Ăn ít carbohydrate, nhiều protein làm giảm nguy cơ ung thư

Một nghiên cứu chỉ ra rằng ăn thức ăn có ít carbohydrate, nhiều protein có thể làm giảm nguy cơ ung thư và làm chậm sự tăng trưởng của khối u.

15.6046

Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu ung thư British Columbia (Canada).

Ăn ít carbohydrate, nhiều protein làm giảm nguy cơ ung thư

Nghiên cứu này được tiến hành trên chuột. Tuy nhiên các nhà khoa học khẳng định rằng phát hiện này có thể có tác dụng tương tự trên cơ thể người.

Trưởng nhóm nghiên cứu Gerald Krystal và các đồng nghiệp của ông ở Trung tâm nghiên cứu ung thư British Columbia đã cấy tế bào ung thư vào các con chuột được dùng để thí nghiệm và cho chúng ăn theo 2 chế độ ăn.

Chế độ ăn thứ nhất, một chế độ ăn điển hình của phương Tây, có 55% carbohydrate, 23% protein và 22% chất béo. Chế độ ăn thứ 2 có 15% carbohydrate, 58% protein và 26% chất béo.

Qua nghiên cứu, họ nhận thấy rằng các tế bào khối u phát triển chậm hơn ở những con chuột ăn theo chế độ ăn thứ 2.

Cũng qua nghiên cứu các nhà khoa học nhận ra rằng: đối với các con chuột di truyền dễ mắc ung thư vú khi được áp dụng 2 chế độ ăn trên, khoảng gần 50% số chúng bị ung thư vú khi áp dụng chế độ ăn thứ nhất (nhiều carbohydrate, ít protein) trong năm đầu tiên. Trong khi đó, đối với những con chuột ăn theo chế độ ăn thứ 2  (ít carbohydrate, nhiều protein), trong năm đầu tiên, không có con nào bị mắc ung thư.

Không những vậy, đối với những con chuột ăn theo chế độ nhiều carbohydrate, ít protein, 70% số chúng bị chết vì ung thư và chỉ có 1 con sống được 2 năm (tuổi thọ trung bình của loài chuột) trong khi với chế độ ăn kia, chỉ có 30% con bị tử vong và tới hơn 50% số lượng đạt hoặc vượt tuổi thọ trung bình..

Ông Krystal và các cộng sự cũng đã thử nghiệm tác dụng của chất ức chế mTOR, một chất gây ức chế sự tăng trưởng tế bào, và chất COX-2, có tác dụng làm giảm viêm nhiễm, phát triển khối u. Họ thấy rằng các thuốc này đã có tác dụng ở những con chuột được cho ăn thức ăn có ít carbohydrate, nhiều protein.

Khi được hỏi suy đoán về cơ chế sinh học, Krystal nói rằng các tế bào khối u, không giống như tế bào bình thường, cần glucose nhiều hơn để phát triển. Việc hạn chế lượng carbohydrate có thể giới hạn đường huyết và insulin, một loại hormone có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng khối u ở cả người và chuột.

Hơn nữa, chế độ ăn ít carbohydrate và nhiều protein có tác dụng thúc đẩy 2 khả năng của hệ miễn dịch: tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn béo phì.

"Điều này cho thấy một sự thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống có thể có tác động đến nguy cơ ung thư", ông Gerald Krystal khẳng định.

Nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Ung thư của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Mỹ.
AloBacsi.vn
Theo Minh Trâm - Khoa học và Đời sống (Xinhua)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]