Ăn rau sống, cần tái: Sán hoành hành rỗng gan, tưởng ung thư

Các loại rau sống mọc ở dưới nước hay trên cạn, tiếp xúc với các chất thải của động vật ăn cỏ đều mang ký sinh trùng sán. Thâm nhập vào cơ thể, sán này sẽ chu du đến gan và hoành hành, ăn rỗng gan.

0

Rau cần và các loài rau thủy sinh dễ bị nhiễm trứng sán.

Tưởng ung thư gan hóa ra bị sán tấn công

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cấp cứu cho một bệnh nhân bị viêm tắc túi mật, viêm gan do sán lá gan. Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện gan bị tổn thương do các loại sán đã cư trú và sinh sống ở gan của bệnh nhân từ lâu mà bệnh nhân không biết.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Th. trú tại Từ Liêm, Hà Nội. Theo bệnh nhân Th., ông có biểu hiện đau vùng bụng, đau quằn quại. Gia đình đưa đi bệnh viện mới biết bệnh nhân bị áp xe gan. Bệnh nhân Th. cho biết ông có triệu chứng ngứa, đau vùng thượng vị từ mấy tháng trước nhưng không rõ bệnh gì. Ông không đi khám ở đâu. Chỉ mua thuốc chống dị ứng về uống. Khi bác sĩ làm xét nghiệm phát hiện có trứng sán trong phân. Ngay sau đó, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ của sán lá gan lớn.

Ông Th. cho rằng nhiều khả năng ông hay ăn lẩu với món cần tái, cải xoong. Hai thứ sau này hay trồng ở dưới ruộng trũng, gặp sán lá gan từ trâu bò truyền sang.

Còn trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Hảo 52 tuổi, trú tại Phú Thọ cũng tương tự. Bà Hảo ốm một thời gian. Bà đi khám ở tuyến dưới bác sĩ nghi ngờ bị ung thư gan vì trong gan xuất hiện các ổ "khối u lạ". 

Từ khi nghe thông báo bệnh tật, cả gia đình bà Hảo mất ăn, mất ngủ hoang mang. Bà Hảo đi xuống bệnh viện ở Hà Nội khám, lúc này bác sĩ thông báo bà chỉ bị sán lá gan lớn. Sau đó, các bác sĩ đã mổ bắt con sán. Cả con sán to bằng ngón tay vẫn còn đang ngọ nguậy. Sau khi điều trị sán lá gan, bệnh nhânh khỏe lại và tăng cân.

Bà Hảo cho biết gia đình bà có một chiếc ao. Bà thường trồng cần để ăn là chính. Chuồng nuôi hai con bò nằm cạnh chiếc ao và chất thải của bò theo một nguồn nước thải sinh hoạt của gia đình thải xuống vũng ao đó. 

Ngay sau khi bà Hảo điều trị xong sán lá gan lớn, các bác sĩ khuyên cả gia đình bà đến bệnh viện làm xét nghiệm và điều trị bệnh sán lá gan lớn. 

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, không chỉ ăn các loại rau thủy sinh mà sử dụng rau sống trên cạn cũng có nguy cơ bị sán lá gan lớn. Khi sán tấn công vào gan, chúng có thể ăn mòn rỗng gan và tấn công sang mật. Vì thế, rau trồng trên đất, tưới nước sạch và không nên nuôi trâu bò gần nơi trồng rau. Khi ăn rau, người ta phải rửa rau kỹ để phòng ngừa các bệnh nhiễm vi trùng - ký sinh trùng khác.

Đường đi của ấu trùng sán lá gan lớn

Thạc sĩ Hà cho biết sán lá gan lớn là loại bệnh của các loài động vật ăn cỏ (còn gọi là động vật nhai lại) như trâu, bò, dê, cừu, hươu… (gọi là vật chủ cuối cùng hay vật chủ chính); còn người và một số động vật khác như lợn, chó, mèo là các đối tượng không may mắc bệnh.

Sán lá gan lớn có kích thước 30x 10-12mm. Ở người sán ký sinh trong gan mật, trường hợp bất thường sán có thể ký sinh trong cơ, dưới da... (ký sinh lạc chỗ)
 
Hình ảnh sán lá gan lớn.

Trứng sán có trong đường mật của vật chủ chính. Sau đó trứng được đào thải ra ngoài theo phân dưới dạng trứng chưa trưởng thành. Ở bên ngoài, trứng chưa trưởng thành cần phải có môi trường nước để tiếp tục phát triển và hoàn thiện chu kỳ. 

Trong môi trường nước, trứng sán tiếp tục phát triển thành phôi, sau đó tự giải phóng ra ngoài dưới dạng  ấu trùng lông. Trong điều kiện thời tiết mùa hè thích hợp, thời gian này mất khoảng 2 tuần. Trùng lông di chuyển trong nước, tìm đến và xâm nhập vào vật chủ trung gian thích hợp là các loài ốc. 

Ở trong ốc, ấu trùng lông phát triển qua các giai đoạn thành bào ấu trùng và ấu trùng. Để tiếp tục chu kỳ các ấu trùng của sán lá gan lớn rời khỏi ốc bám vào bề mặt của các cây thủy sinh như các loại rau, cỏ… Ấu trùng có ở bề mặt của các cây thủy sinh là giai đoạn có khả năng gây bệnh của sán lá gan lớn. 

Lúc này các loại động vật ăn cỏ ăn phải cỏ có chứa ấu trùng hoặc người không may ăn phải các loại rau, củ thủy sinh có chứa ấu trùng thì sẽ mắc bệnh sán lá gan lớn. Điểm khác biệt của sán lá gan lớn so với sán lá gan nhỏ và một số loại sán lá khác là có thể “phát huy” vai trò gây bệnh ngay sau khi thoát ra khỏi vật chủ trung gian thứ nhất là ốc chứ không đòi hỏi phải có vật chủ trung gian thứ hai. 

Sau khi xâm nhập qua đường miệng, ấu trùng tới ruột non và thoát vỏ. Từ đây ấu trùng xâm nhập vào các khoang của cơ thể bằng cách xuyên qua thành ruột và nhập vào đường mật bằng cách xuyên qua nhu mô gan. Đôi khi ấu trùng tới gan bằng đường máu hoặc đường bạch huyết ở thành ruột. 

Ngoài gan và đường mật, ấu trùng sán lá gan lớn còn có thể xâm nhập vào phổi, tử cung, hoặc một số tổ chức liên kết. Khi đã tới được các cơ quan hay tổ chức, ấu trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành gây bệnh, đẻ trứng để bắt đầu chu kỳ tiếp theo.

Khi làm tổ trong cơ thể, biểu hiện lâm sàng của bệnh sán lá gan lớn như mệt mỏi, biếng ăn, gậy sút, sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc sốt chỉ thoang qua rồi hết, đôi khi kéo dài, đau bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn... Các triệu trứng khác như đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ da, ho, khó thở... tràn dịch màng phổi.

Chẩn đoán bệnh bằng các xét nghiệm công thức máu, chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm, phát hiện kháng thể kháng sán lá gan lớn (chủ yếu bằng ký thuật ELISA), xét nghiệm phân. Thời gian theo dõi người bệnh điều trị tại cơ sở y tế ít nhất ba ngày và khám lại định kỳ sau 3, 6 tháng điều trị.

Khánh Ngọc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]