Dùng lá chữa bệnh, hiệu quả ra sao?

Cho rằng lá cây an toàn như… rau, nên nhiều người dùngchữa bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cần cân nhắc kỹ và chỉ nên xem việc dùng lá cây xắt uống như một cách hỗ trợ trị bệnh.

15.6023

Giữ eo?

Ảnh minh họa hoa phan tả diệp

Chị Hoàng Thị Kim Xuân (Q.3 TP.HCM) cho biết: “Mẹ tôi bị táo bón, đến một hiệu thuốc Đông y ở Q.5 được hướng dẫn dùng lá phan tả diệp để trị bệnh. Lá này chỉ 60.000đ/kg. Cách dùng đơn giản, chỉ cần hãm uống như trà. Sau khi uống vài ngày là hết bệnh”.

Ngoài ra, chị Kim Xuân còn uống loại trà này với mục đích làm mềm “chất thải”, loại cholesterol và giữ vòng eo thon thả, theo tư vấn của chủ hiệu thuốc trên.

BS Trần Văn Năm - Viện phó Viện Y dược dân tộc TP.HCM giải thích: “Cholesterol máu tăng thường là do ăn uống quá nhiều loại mỡ bảo hòa (mỡ động vật), lối sống ít vận động thể lực, ngoài ra còn có yếu tố di truyền...

Lá phan tả diệp có chứa chất gây tăng co bóp ruột và làm mềm phân nên có tác dụng nhuận tràng. Để thanh lọc cơ thể, có thể dùng lá cây phan tả diệp giúp tăng thải độc qua đường đại tiện... Tuy nhiên, không sử dụng lá này trong thời gian dài cũng như liều lượng phải phù hợp, đặc biệt người có thể trạng suy nhược và có bệnh lý mạn tính đường tiêu hóa phải cẩn thận”.

Chữa đái tháo đường?

Lá dứa thơm có mùi thơm dễ chịu, thường được bỏ vào cơm, chè, bánh để làm “nức mũi” thực khách. Nhiều người truyền nhau việc dùng lá dứa thơm để chữa bệnh tiểu đường. Cách “bào chế” như sau: lá dứa rửa sạch, phơi khô nhưng phải còn màu xanh. Sau đó, lấy 10 lá, cắt nhỏ, nấu với 2,5 lít nước, đun sôi để cạn còn khoảng hai lít, uống trước mỗi bữa ăn chừng 20 phút.

Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy, lá dứa có tác dụng chống gốc tự do (gốc tự do xuất hiện nhiều trong cơ thể người bệnh tiểu đường và là một trong những nguyên nhân gây ra biến chứng nặng nguy hiểm) và hạ đường máu qua cơ chế tăng hấp thu đường ở tế bào.

Theo BS Trần Văn Năm thì không riêng gì lá dứa thơm mà còn nhiều rau, quả khác có công dụng giảm đường trong máu như: đậu bắp, rau má, rau sam, tâm sen, bồ ngót, lá cây chùm ngây, củ sắn, quả bơ, cà chua... Để điều trị bệnh tiểu đường, cần có chế độ ăn, vận động hợp lý cũng như kết hợp thuốc tân dược. Điều quan trọng là người bệnh phải được tư vấn bởi thầy thuốc có kinh nghiệm.

Chữa ung thư?

Nhiều người dùng lá đu đủ chữa ung thư. “Toa thuốc” như sau: dùng bốn-năm lá đu đủ cả cuống, càng già càng tốt. Xắt nhỏ cho vào nồi cùng hai lít nước nấu cạn còn một lít. Mỗi ngày uống nửa lít, uống lúc đói, sau khi uống dùng thêm một-hai muỗng mật ong. Dùng liên tục ba tháng.

Về việc này, BS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam chia sẻ: “Cho đến nay tôi chưa thấy trường hợp nào dùng lá đu đủ chữa hết bệnh ung thư. Điều cần lưu ý là những lời hướng dẫn không có cơ sở lại yêu cầu uống ngay khi mới bệnh thì đạt hiệu quả cao. Tin vào hướng dẫn này, người bệnh chủ quan, khi đến bệnh viện thì đã muộn. Ung thư nếu phát hiện sớm thì trị lành. Vì vậy, khi bị bệnh nên dùng phương pháp chính quy, hiện đại, và có thể áp dụng cách trên để hỗ trợ”.

AloBacsi.vn
Theo Vũ Âu - Phụ Nữ Online
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]