Trẻ thừa hưởng tính cách từ cha mẹ là chủ yếu

Cách xử sự, hành vi của bố mẹ tác động trực tiếp đến con cái. Tuy nhiên, họ vẫn chưa nhận thức được điều này.

15.6023

Những hành vi, tính cách của người lớn trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ, chính là viên gạch đầu tiên xây dựng nhân cách của con trẻ. Do đó, bố mẹ cần cẩn trọng trong mỗi việc làm, hành vi của mình. Những việc làm tốt của bố mẹ sẽ trở thành khuôn mẫu, góp phần hình thành những tính cách tốt ở trẻ. Ngược lại, những thói quen, hành động xấu của bố mẹ có thể để lại tác động tiêu cực đến sự phát triển của bé.

Nếu bạn không muốn một ngày nào đó phải giật mình khi nhận ra hành vi sai trái của con là sự "kế thừa" từ bạn, hãy sửa mình ngay từ hôm nay.
 
Ảnh minh họa.

Bất chấp, phớt lờ tín hiệu giao thông:

Coi thường tính mạng của mình và người khác, nhiều người sẵn sàng vượt đèn đỏ, chạy lấn tuyến, ngược chiều khi không thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông.

Lời bình: Ngay từ lúc học mẫu giáo, trẻ đã được dạy về việc tuân thủ các quy định xã hội, trong đó có việc chấp hành và tuân thủ tín hiệu giao thông. Hành động của bạn chỉ giúp tiết kiệm được vài giây nhưng lại có thể khiến cho trẻ hoang mang. Khi sự hoang mang này lặp đi lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ dần quen với ý nghĩ việc vi phạm quy định là có thể được chấp nhận. Từ đó, trẻ tự cho phép mình vi phạm những nội quy trong gia đình, trường học...

Vì vậy, người lớn cần cẩn thận trong việc tuân thủ những quy định, nội quy thông thường được điều gì nên và không nên làm. Đây là cách đơn giản và hiệu quả giúp trẻ trở thành một công dân có ý thức trong việc chấp hành, tuân thủ đúng các quy định, lề thói gia đình và xã hội.

Cách xưng hô:

Nhiều phụ huynh thường có thói quen gọi con bằng mày và xưng tao: "Tũn đâu, mày lại đây bố bảo!". Thói quen này dường như đã nằm ở cửa miệng của họ, lúc nào cũng sẵn sàng bật ra.

Lời bình: Việc gọi mày, xưng tao với con khá phổ biến trong một số gia đình, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Điều này khiến trẻ không nhận thức được phép lịch sự trong cách xưng hô ngoài xã hội. Ngoài ra, cách xưng hô trên có thể làm tổn thương mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái khi trẻ bắt đầu có nhận thức.

Thói quen giữ lời hứa:

Vì nhiều lý do, bạn về nhà trễ, không thể thực hiện lời hứa dẫn con đi chơi, xem phim... Việc đó không chỉ làm trẻ tủi thân và có cảm giác bị bỏ rơi mà còn khiến trẻ không học được cách giữ chữ tín, không biết cách sắp xếp và quý trọng thời gian.

Thói quen này ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của trẻ. Khi lớn lên, trẻ sẽ làm việc theo cảm hứng, thường xuyên dùng giờ "dây thun".

Lời bình: "Trâu chậm uống nước đục", bạn có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt, gặp phải những sự việc đáng tiếc do lỡ thời gian. Việc tập cho con thói quen đúng giờ khi hẹn với ai đó, tôn trọng thời gian biểu của mình và người khác là điều cần thiết. Muốn vậy, bố mẹ hãy là tấm gương về việc tuân thủ giờ giấc, giữ chữ tín trong các cuộc hẹn với con, người thân và các mối quan hệ xã hội khác.

Nếu không thể tránh được việc trễ hẹn với con, bạn cần gọi điện nói cho bé biết. Đừng quên nêu lý do thật rõ ràng để trẻ hiểu và thông cảm với bạn.
 
Theo Tiếp thị gia đình

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]