Ứng phó với thực phẩm "bẩn" (2): Nhận biết nguy cơ

GiadinhNet - Hàng ngày, người tiêu dùng đang phải mua, sử dụng và đối mặt với những thực phẩm tiềm ẩn sự nguy hiểm.

15.5967

Để hạn chế nguồn lây bệnh, người tiêu dùng cần xem kỹ hạn sử dụng, nơi sản xuất thực phẩm trước khi mua.

 
Để hạn chế nguồn lây bệnh do thực phẩm bẩn,  người tiêu dùng cần có những kiến thức cơ bản về đồ ăn, đồ uống, thực phẩm tươi, sạch với thực phẩm đã quá hạn sử dụng hoặc thực phẩm đã được ngụy trang để đánh lừa người mua.
 
Thực phẩm bẩn có mặt ở mọi nơi

Bột chứa Rhodamine B; nước giải khát với mì ăn liền dùng phẩm màu kiềm; bún, giò thì đầy hàn the; Một số loại phụ gia khác không được phép sử dụng, song vẫn bị phát hiện trong một số thực phẩm chay, khô, mứt, dưa muối các loại, cá viên có mặt ở hầu hết các chợ thực phẩm ở các TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên...

Những phụ gia nói trên đều là hóa chất cấm dùng trong thực phẩm nhưng vẫn bị các cơ quan chức năng phát hiện khi kiểm tra tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trong tháng 4 vừa qua. Hàng ngày, người tiêu dùng đang phải mua, sử dụng và đối mặt. Đa số người tiêu dùng đều tin tưởng vào mặt hàng mình mua nhờ sự khẳng định của... người bán.

Phần lớn các thực phẩm tươi sống ở chợ đều được người bán hàng khẳng định: "Thịt lợn của em mới lấy lò mổ từ tờ mờ sáng nay, thịt qua kiểm định đàng hoàng, bác yên tâm", hoặc "rau em bán là rau sạch, vào tận vườn người ta trồng để hái. Chỗ trồng rau này em biết, đảm bảo không ngon em đền tiền", "mực này đánh bắt xong đưa lên bờ ướp đá chuyển lên đây luôn. Hà Nội lấy đâu ra mực tươi như thế này. Bác không mua được ở đây thì ra kia mua mực thối tẩy hóa chất căng phồng tươi roi rói nhé",...

Trước những lời chắc như đinh đóng cột của người bán, ít có người mua nào cảm thấy lung lay niềm tin. Tuy nhiên, vẫn có một số người cẩn thận tìm hiểu, xem xét hoặc cảm thấy không yên tâm thì không mua. Bà Phiến (cán bộ hưu trí ở phố Trần Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết bà rất băn khoăn mỗi lần đi chợ. "Theo một số hướng dẫn tôi đọc được, rau không sử dụng hóa chất và rau có sử dụng có sự khác nhau rõ rệt. Nhưng mỗi lần ra chợ mua rau, tôi phải qua mấy hàng, thấy ít có rau nào sạch như mình biết. Mà cứ mỗi khi nhấc mớ rau lên rồi lại đặt xuống, bị người bán hàng càu nhàu khó nghe đành tặc lưỡi mua cho được việc. Không lẽ lại nhịn rau". Ông Thắng, ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết ở nhà rảnh rỗi, sáng tập thể dục nên ông thường đi chợ giúp con cái. "Mình là đàn ông nên đi chợ cũng phiên phiến. Tôi thấy mọi người nói thực phẩm bẩn vây quanh người tiêu dùng, đành sống chung với lũ vậy. Vả lại, sống thì phải ăn, kiêng thì có mà kiêng hết à" - ông bày tỏ quan điểm. Tuy nhiên, ý kiến của ông Thắng chỉ là cá biệt, phần lớn người tiêu dùng được hỏi đều mong muốn mình được dùng thực phẩm sạch và cố gắng hạn chế thấp nhất tác hại của thực phẩm bẩn chứ không thể buông xuôi được.

Cẩn trọng với nước giải khát pha chế chết người

Chỉ với một lượng nhỏ bột phụ gia mà nhiều người gọi là sirô, bỏ vào đun nấu có thể làm mềm thực phẩm một cách nhanh chóng. Với mỗi hộp bột phụ gia giá vài chục ngàn đồng không rõ nguồn gốc kiểu này, một số người nấu chè đỗ, ninh nấu nước dùng... đã tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí điện, gas. 
Nước giải khát pha chế không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến
sức khỏe người tiêu dùng.

Mùa hè là mùa lý tưởng để những người bán trà đá, nước giải khát vỉa hè có cơ hội bộn thu. Và họ càng kiếm được nhiều tiền hơn khi không phải bỏ quá nhiều công sức chế biến đồ uống. Các quán trà chanh "chém gió" mọc lên nhan nhản cũng một phần nhờ công nghệ hóa chất. Bí quyết của trà chanh chính là việc chỉ cần nhúng đầu que tăm có tinh chất vào can nước loại một lít thì toàn bộ can nước trên nhanh chóng có hương vị chanh thơm ngào ngạt. Cộng vào đó là đổ ít nước trà vào tạo màu là xong. Tại nhiều quán café, người bán hàng đã sử dụng các dung dịch tạo màu, tạo mùi cho cafe, nước dâu, cam, nho... để bán cho khách. Điều đáng lo ngại là các dung dịch hóa chất này rất dễ tìm mua tại các chợ ở Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Trong khi chờ bị kiểm tra, bắt giữ, tiêu hủy thì những đồ uống chết người này đang được sử dụng để phục vụ các "thượng đế" với mối nguy hại khôn lường.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến một nguyên nhân là người tiêu dùng vẫn chủ quan, chấp nhận những dịch vụ và sản phẩm thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Về vấn đề ông Đỗ Gia Phan, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu quan điểm: "Chỉ cần người tiêu dùng có ý thức vì lợi ích cộng đồng, có kiến thức nhất định về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có cơ chế rõ ràng thì họ có thể giúp cơ quan chức năng phát hiện kịp thời, chính xác những vi phạm". Cũng theo ông Đỗ Gia Phan, nếu người tiêu dùng tẩy chay những sản phẩm kém chất lượng thì doanh nghiệp không thể tiếp tục vi phạm các quy định...
 

Vừa qua, Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm và Viện Dinh dưỡng Quốc gia tiến hành những đợt kiểm tra xét nghiệm chất lượng bột tại khu vực phía Bắc. Kết quả, trong tổng số 81 mẫu bột được kiểm tra các đợt khác nhau thì có 50 - 80% mẫu chứa Rhodamine B với hàm lượng từ 20,2 - 110,2 mg một kg. Kết quả của hai đơn vị trên cũng cho thấy có 11 trong số 31 mẫu xúc xích, jambon kiểm tra có sử dụng nitrit; 3/25 mẫu có sử dụng phẩm màu kiềm là loại không được phép dùng trong thực phẩm (tập trung vào nhóm nước giải khát, mì ăn liền). 10 trong số 64 mẫu bún, bánh phở, bánh giò, bánh su sê có sử dụng hàn the là chất không có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng,... Tại khu vực phía Nam, 298 trong số 437 mẫu thực phẩm dương tính với hàn the, tập trung nhóm mì sợi tươi, thực phẩm chay. 21 trong 122 mẫu dương tính với formol, chủ yếu ở nhóm tôm tươi, bún, bánh phở. Cả hàn the và formol đều là chất không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng...


 Thu Hương
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]