Trần Bảo Sơn: "Tôi là người cha tốt!"

Nếu có Hội những ông bố yêu con ở Việt Nam, thì Trần Bảo Sơn cũng sẽ là một thành viên tích cực!

15.752
Điện ảnh Việt Nam đang có thêm một nhân vật sáng giá nữa, đó là Trần Bảo Sơn. Và nếu có Hội những ông bố yêu con ở Việt Nam, thì Trần Bảo Sơn cũng sẽ là một thành viên tích cực!

Có 2 phỏng đoán thế này: 1. Nhìn phong cách và sự sành điệu qua hình ảnh của anh, người ta nghĩ anh được sinh ra trong một gia đình khá giả; 2. Nhìn dáng vẻ phong trần và từng trải của anh, không ít người cho rằng, anh đã phải tự mình vật lộn với cuộc sống khó khăn để có được ngày hôm nay. Vậy phỏng đoán nào là đúng? Còn bạn nghĩ thế nào?

- Tôi bỏ phiếu cho phỏng đoán thứ 2!

Cho đến giờ, nhiều người vẫn còn nghĩ cuộc sống nước Mỹ sung sướng như trải vàng. Đúng là mức sống ở đó cao hơn, mọi thứ hiện đại hơn, nhưng điều quan trọng là nếu không chăm chỉ, không nỗ lực, bạn chắc chắn không được hưởng thụ những thứ đó.

Tôi qua Mỹ từ năm 13 tuổi. Tôi là con một, được ba mẹ cưng chiều, nhưng điều đó không có nghĩa tôi sống sung sướng. Nước Mỹ là một môi trường hoàn toàn mới với những người nhập cư như tôi, nên cái gì cũng phải học, từ ngôn ngữ, văn hóa cho đến lối sống, thực sự là rất vất vả, không dễ dàng gì. Hồi đó, tôi vừa học vừa làm, sự nghiệp lúc lên lúc xuống. Thậm chí có thời điểm như năm 2001 chẳng hạn, tôi hoàn... tay trắng. Lãnh đủ bao nhiêu bài học hà khắc tôi mới có được ngày hôm nay, tạm thời hài lòng với bản thân mình.

Hồi nhỏ anh là một đứa trẻ...Nghịch ngợm và phá phách...Vậy anh học được điều gì ở cách dạy con của bố mẹ anh?

- Tôi nghĩ, nên để tuổi thơ của một đứa trẻ trôi qua một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Nên đối xử với con một cách công bằng với việc trao đổi thông tin hai chiều giữa con cái và bố mẹ. Nên phân tích sai đúng cho con chứ không nên áp đặt vì đầu óc của một đứa trẻ vẫn còn non nớt.

Anh thấy mình là một người cha tốt?

- Với bản thân, tôi thấy, tôi là một người cha tốt. Tôi lớn lên mà không có anh chị em để chia sẻ tình cảm, nên khi có con tôi rất quý và muốn làm những điều tốt nhất có thể cho bé. Tình cảm với tôi rất quan trọng.

Anh có nghĩ, một người cha tốt là người cha biết dành nhiều thời gian cho con?

- Đúng vậy!

Những người nổi tiếng đều nói, họ mong muốn hoặc họ nghĩ mình là một người cha tốt, nhưng thực tế cho thấy, không thấy họ ở phim trường, nơi kinh doanh, lại thấy họ ở các event, party... bận rộn như vậy nên khi về nhà thì mệt phờ, vậy thời gian đâu mà họ chơi với con, chăm sóc bé hay đưa bé tới trường...?

- Tôi nghĩ, bố mẹ nào cũng thương con, nhưng thể hiện thế nào tùy hoàn cảnh và tính chất công việc của mỗi người. Không phải cứ gần mới là thương con. Nhưng tôi cũng thừa nhận, dành nhiều thời gian với bé hơn, bé sẽ dành cho mình nhiều tình cảm hơn, và điều này sẽ hình thành cho bé lối sống tình cảm, biết quan tâm đến cảm xúc của người thân...

Điểm nào trong việc giáo dục con cái của người Mỹ mà anh nghĩ là mình nên học?

- Mỹ và Việt Nam là hai nền văn hóa khác nhau. Người Mỹ họ dạy con tính tự lập từ rất sớm, nên chúng bươn trải hơn, nhiều kinh nghiệm cuộc sống hơn và mạnh mẽ hơn. Người Mỹ đa phần là cho con cái được làm điều mà chúng muốn, không áp đặt, thậm chí còn ủng hộ. Họ nghĩ có ngã thì mới biết đau, ngã rồi để sống tốt hơn, không yếu đuối và quan trọng là dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh sống.

Nhưng cũng có một điểm mà tôi nghĩ là người Việt bên Mỹ chỉ muốn con cái họ duy trì nét văn hóa Việt đó trong cuộc sống, đấy là lối sống tình cảm. Ở Mỹ, khi bạn già thì bạn vô viện dưỡng lão, sống lạnh lẽo với những người xa lạ. Còn ở Việt Nam, bố mẹ khi già có con cái chăm sóc, lo lắng, cuộc sống sum vầy, tình cảm. (Cười) Tôi trân trọng điều này!

Có cách dạy con nào của chị Ánh khiến anh nghĩ là không ổn?

- Thực sự là tôi thấy chưa có gì bất ổn. Có lẽ sự bất ổn đó là ở tôi vì tôi chiều con lắm, còn Ánh hơi khắt khe một chút. Tôi nghĩ, trẻ con nghịch thì tốt nên để tự nhiên, không nạt bé, còn Ánh lại muốn con bớt nghịch vì cô ấy sợ bé sơ sẩy một chút là bị thương. Với tôi, được chơi với con là vui rồi nên con muốn gì là mình chiều hết (Cười). Bây giờ, vợ không gọi mình cũng tự giác về nhà, bởi nơi đó đang có một cô con gái đáng yêu đang chờ tôi.

Trẻ con bây giờ rõ ràng là sướng hơn trẻ con thời trước. Ngày xưa muốn chơi, phải tự làm đồ chơi, tìm đồ để mà chơi, nên sự quý trọng đồ chơi sẽ cao hơn, còn trẻ con ngày nay dường như thiếu điều này, anh có nghĩ vậy không? Bé con của anh sinh ra trong một môi trường đầy đủ, anh dạy con như thế nào để bé biết quý những vật dụng bé đang có?

Đúng vậy, bởi cuộc sống khá hơn bao giờ cũng có mặt trái. Con gái tôi mới hai tuổi, hiện tôi thường dùng hành động của mình để hình thành dần thói quen, hay nói cách khác là để bé ý thức dần được việc quý trọng đồ đạc. Tôi sẽ không áp đặt, mà giúp bé từ từ nhận ra, hình thành lối sống một cách tự nhiên.

Cảm ơn anh đã chia sẻ. Chúc gia đình anh một Giáng Sinh ấm áp.

Ngay lần gặp đầu tiên, tôi đã có cảm giác Ánh sẽ là vợ mình, tôi thấy cô ấy hiểu tôi và chúng tôi có sự đồng cảm. Trước khi gặp Ánh, tôi chưa bao giờ có ý định kết hôn, rất hài lòng với cuộc sống độc thân. Còn nhớ lần tôi về Mỹ và nói với cô ấy: "Anh qua đó nhưng cũng chưa biết bao giờ trở lại Việt Nam", nhưng chỉ ba ngày sau là tôi đã quay lại đem theo một chiếc nhẫn để cầu hôn, Ánh hoàn toàn bất ngờ...
 
Giáng Sinh và sinh nhật của tôi trùng nhau, nên tôi thiệt thòi lắm, người ta được 2, còn tôi chỉ được 1. Món quà đầu tiên Ánh tặng tôi là một chiếc khăn, một món quà mà tôi thấy hết sức tinh tế, vừa hợp với thời tiết bên Mỹ, vừa biểu đạt một thứ ngôn ngữ tình cảm.
 
"Giáng Sinh có thể nói là dịp lễ lớn nhất của không chỉ người Mỹ, mà còn của cộng đồng người Việt mình. Dịp này, mọi người có thời gian để quây quần chứ Tết Nguyên đán, ai cũng phải đi làm bình thường. Mấy năm trở lại đây, Giáng Sinh còn khiến người Việt mình bên đó chộn rộn bởi họ thích tranh thủ dịp nghỉ lễ này về Việt Nam thăm họ hàng."

Theo Gia đình trẻ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]