Dịch dồn dập và mối nguy tự điều trị

Sốt xuất huyết, chân tay miệng, tả đang có nguy cơ bùng phát, nhưng hầu hết mọi người đều xem thường biểu hiện ban đầu của bệnh và thường tự điều trị.

15.6013

 

.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, cục trưởng cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo tình hình dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng hiện đang lan rộng ở TP.HCM và một số địa phương khác. Bên cạnh nguyên nhân mùa mưa, chu kỳ dịch bệnh… còn có nguyên nhân do phòng chống dịch bệnh của người dân và y tế cơ sở chưa đúng, xem thường những biểu hiện ban đầu của bệnh, đến khi tái phát nghiêm trọng mới đưa đến các cơ sở y tế thì đã muộn. 

Hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết

Theo số liệu của cục Y tế dự phòng, số người mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay đã lên tới hơn 10.000 ca (cao gần bằng tổng số ca mắc trong năm 2007), chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và các tỉnh duyên hải miền Trung. Một số tỉnh có số ca mắc đang báo động là Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, TP.HCM…

Đối với bệnh tay chân miệng, diễn biến tuần qua cho thấy số ca mắc tăng chậm tuy nhiên dịch lại có dấu hiệu lây lan diện rộng trên cả nước. Hiện có gần bốn ngàn ca mắc tay chân miệng, tập trung nhiều nhất là ở phía Nam với bình quân 500 ca/tháng. Số ca tử vong do bệnh này (11 ca) cao gấp đôi tử vong do sốt xuất huyết. 

Theo dự báo của bộ, dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng sẽ tăng cao trong thời gian ngắn tới ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.  

Cũng theo cục Y tế dự phòng, sau một thời gian tạm lắng, trong tuần qua dịch tiêu chảy cấp đã tái phát trở lại tại Hà Nam và có nguy cơ bùng phát diện rộng. Tính từ đầu tháng 5.2008 đến nay, Hà Nam đã có 96 trường hợp bị tiêu chảy cấp do ăn rau sống, thịt chó. Trong số đó, chín trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả.

Nguy hiểm chết người vì tự điều trị  

Ghi nhận tại hai bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (TP.HCM) ngày 18.5 cho thấy số trẻ nhập viện do các bệnh liên quan đến đường hô hấp tiếp tục tăng. Không phát sinh thêm số ca tử vong do tay chân miệng, sốt xuất huyết mới nhưng số mắc có biến chứng sang viêm não, viêm màng não đang có dấu hiệu tăng từ 30 – 40%. 

Kết quả phân tích mười ca tử vong do bệnh tay chân miệng của hai bệnh viện cũng cho thấy có nguyên nhân do đánh giá sai lầm của gia đình. Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao đã làm mát cho trẻ bằng rượu, quấn trẻ quá kỹ, dùng quạt, nước đá để sức nóng toả ra nhanh khiến trẻ càng lạnh hơn, bị sưng phổi và làm bệnh nhanh chóng diễn tiến sang viêm não. Tương tự với sốt xuất huyết, mặc dù bệnh không nguy hiểm nhưng vì nhiều phụ huynh hiểu sai nên hầu hết các ca nặng đều do trước đó gia đình đã coi thường bệnh, tự chữa trị bằng những cách dân gian: cho trẻ uống vài giọt chanh, nước ấm pha một chút rượu hay cồn, cắt lể để nặn hết máu độc, truyền dịch tại nhà… 

Việc này không chỉ làm các bác sĩ tiếp nhận điều trị sau đó không thể theo dõi được chỗ nào xuất huyết do bệnh, chỗ nào do cạo gió mà còn khiến trẻ bị sốc dịch truyền, tử vong, “rất nhiều trẻ bị sốt xuất huyết được gia đình cho uống Aspirin hay các thuốc kháng viêm nonsteroids. Như thế là không an toàn vì các loại thuốc này có thể khiến trẻ bị xuất huyết tiêu hoá…” – bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 lưu ý. Cũng theo bác sĩ Hùng, có thể hạ sốt cho trẻ bằng thuốc Paracetamol, lau mát bằng nước ấm, cho uống nhiều nước chín, nước trái cây. Nếu có những dấu hiệu sau thì cần nghĩ đến sốt xuất huyết nặng và đưa trẻ đến bệnh viện ngay: lừ đừ, lạnh tay chân, ói nhiều, đau bụng, chảy máu bất thường, tiêu phân đen...

Tấn Khải

SGTT

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]