Đau mắt đỏ: Dù không nặng cũng nên nghỉ

Dịch đau mắt đỏ đang có diễn biến phức tạp và lan rộng trên cả nước. Nhiều người bị đau mắt đỏ buộc phải nghỉ học, nghỉ làm để phòng tránh lây lan cho cộng đồng.

15.6103
Lo sợ học sinh bị hổng kiến thức

Theo chị Nguyễn Thị Bình (Kim Hoa, Đống Đa, Hà Nội) cả gia đình chị đều bị mắc bệnh đau mắt đỏ. Trước đó, con gái lớn của chị chưa bị bệnh nhưng cô giáo đã khuyên không nên đến lớp vì sợ ảnh hưởng đến bạn bè. Nhiều bạn trong lớp không lại gần con chị (cháu Hương lớp 10 -trường THPT Thăng Long) vì sợ cháu là tác nhân mang mầm bệnh cho cả lớp.

Sau đó, cháu phải nghỉ học từ khi chưa có biểu hiện của đau mắt đỏ. Chị Bình kể: "Nghỉ học được hai hôm thì con bé cũng bị bệnh luôn, khổ thế đấy". Sau 10 ngày điều trị, mắt của chị vẫn đỏ hoe nên đi làm vẫn bị kỳ thị. Nhiều người thấy đồng nghiệp đau mắt đỏ là tránh xa, sợ bị lây nhiễm. Hai vợ chồng chị đã xin nghỉ không lương cả tuần rồi nên chị Bình sợ không dám nghỉ thêm. Điều chị lo lắng nhất là các con nghỉ học lâu sẽ bị hổng kiến thức.

Cùng hoàn cảnh đó, anh Nguyễn Việt Trường - số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội cũng bị đồng nghiệp “xa lánh”. Anh bị dính đau mắt đỏ từ gia đình nên khi vừa thông báo bị đau mắt, công ty anh đã báo anh nên nghỉ ở nhà. Tuy nhiên, công việc trên văn phòng còn dở dang, nhiều hợp đồng chào thầu đang cần chỉnh sửa nên tiếc công tiếc việc anh lại lên công ty làm việc. Tuy nhiên, khi đi ở thang máy dù cố né vào sâu bên trong nhưng nhiều người vẫn không dám nhìn anh. 

Thậm chí, vào đến văn phòng làm việc nhiều nhân viên cấp dưới của anh cũng tránh xa. Anh buồn bã kể lại, làm được buổi sáng thì sếp lớn lên bảo "cậu muốn cả công ty cùng đau mắt đỏ à”,  rồi anh được đặc cách mang giấy tờ, hồ sơ về nhà làm.

Còn bác sĩ Hùng - Bệnh viện Phụ Sản Trung ương cũng ngán ngẩm: "Anh bị đau mắt vào đúng ngày đầu tuần đi làm. Công việc và lịch mổ cho bệnh nhân đã xếp sẵn rồi mà giờ đành ở nhà điều hành qua điện thoại. Nếu đến bệnh viện thì lây bệnh cho cả khoa và bệnh nhân mất". 

Cũng may, các bệnh nhân của anh Hùng không phải bệnh nguy cấp nên anh có thể điều chỉnh lại ca mổ khi bệnh đỡ hơn. Ba ngày đau mắt đỏ, mọi lịch trình của anh thay đổi hẳn.

Không khí lạnh sẽ giảm nguy cơ phát tán bệnh 

Theo bác sĩ Hoàng Cương, trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho đến hết ngày 24/9 số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ vẫn không giảm. Số bệnh nhân này chiếm từ 20 % tổng số các bệnh nhân đến khám về mắt. Đến hết ngày hôm qua chưa ghi nhận thêm trường hợp nào bị biến chứng nặng từ đau mắt đỏ như viêm kết mạc cấp tính, loét giác mạc.

Bác sĩ Cương cho biết, theo kinh nghiệm nhiều năm trong điều trị bệnh đau mắt đỏ, đợt không khí lạnh về miền bắc từ ngày hôm nay sẽ giúp tình hình bệnh đau mắt đỏ được kiểm soát tốt hơn. 

Kinh nghiệm cho thấy, cứ mỗi đợt không khí lạnh, thời tiết khô hanh hơn, độ ẩm không khí thấp, virus lây bệnh phát tán chậm hơn. Thời gian qua, bệnh phát tán nhanh, lan rộng là do thời tiết mưa nắng sụt sùi, hai cơn bão số 8 và số 9 ập đến liên tục càng khiến bệnh lan nhanh ở các tỉnh thành.

So với mọi năm trước, dịch đau mắt đỏ thường bùng phát vào tháng 7 và tháng 8 vì trời mưa. Nhưng năm nay bệnh đến muộn hơn và diễn biến cũng phức tạp hơn.

Nhiều bệnh nhân đến khám bệnh cũng than thở với bác sĩ bị ép nghỉ làm hoặc nghỉ học vì mắc bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, bác sĩ Cương cho rằng những người đau mắt đỏ nên nghỉ ở nhà để tránh lây lan cho cộng đồng. Nhiều người mắc bệnh còn cố gắng ra ngoài dẫn đến bệnh lây lan nhanh hơn.

Tâm lý cho rằng cứ đeo kính là không sợ lây bệnh sang cho người khác nên nhiều người cố tình vừa đeo kính vừa đi làm. Điều đó hoàn toàn sai bởi bệnh còn lây lan qua đường không khí, đường thở. Thậm chí, tay người bệnh dụi vào mắt sao đó sờ vào bàn ghế, cầu thang, máy tính… đều là nguồn mầm bệnh cho người khác. 
Điều bác sĩ Cương băn khoăn nhất dù là bệnh lành tính nhưng tốc độ lây lan rất nhanh như hiện nay thì các cơ quan nên có chính sách hỗ trợ cho người bệnh nghỉ ở nhà điều trị nhưng vẫn có lương. Vì sợ nghỉ không có lương nên nhiều người vẫn cố đi làm.

Sở Y tế Hà Nội cũng khuyến cáo các trường hợp mắc bệnh nên nghỉ ở nhà, trẻ em có biểu hiện cần cho nghỉ học, ngay sau đó có các biện pháp bù kiến thức cho các em nghỉ vì đau mắt đỏ. Mọi người dân nên tránh tập trung nơi đông người. Không nên sử dựng chung khăn mặt, khăn tắm và các dụng cụ sinh hoạt khác. 


Phúc Mai

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]