Em phải làm sao khi bệnh động kinh hay tái phát?

Từ đó đến nay em vẫn kiên trì điều trị theo chỉ định nhưng bệnh vẫn tái đi tái lại liên miênnvà mỗi lần lên cơn thì em không thể kiểm soát được bản thân.

0
Cách đây 2 năm, sau một trận sốt cao, bỗng cơ thể em xuất hiện triệu chứng co giật. Em đã đi khám tại bệnh viện chuyên khoa và được chẩn đoán là mình bị bệnh động kinh. Từ đó đến nay em vẫn kiên trì điều trị theo chỉ định nhưng bệnh vẫn tái đi tái lại liên miên. 1 tháng bị co giật đến 2 lần và mỗi lần lên cơn thì em không thể kiểm soát được bản thân, thậm chí còn tiểu dầm ra quần.
 
Tình trạng này khiến em gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và học tập. Mong bác sĩ giúp em tìm ra phương pháp để điều trị dứt điểm căn bệnh này với ạ! Em xin cảm ơn!
 
>>  

Chào em,
 
Động kinh hoặc co giật được định nghĩa là rối loạn đột ngột trong hoạt động của vỏ não, biểu hiện bằng các triệu chứng vận động, cảm giác hoặc hành vi… Thuật ngữ động kinh dùng để mô tả các cơn hay tái phát sau hàng tháng, hàng năm theo một khuôn hình giống nhau. 

Bệnh thường được chia thành những loại cơ bản sau:

- Động kinh cục bộ đơn giản.

- Động kinh cục bộ phức tạp.
 
- Động kinh cơn lớn.
 
- Động kinh cơn nhỏ.
 
- Rung giật cơ.
 
- Vô trương và bất động.
 
Ngoài ra, trong thực tế còn có thể phân loại động kinh theo nguyên nhân như:
 
- Động kinh nguyên phát (động kinh vô căn) tức không tìm thấy tổn thương thực thể của não trong tiền sử cũng như hiện tại bằng các phương pháp thăm khám hiện có.
 
- Động kinh triệu chứng (thứ phát) là trường hợp có các tổn thương thực thể ở não, một số trường hợp động kinh là di chứng của chấn thương sọ não, u não, tai biến mạch máu não, nhiễm khuẩn hay do rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, hạ canxi huyết, thiếu vitamin B6, rối loạn nước điện giải, ngộ độc...
 
Việc điều trị chứng bệnh này khá phức tạp, phải căn cứ theo từng thể loại, trạng thái của động kinh. Trong trường hợp động kinh có co giật toàn bộ, tái phát liên tục, mất ý thức, bất tỉnh (có thể ngã bất cứ lúc nào, chỗ nào gây nguy hiểm tính mạng của bệnh nhân) thì cần phải được:

- Điều trị cấp cứu trong bệnh viện nhằm duy trì các chức năng sống còn.

- Tìm và giải quyết nguyên nhân của trạng thái động kinh.

- Ngăn ngừa các biến chứng do động kinh loại này gây nên với nguyên tắc tìm mọi cách cắt cơn càng nhanh càng tốt, chống phù não, hồi sức tim mạch…
 
Điều trị các cơn động kinh khác cần theo nguyên tắc:

- Chẩn đoán đúng loại cơn.

- Chọn đúng thuốc đặc trị, liều lượng thuốc phải đạt dần tới liều tác dụng, không được cắt thuốc đột ngột mà thay thế dần bằng thuốc khác, giảm dần liều thuốc cho tới khi không có cơn trên lâm sàng và nếu không còn cơn trên điện não đồ thì càng tốt.
 
Nói tóm lại, việc điều trị động kinh có 2 loại:

- Loại phải điều trị cấp cứu là trạng thái động kinh hay động kinh cơn lớn rất phức tạp nhất thiết phải được điều trị trong bệnh viện.

- Các loại động kinh khác cũng phải điều trị theo nguyên tắc và phải được giám sát bởi thầy thuốc chuyên khoa bởi các tác dụng phụ của thuốc cũng như những biến chuyển bất thường của cơn động kinh.
 
Do vậy, bác sĩ Mèo khuyên em nên đi khám tại bệnh viện chuyên khoa thần kinh để xác định lại loại động kinh cũng như đo điện não để thăm dò mức độ của bệnh, đồng thời phải có sự theo dõi thường xuyên của các bác sĩ để việc điều trị được thuận lợi.
 
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

 AloBacsi.vn (Theo Kênh 14/ MASK)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]