Từ đôi tay vẽ nên tâm hồn

Cùng với kimono và nghệ thuật sơn mài, tranh giấy Nhật Bản (washi art) đã trở thành một trong những nghề thủ công truyền thống hấp dẫn nhất của Nhật. Với mục đích ban đầu là dùng làm vật trang trí ở cửa để đuổi tà ma, về sau tranh giấy Nhật đã phát triển với nhiều loại hình khác nhau

0
Những sản phẩm tranh giấy được sáng tác bằng cách sử dụng nguyên liệu chính là loại giấy được xeo bằng tay với các kỹ thuật xé, cắt, dán chồng lên... Xé giấy làm tranh Nhân “Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam 2006” (từ ngày 20 đến 25-8-2006), phòng trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức triển lãm 27 tác phẩm tranh cắt giấy đặc sắc của 30 họa sĩ Nhật Bản. Đến với cuộc triển lãm, khách tham quan không chỉ được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật làm từ giấy mà còn được các nữ nghệ nhân dạy xé những mảnh giấy kozo màu hồng, màu đỏ thành hình những cánh hoa, vê mảnh giấy thành cuống hoa rồi dán chồng lên nhau để trang trí lên quạt giấy hay tạo thành những bức tranh hoa xinh xắn.
Bức tranh “Lễ hội ở Kashima” của bà Watanabe
Nghệ nhân Emiko Watanabe, người Tokyo, nhiệt tình chỉ cho tôi cách vê giấy, dùng tay “xén” nhẹ nhàng thành những mẩu giấy nhỏ, sau đó phết hồ. Chỉ một lát, bức tranh hoa đào rực rỡ đã hiện ra trước mắt tôi. Bằng giọng nói líu lo như chim hót, bà Wanatabe cho biết, đã 35 năm rồi, bà say mê và đi theo tiếng gọi của tranh giấy. Bà giải thích washi là một loại giấy truyền thống của Nhật, làm từ cây kozo, được nhuộm bằng các chất liệu lấy từ thiên nhiên nên có màu sắc rất tươi, thật và giản dị như lúa, như cây. Để xeo được loại giấy washi vừa mỏng, vừa dai và sống được với thời gian đòi hỏi nhiều công sức, thời gian, đặc biệt phải tái tạo ở nhiệt độ thật lạnh. Thực tế cho thấy có những bức tranh giấy sống được đến 500 năm. Ở Nhật hiện có khoảng 300.000 người theo học môn nghệ thuật này với một vài nghìn nghệ nhân như bà Watanabe. Mỗi năm, các nghệ nhân tổ chức các cuộc triển lãm tranh washi để trao giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất. Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo lại mất rất nhiều thời gian nên theo nghề phần lớn là phụ nữ, nam giới không mấy ưa thích. Nghệ thuật của tâm linh Không mang tính hiện thực hay trừu tượng, washi art thật sự là một môn nghệ thuật của tâm linh. Theo các nghệ nhân, cái khó nhất của bức tranh là phát hiện đề tài. Có lẽ vì thế, mỗi bức tranh là một tác phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo, vừa có tính chất giải trí lại vừa mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Ngày đẹp của Utena Hiromi (Tokyo) là cảm hứng bất chợt sau một cuộc dạo chơi trên núi. Niềm vui sướng được hòa mình với cỏ cây hoa lá trong một thiên nhiên huyền ảo cứ lung linh, tràn ngập cả bức tranh. Với bà Shimada Haruka, một người hoài cổ, thích tìm kiếm tâm linh trong những giấc mơ, thì phảng phất trong tranh của bà là hình cái cột của một ngôi chùa nào đó ở Nhật được trang trí bằng đầu voi và đầu lân mà bà đã từng một lần mơ thấy. Lễ hội ở Kashima của bà Watanabe Emiko lại cho người xem cảm nhận được vẻ đẹp xuất thần của người lính – nguyên mẫu ông nội bà - qua đôi mắt nhắm nghiền trước giờ xung trận. Hay như Hoàng hôn của Fukazawa Sachiko là hơi thở của cuộc sống hiện đại thể hiện qua hình bóng người thiếu nữ kiêu sa đang trò chuyện bằng điện thoại di động trên nền những tòa nhà đồ sộ màu nâu xám, bên cạnh cô là chú chó Nhật tai cụp...

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tham gia trưng bày tranh tại Việt Nam với mục đích giới thiệu nghệ thuật thủ công nghề tranh cắt giấy truyền thống và giao lưu văn hóa giữa hai nước. Được xem những bức tranh nghệ thuật độc đáo, được nghe giới thiệu và hướng dẫn cách làm tranh giấy cũng là dịp để hiểu hơn về văn hóa, con người và đất nước Nhật Bản.

Bích Diệp
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]