Dù trong ngày 7.5, các cơ quan huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp khắc phục, thế nhưng mọi động thái cũng chỉ xoay quanh với biện pháp thủ công

Vách núi “bẫy đá”

Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp bàn giải pháp khắc phục sạt lở do UBND huyện Tịnh Biên tổ chức vào sáng 7.5, ông Lý Thanh Sang - Phó TGĐ Cty CP phát triển du lịch An Giang, người trực tiếp tham gia cùng đoàn khảo sát thực địa khu vực dọc thung lũng nơi xảy ra sạt lở núi - cho biết, điểm khối đá sạt lở vào ngày 5.5 nằm trên độ cao gần 500m so với mặt đường. Khu vực này hoàn toàn biệt lập với việc nổ mìn phá đá làm đường trước đây. Do vậy, hiện tượng sạt lở đá có thể do những trận mưa lớn cách đó 2-3 ngày, nước mưa âm ỷ xói mòn làm mất chân nền đá.

Tuy nhiên theo ông Sang, sau khi rơi, khối đá có khối lượng hàng trăm tấn này không chỉ cuốn theo nhiều hòn đá khác, gây ra hiện tượng sạt lở hãi hùng, mà còn va đập và làm nhiều khối đá khác rơi vào tình cảnh “nhạy cảm”. “Có khối chỉ cần tác động nhẹ là có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào” - ông Sang nhấn mạnh. Điều này trùng khớp với kết quả quan trắc của Sở TNMT An Giang: Nơi sạt lở không thuộc các khu vực đang được cấp phép khai thác khoáng sản.

Hiện trường ghi nhận còn 5 tảng đá (tảng đá lớn khoảng 6m3, đường kính dao động khoảng 2 - 4m, các tảng đá còn lại có kích thước nhỏ hơn), đây là những tảng đá “mồ côi” nằm cách mặt đường lên núi Cấm từ 10 - 30m và đang bị “phong hoá” bề mặt bên ngoài. Trên vách sạt ghi nhận được vật liệu còn lại là hỗn hợp đất, đá và một số tảng đá còn vướng lại tại một gốc cây và trên bề mặt trước.

“Theo nhận định ban đầu, sạt lở đá là do bề mặt các tảng đá bị “phong hoá” kết hợp với vật liệu bên dưới để kết dính và chịu lực giữ tảng đá lại là hỗn hợp đất đá. Do vậy, sau một thời gian đào xói, rửa trôi của nước mưa chảy tràn tự nhiên làm cho bề mặt không còn ổn định nên xảy ra hiện tượng sạt lở đá nghiêm trọng” - ThS Trần Anh Thư - PGĐ Sở TNMT An Giang - khẳng định. Từ cơ sở này, các đại biểu đề nghị cương quyết không cho người dân đi vào khu vực nguy hiểm để đảm bảo tính mạng người dân.

Khắc phục: Thủ công là chính

Trong lúc thiên tai rình rập, lơ lửng trên đầu, nhưng các biện pháp ứng xử vẫn chỉ dừng lại ở mức độ rất thủ công và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Theo ghi nhận của chúng tôi, khi chốt gác lên núi Cấm đã được phong tỏa thì nhu cầu lên núi của du khách càng tăng, chủ yếu là do hiếu kỳ, muốn xem vụ sạt lở đá. Lợi dụng tình hình trên, cánh xe Honda đã “mở đường” chở khách đi hướng từ chùa Phật Nhỏ sang hồ Thuỷ Liêm với giá “cắt cổ” mỗi người khoảng 100.000 đồng chỉ chuyến đi lên.

“Trong điều kiện trời nhiều mưa như hiện nay, việc tự ý mở các tuyến đường “tự phát” lên núi không đảm bảo chất lượng nên xe chạy sẽ bị trượt ngã, gây tai nạn cho du khách. Còn đối với những du khách hiếu kỳ đã tìm mọi cách đến xem hiện trường vụ sạt lở. Những người này còn thuê cả xe Honda chở lên bằng đường đua xe đạp địa hình hết sức nguy hiểm” - ông Lê Minh Hưng - TGĐ Cty CP phát triển du lịch An Giang - lo lắng.

Theo đề xuất của Sở TNMT, cần có cuộc khảo sát, kiểm tra toàn diện các tuyến đường lên núi để có hướng xử lý một cách khoa học. Tuy nhiên, trước mắt UBND huyện Tịnh Biên cần nhanh chóng đưa các khối đá sạt trượt nằm lại trên đường và các tảng đá đã nguy cơ đến nơi an toàn. Chiều 7.5, các ngành chức năng huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã thống nhất giao cho Cty TNHH Hữu Duẩn (huyện Tịnh Biên) trực tiếp thi công. Ông Nguyễn Hữu Duẩn - Giám đốc Cty Hữu Duẩn - cho biết, ngày 8.5, đơn vị sẽ đưa 20 lao động có nhiều kinh nghiệm tham gia thi công khắc phục toàn khu vực sạt lở trong 15 ngày bằng biện pháp thủ công.

Ngày 7.5, ông Lê Minh Hưng - Tổng GĐ Cty phát triển du lịch An Giang - cho biết, chiều 10.5, Cty sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân ngay tại hiện trường sạt lở núi ngày 5.5 với sự tham gia của đoàn sư, sãi chùa Vạn Linh (núi Cấm). Đây là nghĩa cử đẹp của Cty sau nhiều việc làm thiết thực cho gia đình các nạn nhân như: Hỗ trợ tiền, tổ chức đưa thi thể về quê an táng…