Dịch bệnh tu hài: Nhiều tỷ phú thành... trắng tay

Nuôi tu hài từng là nghề "hốt bạc" tại một số tỉnh ven biển trong hơn chục năm qua. Thế nhưng giờ đây, hầu hết nông dân lâm cảnh khốn cùng vì tu hài chết hàng loạt, biến những tỷ phú thành những người trắng tay. Tweet

15.5902

Giờ đây, hầu hết nông dân lâm cảnh khốn cùng vì tu hài chết hàng loạt.

Thời điểm này, giá tu hài thương phẩm đang tăng cao ngất ngưởng. Cách đây 2 năm có giá bán 130.000-150.000 đồng/kg thì hiện nay lên tới 350.000 - 380.000 đồng/kg, tăng 80.000 - 100.000 đồng/kg so với năm ngoái. Nguyên nhân là do tu hài chết hàng loạt ở hầu hết các khu vực nuôi trồng, khiến nguồn cung khan hiếm.

Điêu đứng vì dịch bệnh

Huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) vốn nổi tiếng bởi nghề nuôi tu hài, bởi nuôi loài nhuyễn thể này đem lại hiệu quả kinh tế cao khiến người dân ở đây ồ ạt đầu tư. Nếu như năm 2003, chỉ có chưa đến 10 hộ nuôi thì đến nay cả huyện có tới 700 hộ và DN chuyên nuôi tu hài. Có thời kỳ, nghề nuôi tu hài đã giúp hàng loạt hộ dân thoát nghèo, trở thành tỷ phú.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tiên ở xã Đông Xá huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) từng đầu tư nuôi gần 20.000 lồng tu hài từ năm 2010. Năm đầu tiên nuôi thử nghiệm đã cho lãi hơn 400 triệu đồng nên bà mạnh dạn vay ngân hàng để đầu tư thêm, số lồng nuôi cứ liên tục tăng nhanh. Tuy nhiên, đợt dịch bệnh tu hài trên diện rộng từ năm 2013 đến nay gây chết hàng loạt đã khiến gia đình bà Tiên mất đứt 4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Minh, ở khu 9 thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn cho biết, gia đình thả hơn một vạn lồng tu hài, trung bình mỗi lồng từ 40-45 con, nhưng từ tháng 3 trở lại đây, tình trạng tu hài chết xuất hiện ở hầu hết lồng, bãi nuôi của gia đình. Hầu hết các hộ nuôi tu hài đều lâm cảnh nợ nần, sạt nghiệp bởi tu hài, người nợ ít cũng hàng trăm triệu, nợ nhiều cũng lên tới vài tỷ đồng.

Tuy nhiên, thiệt hại của các hộ nông dân chưa thấm vào đâu so với các DN. Ông Đỗ Hữu Tờ, Giám đốc Công ty TNHH Đỗ Tờ, một trong 20 DN nuôi tu hài hàng đầu của huyện Vân Đồn, cho biết công ty đã thiệt hại hơn 15 triệu con giống với số tiền đầu tư trên 20 tỷ đồng. Tương tự, Công ty TNHH Quan Minh cũng chịu thiệt hại lên tới 30 tỷ đồng.

Thống kê của UBND huyện Vân Đồn cho thấy, chỉ tính riêng thiệt hại tại các DN, con số này đã lên đến 500 tỷ đồng. Còn thiệt hại của cả 700 DN, hộ dân nuôi toàn huyện Vân Đồn thì đã lên đến trên 1.000 tỷ đồng. Tu hài chết hàng loạt không chỉ khiến người dân, DN điêu đứng mà cả người kinh doanh, phân phối loại hải sản này khóc dở mếu dở vì liên tục bị phạt hợp đồng, do không đủ nguồn hàng cung cấp cho khách mua.

Người nuôi tu hài ở tỉnh Khánh Hòa cũng chung thảm cảnh, chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, địa phương thiệt hại hàng tỷ đồng vì tu hài sưng vòi, bỏ ăn rồi chết. Phường Cam Nghĩa, Tp. Cam Ranh (Khánh Hòa) là địa phương từng có phong trào nuôi tu hài rất mạnh nhưng chỉ còn 11 hộ đang cầm cự nuôi.

Nhiều hộ nuôi tu hài cho hay, những năm trước việc nuôi tu hài rất thuận lợi, có lợi nhuận cao. Cứ mỗi rổ khi thu hoạch đều cho sản lượng trên 1 kg tu hài thương phẩm, sau khi trừ chi phí người nuôi lãi hơn một nửa. Tuy nhiên kể từ năm 2013 trở lại đây, việc nuôi đối tượng này liên tục thua lỗ, vì dịch bệnh khiến tu hài chết hàng loạt.

Lúng túng chống dịch và hỗ trợ

Ngay từ đợt dịch bệnh trước (năm 2012) khi tu hài chết hàng loạt tại Quảng Ninh đã được Trung tâm Chẩn đoán Thú y Quốc gia (Bộ NN&PTNT) xác định là do mắc nội ký sinh trùng Perkinsus Spp, là bệnh lây lan rất nhanh, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có biện pháp chữa trị hữu hiệu. Mặt khác, chất lượng con giống thả nuôi hiện nay cũng không được đảm bảo như trước đây, bởi các trại sản xuất giống sử dụng bố mẹ tu hài ở đời F1, F2 cho đẻ nên sức đề kháng con giống kém.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh và Bộ NN&PTNT đều cảnh báo nguyên nhân khác làm tu hài chết hàng loạt là do con giống tràn lan từ Trung Quốc chưa được kiểm dịch. Do người người nuôi tu hài, nhà nhà nuôi tu hài, để có lượng con giống đủ cho nuôi trồng, người dân phải nhập giống từ rất nhiều vùng ở cả miền Bắc, Trung, Nam, thậm chí từ Trung Quốc.

Từ tháng 9/2012 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có chính sách hỗ trợ người nuôi tu hài để khôi phục sản xuất. Thế nhưng chính sách này hầu như không thể thực thi do vướng nhiều thủ tục, qui định. Theo báo cáo của UBND huyện Vân Đồn, tính đến thời điểm này, toàn huyện có khoảng 888 hồ sơ đề nghị hỗ trợ, với khoảng gần 377 triệu con giống, số tiền là 33,2 tỷ đồng (theo đơn giá quy định là 50-200 đồng/con).

Sau khi rà soát, số hồ sơ không hợp lệ bị cơ quan chức năng trả lại là 644/888, với lý do: Nghi ngờ chữ ký của đơn vị cung cấp con giống; chứng từ không đủ điều kiện, không có chữ ký của thủ trưởng đơn vị cung cấp giống trong chứng từ; nội dung hoá đơn ghi không hợp lý theo đơn giá và thành tiền.
Theo Đại diện UBND huyện Vân Đồn, các hoá đơn chứng từ chủ yếu do người dân tự viết nội dung vào, vì thế không đủ điều kiện. Một nông dân trong số những người bị trả hồ sơ cho biết: "Chúng tôi mua giống từ khắp nơi, chủ yếu là mua của cá nhân với cá nhân, không ai nghĩ đến chuyện lấy hóa đơn để được hỗ trợ. Vậy nên để làm đầy đủ hồ sơ theo quy định là điều gần như không thể".

Thời báo kinh doanh

Theo Thời báo kinh doanh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]