Nhận diện dị ứng thực phẩm

Trong nhiều trường hợp, dị ứng thực phẩm nặng có thể gây nguy hiểm do bị sốc phản vệ, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong trong vòng 15 phút

0

Trong số Báo Người Lao Động ngày 5-8, chúng tôi đã bàn về các nguồn thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ em và người lớn. Nhiều bạn đọc đã yêu cầu phân tích rõ hơn về việc nhận diện dị ứng thực phẩm.

Các triệu chứng

Chúng ta cần biết dị ứng là phản ứng nhạy cảm của cơ thể với các chất được gọi là chất gây dị ứng. Phản ứng xảy ra hạn chế ở từng bộ phận, xuất hiện ngoài da, gây ngứa hoặc bỏng rát, thường giới hạn trong một khu vực nhỏ của cơ thể nhưng cũng có khi ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

Đặc điểm của dị ứng thực phẩm là chỉ xảy ra cho những người mẫn cảm, có cơ địa dị ứng với một loại thực phẩm nào đó mà không gây phản ứng gì cho những người khác, đông y gọi là phong chẩn (nổi mề đay hoặc mày đay). Hầu hết các phản ứng xảy ra ngay sau khi ăn các thực phẩm gây dị ứng.

Có nhiều trường hợp chỉ bị phản ứng dị ứng nhẹ, trong khi những người khác có thể bị phản ứng dị ứng nặng và nguy hiểm do bị sốc phản vệ (là một phản ứng dị ứng đột ngột và nghiêm trọng xảy ra trong vòng vài phút tiếp xúc). Nếu không điều trị kịp thời, sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong trong vòng 15 phút.


Một vụ ngộ độc thực phẩm với nhiều người mắc được cấp cứu ngày 30-6 tại Bệnh viện quận 12 - TPHCM. Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Các triệu chứng thường gặp của một phản ứng dị ứng nhẹ bao gồm: nổi mẩn đỏ từng dề, thường gặp trên cổ, 2 tai, môi, mặt; ngứa ngáy khó chịu, nghẹt mũi, chảy nước mắt, đỏ mắt. Trong trường hợp này, nên giúp người bệnh giữ bình tĩnh vì phản ứng lo âu, sợ hãi… có thể làm các triệu chứng trở nên nặng hơn.

Các triệu chứng của một phản ứng trung bình hoặc nặng bao gồm: đau bụng, tiêu chảy, tức ngực, khó thở, khó nuốt, chóng mặt, nhức đầu, có cảm giác bồn chồn, sợ hãi hoặc lo âu; mặt đỏ bừng, buồn nôn, ói mửa; mặt, mắt, tai, lưỡi sưng lên người yếu mệt, thở khò khè, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp và dẫn đến hôn mê. Trong trường hợp này, nên kịp thời đến cơ sở y tế để được chữa trị, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.

Nấu chín vẫn gây dị ứng

Trước kia, người ta cho rằng việc nấu chín một loại thức ăn sẽ giúp người sử dụng không bị dị ứng với nó nữa. Tuy nhiên, theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch Hoa Kỳ, hầu hết các loại thực phẩm vẫn có thể gây ra phản ứng ngay cả khi được nấu chín, mặc dù một số thực phẩm gây dị ứng (kể cả trái cây và rau quả) thường chỉ gây ra phản ứng dị ứng khi ăn trước khi được nấu chín. 

Một số dược thảo được sử dụng kèm với thực phẩm khi ăn để phòng chống dị ứng: lá đinh lăng ăn kèm gỏi cá, tôm, thịt dê; lá tía tô hoặc lá kinh giới ăn kèm ốc, cua, mắm tôm; lá lạc tiên ăn kèm mắm nêm; lá lốt ăn kèm thịt bò, lươn, ốc; rau húng dũi, húng quế ăn kèm thịt bò, thịt gà; nước chanh hoặc lá chanh ăn kèm thịt gà, ốc; gừng ăn kèm ốc, sò, nghêu…

Ba nguyên tắc phòng ngừa

Để đề phòng dị ứng thực phẩm, chúng ta lưu ý một số nguyên tắc sau đây:

- Tránh sử dụng những thực phẩm đã từng gây ra một phản ứng dị ứng (dù nhẹ) trong quá khứ. Cẩn thận kiểm tra thành phần trên nhãn hiệu của các thực phẩm chế biến.

- Nếu trẻ em từng dị ứng với một loại thức ăn nào đó thì khi cho ăn một loại thức ăn mới, nên cho ăn từng ít một và theo dõi một thời gian để xem có bị dị ứng hay không. Tốt nhất là nên thử cho trẻ ăn các loại thức ăn mới sau khi đã được 1 tuổi. 

- Đối với những trẻ có tiền sử gia đình bị dị ứng thực phẩm, phải theo dõi cho đến khi trẻ ít nhất 3 tuổi. 

Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên cho trẻ bú sữa mẹ càng lâu càng tốt, vì sữa mẹ có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn một số dị ứng ở trẻ.

Lương y Đinh Công Bảy (Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]