Tượng nhà mồ...dành cho người sống

Tượng nhà mồ là sản phẩm văn hóa tâm linh độc đáo của dân tộc Gia Rai, Ba Na ở Gia Lai. Nhưng hiện nay tượng nhà mồ lại được khoác lên mình tên gọi mới "Tượng gỗ Tây Nguyên” và chỉ còn như một tác phẩm mỹ thuật điêu khắc, dùng cho giải trí. Phần hồn của nó, cái ám ảnh nhân sinh, sự chiêm nghiệm thế tục và siêu nhiên vốn có đang phai nhạt dần.

15.6005
Chúng tôi đã đi tìm hiểu ở hàng chục làng Gia Rai, Ba Na trong tỉnh nhưng duy nhất chỉ gặp được một người còn biết tạc tượng nhà mồ là Ksor Nao ở làng Pleikép, ngoại thành Pleiku. Mới 45 tuổi nhưng Ksor Nao đã có thâm niên cầm rừu, tạc tượng 33 năm. Anh nói:"Mình làm theo người lớn thôi, học làm rồi quen tay lúc nào không biết; tạc bao nhiêu tượng rồi cũng không nhớ". Ngày xưa Ksor Nao tạc tượng cho người chết để làm Bơ Thi (lễ bỏ mả), vài năm lại đây thì anh tạc tượng cho... người sống. Ksor Nao đang dần trở về với truyền thống từ trong ký ức thấy gì làm nấy: một già làng thư thái; một phụ nữ địu con; khuôn mặt buồn... Tất cả được thể hiện ở một thân cây gỗ duy nhất, bố cục không cân xứng như nguyên tắc của điêu khắc hiện đại, nó thô mộc như đã từng tồn tại hàng ngàn năm nay, phản ánh trung thực về chủ nhân nằm dưới mồ như sự giàu sang, nỗi nhọc nhằn... Theo Tiến sỹ sử học Nguyễn Thị Kim Vân, cán bộ Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai thì tượng nhà mồ Gia Rai, Ba Na tạm chia làm 3 nhóm. Nhóm Viễn Cổ thể hiện sự tái sinh của đời người qua những tượng gỗ miêu tả sự giao hoan vào vòng nhân sinh theo phong cách biểu tượng gợi tả. Nhóm thứ 2 miêu tả các sinh hoạt của con người, muông thú với hình tượng phổ quát là hoạt động "phục vụ người chết" được khai sinh khi chế độ tù trưởng đã hình thành ở các bộ tộc Tây Nguyên, mang đặc trưng trần thuật, diễn tả. Nhóm thứ 3 được coi là lớp hiện đại của tượng nhà mồ, mô phỏng hình dáng con người của thời kỳ văn minh, được bắt gặp trong sự giao thoa hoặc quá trình xâm thực về văn hóa. Do mang đậm tính giải trí "làm vui cho người chết" nên nhóm này làm tượng nhà mồ mất dần đi ngôn ngữ tạo hình truyền thống của nó. Họa sĩ Nguyễn Văn Nhâm ở Hội Văn nghệ Gia Lai là người chơi tượng gỗ đã nói với chúng tôi:"Cũng là tượng gỗ, nhưng chỉ bằng rừu và không cần tuân thủ bố cục "khoa học" nào, những nghệ nhân ở Gia Lai đã lột tả được các chi tiết không thể trộn lẫn với "tượng gỗ" do các nhà điêu khắc chuyên nghiệp thể hiện". Vài năm gần đây, tượng của Ksor Nao cũng như của một số nghệ nhân khác không còn đặt ở nhà mồ nữa, vì tượng nhà mồ ở các làng đã được... bê tông hóa. Còn lý do nữa là thiếu gỗ để tạc tượng. Ngày xưa thường dùng các loại gỗ tốt như đinh hương, cẩm lai, trắc... nay chỉ còn gỗ mít là phổ biến. Nghệ nhân thường tạc tượng để...bán. Hình thức tượng vẫn Gia Rai, Ba Na nhưng "hồn vía" thì mất dần bởi thị trường tượng gỗ đang hình thành trong lòng nhiều đô thị ở cả nước, từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau: từ trộm cắp tượng nhà mồ để bán, đến sản xuất theo kiểu thị trường hàng chợ. Tượng gỗ tồn tại vật vờ, dùng để trang trí trong các hoa viên, tiệm cà phê vườn... cho có bản sắc dân tộc.

Tượng nhà mồ các dân tộc ở Gia Lai đang biến thành tượng... cho người sống. Một sản phẩm văn hóa độc đáo đang biến thành hàng hóa, thoát ly dần bản sắc văn hóa của mình.

Theo TTXVN
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]