Trẻ sinh non dễ bị các rối loạn tâm lý

Cần biết cách chăm sóc để trẻ phát triển bình thường. Bồng đứa con gái trên tay, chị N.T.T, ngụ tại quận Bình Thạnh - TPHCM tỏ ra rất lo lắng khi kể với bác sĩ tâm lý về tình trạng của con chị.

15.5249
Không hiểu vì lý do gì mà từ lúc sinh ra đến giờ, mỗi lần chị cho con gái bú là cháu lại ói. Đến nay, cháu đã được gần 2 tuổi mà tình hình vẫn không chuyển biến. Chị gần như phải “vật lộn” cùng cháu trong từng bữa ăn và mỗi bữa ăn trung bình kéo dài từ 1-2 giờ. Đặc biệt, cháu chỉ bú hoặc uống sữa chứ không chịu ăn bất kỳ một loại thức ăn nào khác. Sau khi tìm hiểu về “hoàn cảnh” của cháu, các bác sĩ đơn vị Tâm lý Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM biết được cháu sinh non và cho rằng đây có thể là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Trẻ sinh non thiệt thòi cả về thể chất lẫn tinh thần Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, phụ trách đơn vị Tâm lý BV Nhi Đồng 1, so với trẻ sinh đủ tháng, trẻ sinh non (dưới 36 tuần tuổi) thường chịu thiệt thòi về cả thể chất lẫn tinh thần do vậy có nguy cơ mắc các bệnh thể chất (bệnh màng trong, bệnh hô hấp...), cũng như các rối loạn tâm lý. Về tâm lý, trẻ sinh non đặc biệt ở trẻ dưới 33 tuần tuổi có biểu hiện sợ xa mẹ nên dễ có những triệu chứng rối loạn ăn uống (chán ăn, bỏ ăn, nôn ói...), rối loạn về giấc ngủ (khóc kéo dài trong đêm...). Ngoài ra, trẻ sinh non thường có cảm giác không an tâm nên khi lớn dễ bị chứng tăng động (lăng xăng, không ngồi yên một chỗ), thiếu tập trung, tính tình dễ cáu gắt, hiếu động, kiểm soát đại tiểu tiện chậm (thường tiểu dầm lâu, tập ngồi bô chậm), dễ bị ức chế, thụ động. Biết cách chăm sóc trẻ vẫn phát triển bình thường Bác sĩ Ngọc Thanh nhấn mạnh, mặc dù trẻ sinh non có nhiều nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý nhưng nếu các bậc cha mẹ biết cách chăm sóc đúng cách sẽ hạn chế những nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý, thậm chí trẻ có thể phát triển như những trẻ bình thường khác. Những cách chăm sóc đó là: Phải biết kích thích trẻ vừa phải để phát triển các giác quan bằng cách cho trẻ dùng ánh sáng dịu, ở nơi yên tĩnh. Sinh hoạt dưới ánh sáng gắt, chói chang sẽ làm trẻ dễ bị kích thích não. Khi ấy trẻ sẽ có biểu hiện khóc nhiều do khó chịu hoặc nặng hơn bị động kinh, co giật. Giọng nói của các bà mẹ nên nhỏ nhẹ, thể hiện sự thương yêu đối với trẻ, tránh nói quá lớn để trẻ cảm thấy sợ hãi, xa cách.

Tránh để trẻ xa mẹ lâu quá. Do sinh ra không được gần gũi mẹ như những trẻ sinh đủ tháng mà thường nằm trong lồng ấp ở BV để được chăm sóc, theo dõi do vậy trẻ sinh non thường thiếu thốn tình cảm. Vì vậy, trong thời gian trẻ nằm trong lồng ấp, các bà mẹ nên vào thăm trẻ, vuốt ve để trẻ cảm nhận được sự gần gũi, yêu thương từ người mẹ. Người mẹ có thể lấy một chiếc khăn ủ vào ngực mình để lấy mùi sau đó để khăn gần người trẻ. Ở nước ngoài, người ta còn thu tiếng nói, tiếng tim đập của người mẹ để phát cho trẻ nghe trong thời gian trẻ nằm trong lồng kính. Ngay khi trẻ được ra khỏi lồng ấp, các bà mẹ nên áp dụng phương pháp “da kề da” để trẻ cảm nhận được sự gần gũi với người mẹ, tạo cảm giác yên tâm cho trẻ. Theo phương pháp này, trước khi mặc quần áo cho trẻ các bà mẹ nên áp trẻ trực tiếp vào ngực mình.

Thùy Dương
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]