Dễ ngừa viêm mũi dị ứng

Thời tiết chuyển mùa với những thay đổi liên tục và thất thường khiến cơ thể chúng ta phải chống đỡ nhiều nguy cơ bội nhiễm, đặc biệt là rất dễ viêm mũi dị ứng.

15.5683

Trong một hội thảo chuyên ngành tổ chức mới đây tại TPHCM, TS Võ Thanh Quang, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, đã cảnh báo là số lượng bệnh nhân viêm mũi dị ứng đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đang gia tăng và mức độ của bệnh khó kiểm soát hơn. Bộ Y tế cũng cho biết ở nước ta hiện nay, tỉ lệ mắc viêm mũi dị ứng trong dân vẫn nằm ở mức cao với khoảng 12,3% dân số.

GS Glenis Kathleen Scadding, Bệnh viện Tai Mũi Họng Hoàng gia Anh, cũng vừa cho chúng ta những thông tin đáng chú ý về viêm mũi dị ứng: 42% bệnh nhân mắc ít nhất một triệu chứng mức độ vừa và nặng trên mũi, một triệu chứng vừa và nặng trên mắt. Các triệu chứng viêm mũi dị ứng  gây phiền toái cho 93% bệnh nhân trong thời gian ban ngày và 47% bệnh nhân trong thời gian ban đêm.

Báo cáo gần đây của các chuyên gia bệnh học cũng đã ghi nhận viêm mũi dị ứng đang là bệnh có xu hướng gia tăng mà nguyên nhân chính là do ô nhiễm không khí, môi trường sống thay đổi… Tuy nhiên, vấn đề đáng nói đối với việc ngăn chặn bệnh này lại là ở chỗ việc nhìn nhận các triệu chứng chưa thật đầy đủ, công tác giáo dục người dân về cách phòng ngừa chưa tốt; bệnh nhân viêm mũi dị ứng thì thường có tâm lý chủ quan hoặc ngần ngại dùng thuốc, tự ý bỏ thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ...

Thực ra không khó để nhận diện sớm viêm mũi dị ứng nếu chúng ta lưu ý đến các dấu hiệu: ngứa mũi, hắt hơi liên tục thành tràng dài không thể kiểm soát được. Khi hắt hơi nhiều thì kéo theo cảm giác đau đầu do các cơ phải co thắt. Viêm mũi dị ứng còn có các biểu hiện như chảy nước mũi, ngạt mũi. Với người viêm mũi dị ứng thời tiết thì sẽ hắt hơi rất nhiều khi gặp lạnh, có thể vào buổi sáng hoặc khi thời tiết thay đổi.

Nếu để ý đến một số nguyên tắc sau đây thì chúng ta sẽ phòng ngừa được rất nhiều nguy cơ viêm mũi dị ứng: tránh tiếp xúc các tác nhân thường gây kích thích dị ứng (bụi, lông động vật, phấn hoa, mùi lạ, khói thuốc lá), giữ ấm cho cơ thể nhất là khi về sáng hoặc ngày lạnh, đeo khẩu trang khi đi đường và khi làm việc trong môi trường nhiều bụi; nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý...

ThS-BS Lê Như Sơn
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]