Cải thiện tỷ lệ trẻ thấp còi bằng dinh dưỡng

Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ (BMS), duy trì chế độ nghỉ thai sản... là các biện pháp cải thiện dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.

15.6061

Đây cũng là các vấn đề được thảo luận trong kỳ họp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU lần thứ 132, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 28/3 đến 1/4. Năm 2014, phiên họp bên lề khu vực Đông Á và Nam Á cũng thông qua bản kiến nghị thực thi Bộ luật BMS và chế độ nghỉ thai sản, trong đó, nêu cao vai trò quan trọng của các nước trong việc thúc đẩy dinh dưỡng giai đoạn đầu đời cho trẻ.

WHO khuyến cáo, trẻ nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Ảnh: Dự án Nuôi dưỡng và Phát triển.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), suy dinh dưỡng thấp còi là tình trạng trẻ thấp hơn chuẩn chiều cao của lứa tuổi, dobệnh tật và chế độ dinh dưỡng không hợp lý trong 2 năm đầu đời. Tại Đông Á và Nam Á, có gần 100 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi và ở 7 quốc gia châu Á, tỷ lệ này là trên 40% trẻ dưới 5 tuổi.

Ngoài chiều cao, khả năng nhận thức và học tập của trẻ suy dinh dưỡng thấp còi cũng kém hơn bạn bè cùng trang lứa. Khi trưởng thành, thu nhập của trẻ có thể thấp hơn 20% so với đồng nghiệp.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, đểgiải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ, các quốc gia Đông Á và Nam Á phải đầu tư thêm 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho y tế và giáo dục. Campuchia phải chi hơn 400 triệu USD, tương đương với 2,5% GDP của nước này.

Nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đầu tư dinh dưỡng cho trẻ nhỏ bằng cách thông qua Công ước về Quyền Trẻ em (CRC). Tuy nhiên, sau 25 năm thông qua Công ước, việc đầu tư dinh dưỡng vẫn bị trì hoãn.

Cải thiện thực hành dinh dưỡng là một trong những cách hiệu quả giảm tỷ lệ trẻ thấp còi. Ảnh: Dự án Nuôi dưỡng và Phát triển.

Theo các chuyên gia, một trong những cách thức hiệu quả giảm tỷ lệ trẻ thấp còi là cải thiện thực hành dinh dưỡng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) khuyến cáo, trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khi trẻ được 6 tháng, mẹ cần cho trẻ ăn bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và tiếp tục cho bú sữa mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách có thể hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng bằng cách tăng cường thực thi Bộ luật quốc tế cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ (BMS) và duy trì chế độ nghỉ thai sản. Luật cấm mọi cách thức, địa điểm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ và các dụng cụ hỗ trợ như bình bú, núm ti giả.

Trong khi đó, chế độ thai sản tạo điều kiện cho lao động nữ có thể nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tại Nauy, việc tăng chế độ thai sản từ 10 tuần lên 40 tuần đã giúp tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tăng từ 10% lên 80%.

Theo An San - VnExpress

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]