Ở gần cuối hẻm 3 đường Trần Phú (phường 4, TP Vĩnh Long), cạnh con mương thoát nước bốc mùi hôi hám có một căn nhà tường mục nát, mái tôn thấp lè tè mang số 8/1. Dưới mái nhà đó có sáu con người đang gồng mình chống chọi với bệnh tật, nghèo đói.

Khi chúng tôi hỏi thăm đường tìm nhà bà Nguyễn Thị Di (76 tuổi), chủ căn nhà nói trên, những người dân nơi đây cho biết: “Cách nay hơn 20 năm, nhà bà Di giàu nhất xóm nhưng rồi bệnh tật đã làm nhà bà suy sụp đến nông nỗi này”. Nhiều năm qua cả nhà phải sống nhờ khoản tiền trợ cấp của hai người bệnh tâm thần và tiền công làm thuê ít ỏi của hai người còn tỉnh táo.

Cả nhà ai cũng bệnh

Khi chúng tôi bước vào nhà, bà Di đang nằm rên hừ hừ. Người con trai lớn của bà (52 tuổi, bệnh tâm thần) ngồi cạnh mẹ, hút thuốc rê liên tục, chẳng thèm nhìn tới khách lạ. Ở một góc nhà, một người con trai khác cũng ở trần, ngồi bệt dưới đất nhìn người lạ với ánh mắt cảnh giác. Người tỉnh táo và ít bệnh nhất là chị Trần Thị Hồng Loan, con gái bà Di. Chị Loan nói: “Mẹ tui nhiều năm nay bệnh nặng lắm (hở van tim, sỏi mật...) nên nằm một chỗ”.

Thấy khách đến, bà Di gượng dậy ngồi bên cạnh hai người con trai bị tâm thần. Ảnh: HA

Bà Di rơi nước mắt kể: 20 năm trước nhà cửa đang yên ấm thì vợ người con trai lớn bỏ nhà ra đi, để lại đứa con mới sinh. Đứa con chưa đầy một tuổi thì người cha tự dưng lên cơn tâm thần, suốt ngày nói năng lảm nhảm, đập phá đồ đạc, chạy chữa khắp nơi rất tốn kém nhưng bệnh ngày càng nặng thêm. Tiếp đến, hai người con trai kế của bà cũng lên cơn tâm thần. Vợ chồng bà đầu tắt mặt tối kiếm tiền trị bệnh cho con, đến lúc cả hai vợ chồng phát bệnh suy tim, gan, thận thì không có tiền chạy chữa. Lúc đó vì ông bệnh nặng nằm một chỗ nên bà vừa bươn chải buôn bán, vừa phải vay mượn khắp nơi để cả nhà trị bệnh.

Năm 2008, một người con của bà qua đời. Đến năm 2009, chồng bà cũng ra đi. Sức cùng lực tận vì bệnh tật, bà Di không còn buôn bán được, nằm một chỗ mấy năm nay. “Con Loan thì thân hình không phát triển, chẳng có chồng con, trong mình cũng đang mang đủ thứ bệnh tật hiểm nghèo, nặng nhất là bị sỏi mật. Bác sĩ kêu mổ mấy năm nay mà nhà tui đâu còn tiền để cho nó mổ” - bà Di nghẹn ngào nói.

Quanh năm chỉ ăn cơm với rau muống

Từ khi bà Di bệnh nằm một chỗ đến nay, gia cảnh ngày càng túng bấn hơn. Cháu nội của bà và người con trai út (cũng bị kém phát triển về hình thể) sáng nào cũng đi khắp thành phố kiếm mối làm thuê. Nghề “thợ đụng” (ai kêu gì làm nấy) họ đang làm không ổn định, ngày có việc thì được 30.000-40.000 đồng, ngày không có việc thì về tay không. Hiện tại, cả gia đình sáu miệng ăn gần như sống nhờ vào tiền trợ cấp người bệnh tâm thần của Nhà nước cấp cho hai người con bà Di, tổng cộng 540.000 đồng/tháng. Vì vậy, quanh năm suốt tháng cả nhà chỉ ăn cơm với rau muống. “Lúc không có tiền thì mua chịu rau muống, khi nào có tiền đem trả” - chị Loan cho hay. Với số tiền ít ỏi đó, gia đình bà Di không đủ mua gạo ăn hằng tháng. Vậy nên hầu như tháng nào bà con lối xóm cũng gom góp cho thêm vài ký gạo, mắm muối, nhu yếu phẩm.

Bà Hoa, một người dân cùng xóm, nói: “Lúc khá giả vợ chồng bà Di thường giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn nên bây giờ thấy gia cảnh họ suy sụp vì bệnh tật, ai cũng thương xót. Nhưng xóm này hầu hết là dân lao động nghèo nên chỉ có thể giúp nhau đến vậy”.

Gia đình bà Di hiện thuộc loại nghèo nhất phường. UBND phường 4 chỉ có thể giúp bằng cách cấp thẻ BHYT miễn phí để cả nhà giảm bớt gánh nặng thuốc thang và đưa vào diện hỗ trợ tiền điện giá rẻ. Ngoài ra, mỗi khi có các đoàn làm công tác từ thiện về phường tặng quà, khám bệnh, phát thuốc thì UBND phường đều đưa gia đình bà Di vào danh sách ưu tiên.

Ông PHAN VĂN ỬNG, cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phường 4, TP Vĩnh Long

HÙNG ANH


Video đang được xem nhiều