Có nên tiêm thuốc phòng bệnh mất trí nhớ?

Tôi năm nay 70 tuổi. Cũng như nhiều người già khác, tôi thấy trí nhớ của mình giảm sút nhiều, hay lẫn hay quên. Bà bạn tôi có chồng là bác sĩ khuyên nên tiêm thuốc phòng bệnh mất trí nhớ, bản thân bà năm nào cũng tiêm 1 đợt 10 mũi và cảm thấy có kết quả tốt.

15.5967

Xin hỏi tôi có nên tiêm như vậy không, tiêm thuốc có phòng được bệnh mất trí nhớtuổi già?

Nguyễn Tú Oanh (TP. Hồ Chí Minh)

Vitamin B12 quan trọng cho sự hình thành tế bào hồng cầu và duy trì hệ thần kinh trung ương. 

Có một số nguyên nhân sau gây giảm trí nhớ ở người già:

Trầm cảm: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất nhưng cũng dễ điều trị nhất. Trầm cảm là một bệnh tâm thần rất phổ biến và tăng theo lứa tuổi. Ở độ tuổi trên 65 (tuổi già), tỷ lệ bệnh vượt quá 25% dân số (nữ nhiều hơn nam 2 - 3 lần). Trầm cảm ở người già cũng giống như trầm cảm ở các lứa tuổi khác, nhưng có một số đặc điểm dễ nhận thấy sau:

- Rối loạn trí nhớ rất nặng. Họ thường mất trí nhớ gần (quên không nhớ những việc mới xảy ra như đã ăn sáng chưa, bỏ chùm chìa khóa ở đâu...). Vì vậy dễ nhầm với bệnh mất trí. Các nhà tâm thần học gọi là mất trí giả (vì sau khi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm thì trí nhớ hồi phục hoàn toàn).

- Buồn vô cớ.

- Mất ngủ, lúc đầu họ có thể mất ngủ cuối giấc (thức dậy sớm và không ngủ lại được), về sau họ sẽ mất ngủ hoàn toàn.

- Vận động chậm chạp.

- Nghi bệnh (cho rằng mình bị bệnh nguy hiểm, nhưng khi đi khám thì không phát hiện thấy bệnh gì).

Cần biết rằng, người già hay có các bệnh cơ thể mạn tính đi kèm như tăng huyết áp, viêm đa khớp dạng thấp, u tuyến tiền liệt... các bệnh này sẽ làm cho bệnh trầm cảm ở người già phức tạp hơn. Vì thế cần điều trị cho người già bằng thuốc chống trầm cảm SSRI như sertralin, paroxetin, fluvoxamin, fluoxetin... Liều thuốc cho người già chỉ cần bằng 1/3 đến 1/2 cho người lớn. May mắn thay là người già đáp ứng tốt với thuốc chống trầm cảm (điều trị thường cho kết quả tốt).

Teo não ở người già: Đây là quá trình sinh lý bình thường ở con người. Ở tuổi trên 65, não bắt đầu teo chậm. Khi chụp phim CT scan não sẽ thấy não thất giãn rộng, khe giữa các cuộn não rộng hơn và khoảng cách giữa mặt trong xương sọ và bề mặt não cũng rộng hơn. Chính vì quá trình teo não này nên các chức năng nhận thức của người già suy giảm dần. Họ luôn than phiền trí nhớ kém (hay bỏ đâu quên đấy), khả năng chú ý kém nên rất khó tiếp thu những cái mới dù rất đơn giản. Quá trình này diễn ra rất chậm và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, có thể kìm hãm sự tiến triển này bằng một số thuốc như piracetam, ginko biloba, duxil. vitamin E, vitamin B12 và acid folic... Các thuốc này có thể dùng hằng ngày bằng đường uống trong nhiều tháng để có hiệu quả rõ rệt. Hiện nay có một số người cao tuổi mách nhau dùng cerebrolysin tiêm tĩnh mạch. Cần biết rằng cerebrolysin là tinh chất não lợn được chỉ định trong tai biến mạch máu não và chấn thương sọ não. Nếu dùng trong các trường hợp teo não tuổi già thì giá thành sẽ rất cao (vì phải dùng kéo dài mới có hiệu quả rõ rệt) và lãng phí.

Mất trí tuổi già: Đây là một nhóm bệnh gây ra mất trí như Alzheimer, Pic, Parkinson... do thoái hóa não gây ra. Quá trình teo não diễn ra rất nhanh và không thể đảo ngược. Bệnh nhân mất cả trí nhớ gần, trí nhớ xa. Các triệu chứng vô cùng đa dạng và phong phú, nhưng có thể khái quát là:

- Vong tri tức là suy tàn về tri thức. Bệnh nhân mất nhớ, mất hết các kỹ năng mình đã có, không thể tiếp thu được cái mới dù đơn giản nhất.

- Vong ngôn: Bệnh nhân mất dần ngôn ngữ, cuối cùng thì không nói và không hiểu tiếng người.

- Vong hành: Bệnh nhân mất dần khả năng phối hợp động tác do đó mất dần khả năng đi lại.

- Chụp não bằng CT scan hoặc MRI thấy hình ảnh teo não rất rõ và tương đối đặc hiệu cho từng loại mất trí.

Đã có nhiều chế phẩm được thử nghiệm điều trị cho các bệnh nhân mất trí, nhưng hiệu quả còn rất khiêm tốn (chỉ làm chậm sự tiến triển của bệnh).

Như vậy, rối loạn trí nhớ ở người cao tuổi rất phức tạp. Việc tiêm thuốc phòng rối loạn trí nhớ cho người cao tuổi rõ ràng là không cần thiết và không có hiệu quả vì cần chẩn đoán chính xác bệnh trước khi cho thuốc. Có lẽ tập thể dục và lao động chân tay chính là phương pháp hiệu quả nhất phòng suy giảm trí nhớ ở người già. Còn thuốc phòng thì nên chọn thuốc uống loại không đắt tiền, không có chống chỉ định cho người già như piracetam, ginko biloba, duxil... có lẽ sẽ có ý nghĩa thực tiễn hơn.

Chúc bà mạnh khỏe!

TS. Bùi Quang Huy

(Chủ nhiệm Khoa tâm thần - Bệnh viện 103)

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]