Dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường

Thực đơn của người bệnh đái tháo đường nên có trái cây loại ít ngọt và thực phẩm ít chà xát kỹ.

15.599

Ngoài kiểm soát chế độ ăn uống, người bệnh đái tháo đường nên dành trung bình 30 – 45 phút mỗi ngày để tập luyện giúp mức đường trong máu ổn định.

Đái tháo đường là một bệnh mãn tính và nguồn gốc dẫn đến các biến chứng do đái tháo đường là tình trạng đường huyết tăng cao liên tục mà người bệnh không hề hay biết. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tập thể dục đều đặn sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt lượng đường trong máu, làm chậm tiến triển các biến chứng và phòng ngừa được các tai biến tim mạch do bệnh đái tháo đường gây ra.

Trong thực đơn của người bệnh đái tháo đường nên có trái cây loại ít ngọt như cam, táo - Ảnh: HồngThúy
 
Một vài nguyên tắc sau đây giúp người bệnh đái tháo đường tự xây dựng cho mình một bữa ăn hợp lý và lành mạnh:

- Ăn vừa đủ nhu cầu cơ thể: Tùy theo cân nặng hiện tại và mức độ lao động. Điều này sẽ giúp duy trì sự cân đối giữa cân nặng và chiều cao.

- Tránh dùng mỡ động vật: Chẳng hạn mỡ có trong thịt heo, bò, cừu, bơ, magarin, da, lòng, phủ tạng. Nếu cân nặng đã dư, nên giảm bớt số lượng chất béo trong khẩu phần vì nhóm thực phẩm này cung cấp rất nhiều năng lượng. Có thể bớt chất béo trong khẩu phần bằng các thực đơn chế biến dưới hình thức luộc, nấu, hấp, kho hoặc nướng.

- Nên ăn nhiều loại rau cải, đậu: Mục đích là để tăng lượng xơ và cung cấp đủ vitamin, khoáng chất. Lượng chất xơ trong bữa ăn giúp chậm hấp thu đường vào máu.

- Chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày: Có thể ăn 3 bữa chính và 1-3 bữa phụ, sao cho phù hợp với chế độ sinh hoạt và các loại thuốc bạn đang dùng. Lưu ý: Đừng bao giờ bỏ bữa ăn, dù có bận bịu hay mệt mỏi cũng nên ăn một ít thức ăn thay thế vào giờ những bữa ăn hằng ngày.

- Tập thay đổi dần những thói quen không có lợi như hút thuốc, uống rượu, ăn mặn…

Tập thể dục đều đặn phù hợp tình trạng sức khỏe cũng là một trong những biện pháp cần thiết. Nên dành thời gian trung bình 30 – 45 phút mỗi ngày để đi bộ, đạp xe, tập dưỡng sinh. Tập thể dục còn tránh tăng cân quá mức, góp phần phòng các bệnh tim mạch hay gặp và các bệnh mãn tính khác do tuổi tác gây nên.

Bên cạnh việc thực hiện chế độ ăn uống, thể dục, thuốc men; nên kiểm tra đường huyết thường xuyên để điều chỉnh các chế độ điều trị thích hợp kịp thời.

Người bệnh đái tháo đường nên ăn nhiều loại thực phẩm để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, cụ thể:

- Nhóm bột đường: Nên chọn các thực phẩm ít chà xát kỹ hoặc xay nhuyễn, các loại bột đường hấp thu chậm (cơm, mì, nui, bún, hủ tiếu, bánh phở, khoai bắp… là những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và trung bình, chứa hàm lượng xơ cao). Các loại đường hấp thu nhanh từ đường cát, bánh kẹo, sữa, trái cây, nước ngọt… chỉ nên dùng khi có triệu chứng hạ đường huyết, còn trong bữa ăn hằng ngày thì không nên sử dụng thường xuyên.

- Nhóm đạm: Đạm thực vật có trong các loại ngũ cốc, đậu; đạm động vật có trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua… Nên ăn vừa đủ nhu cầu và ăn cả 2 nhóm đạm. Nên chọn thịt nạc, các loại cá và hải sản.

- Nhóm béo: Bao gồm các loại dầu thực vật, mỡ động vật, bơ, magarin... Chỉ ăn đủ nhu cầu, nên dùng dầu thực vật thay mỡ động vật (lưu ý mỡ cá là nguồn chất béo có lợi cho sức khỏe). Nên chọn dầu thực vật (trừ dầu dừa, dầu cọ).

- Nhóm sữa: Nên chọn loại không đường. Nếu dư cân, béo phì, nên chọn loại tách béo một phần hoặc không béo.

- Nhóm trái cây: Nên chọn loại ít ngọt như cam, quýt, bưởi, thanh long, mận, táo…
Theo BS Đào Thị Yến Thủy - Người Lao động
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]