Động kinh - không phải bệnh tâm thần

Không có biểu hiện gì khác thường, vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ thỉnh thoảng co giật nhẹ nên gia đình không để ý, khi cơn co giật đến bất ngờ, hậu quả rất khó lường.

15.5972


Lo lắng- là một trong những nguyên nhân dễ gây động kinh

Khó xác định nguyên nhân

Nhiều người vẫn lầm tưởng động kinh là một bệnh lý của tâm thần nhưng BS Lê Văn Tuấn - ĐH Y Dược TP.HCM khẳng định: "Động kinh không phải là một bệnh tâm thần". Thông thường, một bệnh nhân được chẩn đoán là động kinh khi có ít nhất hai cơn động kinh, nếu chỉ có một cơn động kinh duy nhất thì chưa được gọi là động kinh.

Một số tình trạng nội khoa có thể gây ra các cơn động kinh như: co giật do sốt, ngưng thuốc, ngộ độc, phản ứng dị ứng, nhiễm trùng, rối loạn điện giải, đường huyết... Tuy nhiên, những tình trạng này không được xem là động kinh. Có trường hợp có thể nhầm lẫn cơn động kinh với các bệnh lý khác như đột quỵ hay đau nửa đầu.

Động kinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhiều người bị động kinh ở tuổi nhỏ, đến tuổi trưởng thành có khuynh hướng giảm về cường độ và số lần xuất hiện. Tỷ lệ động kinh cũng tăng ở người lớn tuổi.

Theo BS Lê Văn Tuấn, tỷ lệ động kinh khoảng 0,4 - 0,8% dân số. Trong đó, người sau 60 tuổi mới bị động kinh chiếm 25%, các cơn động kinh do sốt ảnh hưởng khoảng 5% trẻ dưới năm tuổi. Tỷ lệ tử vong đột ngột không dự đoán trước chiếm 12 - 15% các trường hợp tử vong do động kinh và thường gặp ở người từ 20 - 40 tuổi.

Người động kinh có những biểu hiện như: lo lắng, sợ sệt, chóng mặt, co giật một phần cơ thể, thị giác hay khứu giác bất thường, khó chịu ở vùng dạ dày. Trong cơn động kinh, bệnh nhân có thể nhìn chằm chằm, khi co giật có thể phát ra tiếng kêu, tiểu dầm. Sau cơn, bệnh nhân có thể phục hồi lại ngay hoặc có thể cảm thấy mệt mỏi, rối loạn định hướng vài phút, vài giờ, thậm chí vài ngày.

Cơn động kinh xảy ra thường không xác định được nguyên nhân, chiếm khoảng 60 - 75%. Các trường hợp còn lại do một số nguyên nhân như: tổn thương não trong bào thai, chấn thương lúc sinh; ngộ độc, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, chấn thương đầu, u não, tai biến mạch máu não...

Thai phụ cần cẩn thận

Bệnh động kinh đa phần không di truyền. Những thai phụ bị động kinh trong lúc mang thai có nguy cơ sẩy thai, đẻ non rất cao. BS Tuấn cảnh báo, nếu thai phụ bị động kinh và sử dụng thuốc, có thể sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Tỷ lệ thai phụ sinh con bất thường khi sử dụng một loại thuốc động kinh khoảng 5% và 10% khi thai phụ sử dụng hai loại thuốc.

Một nghiên cứu mới của TS Gyri Veiby thuộc Bệnh viện Trường đại học Haukeland tại Bergen, Na Uy cho thấy, những trẻ có mẹ sử dụng thuốc chống động kinh khi mang thai sẽ tăng nguy cơ phát triển bệnh tự kỷ.

Điều trị động kinh bằng thuốc cần có thời gian lâu dài. Việc sử dụng thuốc chống động kinh khi mang thai là không tốt nhưng cần thiết. BS sẽ sử dụng thuốc phù hợp với từng loại động kinh, hạn chế ảnh hưởng đến thai nhi. Vì thế, những phụ nữ đang mang thai đã động kinh hay có dấu hiệu động kinh cần phối hợp với BS để được điều trị một cách phù hợp, tránh những hậu quả đáng tiếc.

AloBacsi.vn
Theo Ngọc Huệ - Phụ Nữ TP.HCM

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]