lý thú về những loài này.

Bài, ảnh Hà Anh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]